.

Xã hội hóa hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư thành phố Đồng Hới: Để mỗi đường lớn, ngõ nhỏ đều sáng lên

Thứ Hai, 29/08/2016, 08:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2011, UBND thành phố xây dựng đề án xã hội hóa hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ (xin gọi là xã hội hóa hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường) trong khu dân cư (KDC) giai đoạn 2011-2015. Có thể khẳng định rằng kết quả sau 5 năm triển khai đã góp phần quan trọng hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II của Đồng Hới.

Những kết quả đạt được

Thành phố Đồng Hới có tổng diện tích đất dành cho đường giao thông 1.097ha, chiếm 21,53% diện tích đất quy hoạch xây dựng của thành phố. Hiện tại toàn thành phố có 547km đường giao thông, trong đó gồm 19,6km quốc lộ; 78,6km tỉnh lộ; 448,8km đường đô thị và đường xã.

Về quy mô, các tuyến đường chính mặt cắt ngang từ 15m trở lên, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng. Các trục đường còn lại mặt cắt ngang dưới 10,5m với khoảng 325km, hệ thống điện chiếu sáng được triển khai xây dựng bằng ngân sách thành phố hay huy động từ phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trong giai đoạn 2011-2015, sau khi đề án xã hội hóa hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường giao thông trong KDC ra đời, triển khai thực hiện, thành phố Đồng Hới đã hoàn thành 78 tuyến chiếu sáng với tổng chiều dài 49,56km.

Hệ thống điện chiếu sáng trong KDC cùng với hệ thống điện chiếu sáng công cộng dọc các trục đường chính: Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp, Hữu Nghị, Quách Xuân Kỳ, Trương Pháp... tạo cho Đồng Hới về đêm thêm văn minh, rực rỡ, đa sắc màu. Những KDC ở các phường nội thị như: Đồng Mỹ, Hải Đình, Đồng Phú, Hải Thành... về cơ bản hệ thống điện chiếu sáng đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sự phát triển đô thị hóa.

Sự cần thiết tiếp tục triển khai đề án

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới Hoàng Đình Thắng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Hới lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố quyết tâm phấn đấu bảo đảm chỉ tiêu 70% ngõ phố, tuyến đường đã phân cấp được chiếu sáng nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng thành phố văn minh xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh.

Nhờ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng hiện đại, đường Trần Hưng Đạo trở thành tuyến phố kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Đồng Hới.
Nhờ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng hiện đại, đường Trần Hưng Đạo trở thành tuyến phố kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Thực tế theo phân cấp, quy mô các tuyến điện chiếu sáng đã đầu tư giai đoạn 2011-2015 so với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của thành phố đã trở nên lạc hậu, thiếu tính đồng bộ, chỉ giải quyết một phần nhu cầu chiếu sáng trong KDC. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ ngõ phố, tuyến phố được chiếu sáng chỉ mới đạt 15% nhu cầu và còn khoảng 275,5km đường giao thông trong KDC mặt cắt ngang dưới 10,5m chưa được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng.

Qua điều tra khảo sát nhu cầu cần thiết, giai đoạn 2016-2020 có đến 581 tuyến đường, tuyến phố, ngõ phố với tổng chiều dài 119,29km phải có hệ thống điện chiếu sáng, trong đó đường mặt cắt ngang từ 7 đến 10,5m, tổng chiều dài 33,40km; đường mặt cắt ngang dưới 7m, tổng chiều dài 85,88km. Địa phương có nhu cầu đầu tư thấp nhất là phường Hải Đình gồm 10 tuyến phố, ngõ phố; tổng chiều dài 865m.

Các địa bàn khác nhu cầu lắp đặt điện sáng các tuyến đường trong KDC lớn như: phường Bắc Lý gồm 35 tuyến phố, ngõ phố, tổng chiều dài 7.790m; phường Nam Lý có 62 tuyến phố, ngõ phố, tổng chiều dài 14.720m; phường Bắc Nghĩa có 77 tuyến phố, ngõ phố, tổng chiều dài 23.090m. Nhu cầu cần đầu tư hệ thống điện chiếu sáng nhiều nhất là phường Đồng Sơn gồm 144 tuyến phố, ngõ phố, tổng chiều dài lên đến 32.239m...

Huy động các nguồn lực để thực hiện

Để tiếp tục xây dựng và triển khai đề án xã hội hóa hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường trong KDC giai đoạn 2016-2020, thành phố Đồng Hới xác định: tập trung huy động các nguồn lực, sự đóng góp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng 581 tuyến điện chiếu sáng ở các tuyến đường mặt cắt ngang dưới 10,5m trong KDC. Vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống điện chiếu sáng để khơi dậy phong trào quần chúng tham gia nâng cấp, chỉnh trang và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tổng kinh phí đầu tư cho hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường trong KDC giai đoạn 2016-2020 trên 25 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các tuyến đường mặt cắt ngang từ 7 đến 10,5m là 8.528 triệu đồng; các tuyến đường mặt cắt ngang dưới 7m khoảng 16.472 triệu đồng. Tỷ lệ huy động vốn theo thể thức nhà nước 60%, nhân dân đóng góp 40%. Theo đó kinh phí huy động trong nhân dân khoảng 10 tỷ đồng.

Quá trình triển khai xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường trong khu dân cư giai đoạn 2016-2020 chia làm 4 giai đoạn: năm 2017 thực hiện trên 30km; năm 2018 thực hiện 31,25km; năm 2019 xây dựng 28,81km và năm 2020 hoàn thành trên 29km còn lại. Kinh phí chia đều cho các năm khoảng 6.250 triệu đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới Hoàng Đình Thắng khẳng định: “Đề án xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ trong khu dân cư giai đoạn 2016-2020 là một trong những chủ trương lớn của thành phố. Ngoài việc góp phần làm đẹp thành phố thì chủ thể hưởng lợi là nhân dân, vì vậy quá trình triển khai phải chặt chẽ, công khai, minh bạch theo phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Trong công tác huy động vốn đóng góp của nhân dân phải tuân thủ theo Nghị định 24/1999/NĐ-CP ngày 16-4-1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, việc huy động vốn đóng góp thực hiện theo phương thức tự nguyện, nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Kinh phí đóng góp của nhân dân được nộp vào ngân sách nhà nước để chi trả cho công trình. Mức đóng góp đối với từng đối tượng do UBND xã, phường tính toán trên cơ sở dự toán công trình đã được phê duyệt sau khi trừ đi nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức, cá nhân nếu có”.

Thanh Long