.

Vạn Trạch (Bố Trạch): Nỗi ám ảnh từ những đường ngang dân sinh

Thứ Ba, 23/08/2016, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm nay, những cái chết đau lòng trên các cung đường sắt đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân xã Vạn Trạch (Bố Trạch). Đáng sợ hơn khi hệ thống các đường ngang dân sinh nơi đây chủ yếu là tự phát, không có gác chắn và cũng không hề có đèn tín hiệu.

Tháng 7-2012, tại km 500+500 đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua xã Vạn Trạch đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến 2 phụ nữ đi trên xe gắn máy chết tại chỗ. Đằng sau vụ tai nạn giao thông đầy ám ảnh ấy là hai gia đình vốn đã nghèo khổ nay càng thêm vất vả, những đứa trẻ con càng thêm bơ vơ khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Nỗ đau từ vụ TNGT này chỉ là một trong rất nhiều bi kịch gia đình xuất phát từ những vụ tai nạn đường sắt đau lòng xảy ra tại xã Vạn Trạch trong suốt thời gian qua.

Theo số liệu từ UBND xã, kể từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ tai nạn đường sắt làm 4 người chết và 7 người bị thương. Nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân khi băng qua các con đường ngang vốn đã tiềm ẩn nhiều hiểm họa như không có biển báo, không có đèn tín hiệu, một số khác bị che khuất tầm nhìn...

Đường ngang dân sinh đi qua thôn Dài là con đường lưu thông chủ yếu của nhân dân các thôn Dài, thôn Mới, thôn Tròn và thôn Sỏi. Hàng ngày, có hàng nghìn lượt người và phương tiện lưu thông qua đây, thế nhưng, điều đáng nói là ngoài tấm biển báo sơ sài, địa điểm này lại không hề có gác chắn, cũng không có đèn tín hiệu.

Không có gác chắn, không đèn tín hiệu, đường ngang dân sinh tại thôn Dài trở thành “điểm đen” về TNGT.
Không có gác chắn, không đèn tín hiệu, đường ngang dân sinh tại thôn Dài trở thành “điểm đen” về TNGT.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đã khiến nơi đây trở thành “điểm đen” về giao thông đường sắt và là nỗi ám ảnh của người dân khi qua lại trên con đường này. Theo quan sát của chúng tôi, hai bên tuyến đường này, nhiều nhà dân mọc lên san sát, trong đó, có một xưởng sản xuất vật liệu xây dựng nằm ngay cạnh ngã tư.

Theo ý kiến của một số người dân khi lưu thông qua đây, thì do tiếng ồn từ xưởng sản xuất có lúc lấn át luôn cả tiếng còi tàu, cộng với tầm nhìn bị che khuất và ý thức chủ quan nên họ không hề phát hiện được đoàn tàu đang sắp sửa đi qua. Phải đến khi đến sát gần đường ray, họ mới kịp dừng lại và nhận ra bản thân đã thoát chết chỉ trong gang tấc.

Chị Trần Thị Ngọc Bé, một hộ dân sống cạnh khu vực  này cho biết: Xóm mới của thôn Dài có khoảng 25 cháu nhỏ. Ngày ngày khi chứng kiến con em mình phải qua lại nơi đây để đến trường, nhiều bậc phụ huynh luôn sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Nhiều em nhỏ trong độ tuổi 2 – 6 tuổi thì bố mẹ luôn phải để mắt trông chừng. 

Đó chỉ là một trong rất nhiều các đường ngang dân sinh “3 không” (không gác chắn, không đèn tín hiệu, không người gác) trên địa phận xã Vạn Trạch. Theo ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã thì tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận xã Vạn Trạch có chiều dài gần 7 km, đi qua 10/12 thôn. Trên địa bàn có 7 đường ngang dân sinh lớn cùng rất nhiều đường ngang tự phát khác.

Cách đây không lâu, nhận thấy những hiểm họa từ chính những con đường này, chính quyền xã đã chỉ đạo xóa hai con đường bằng cách đào đường hào song song với mương thoát nước của đường ray.

Trong số những đường ngang dân sinh đó chỉ có 1 đường ngang có gác chắn và 3 đường có lắp đặt hệ thống đèn báo hiệu. Các đường ngang còn lại đều chung trong tình trạng “3 không”, thế nhưng, một số con đường lại là lối đi chính của nhân dân trên địa bàn nên không thể xóa bỏ. Theo ông Chủ tịch UBND xã, điều đáng nói là hệ thống đường sắt giao với đường ngang dân sinh đa phần cao hơn mặt đường.

Trong khi đó mặt đường lại gồ ghề, nhiều đoạn tiếp giáp với đường sắt lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều năm nay, chính quyền xã Vạn Trạch đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, hỗ trợ địa phương phương án tăng cường an toàn tại các đường ngang dân sinh.

Tuy nhiên, đến nay, đường vẫn chưa được đầu tư nâng cấp và người dân vẫn luôn sống trong nỗi ám ảnh, lo lắng mỗi khi đi qua những tuyến đường này. “Để đáp ứng yêu cầu của địa phương cũng như nguyện vọng của người dân ở đây, chúng tôi mong ngành đường sắt tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai các công trình làm gác chắn hoặc gắn đèn báo tự động tại một số đoạn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt ở xã Vạn Trạch, ông Chủ tịch UBND xã mong muốn”.

Nguyện vọng của chính quyền xã cũng chính là mong muốn tha thiết của rất đông những người dân xã Vạn Trạch mà chúng tôi đã tiếp xúc, đặc biệt là những người đã từng tận mắt chứng kiến những vụ TNGT thương tâm xảy ra tại chính những “điểm đen” đáng sợ này.

Tuy nhiên, cũng như trao đổi của lãnh đạo chính quyền xã Vạn Trạch, cùng với việc hệ thống đường ngang chưa được đầu tư, nâng cấp thì một điều không thể phủ nhận là ý thức của một bộ phận người dân sống dọc tuyến đường sắt vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: lấn chiếm hành lang, trồng cây, xây dựng nhà tạm che khuất tầm nhìn trong hành lang an toàn giao thông đường sắt... Từ những hành vi đó đã khiến hệ thống đường ngang dân sinh vốn đã thô sơ nay càng tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt.

Có lẽ, điều trước mắt mà chính quyền xã Vạn Trạch cần làm ngay để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra đó là tích cực khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm những quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; bố trí cán bộ quản lý các đường ngang dân sinh sẵn có; nghiêm cấm việc mở đường ngang bất hợp pháp.

D.H