.

Quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có bão lũ xảy ra

Thứ Năm, 18/08/2016, 07:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết mùa mưa bão năm 2016 có những diễn biến phức tạp và khó lường so với năm 2015. Theo đó, nhiều khả năng sẽ có khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên khu vực biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tập trung vào tháng 8 đến tháng 11-2016. Để chủ động ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có bão lũ xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thị xã Ba Đồn đã sớm xây dựng và triển khai các phương án phòng chống, bảo đảm sẵn sàng trước mùa mưa bão 2016.

Thị xã Ba Đồn có địa hình khá phức tạp, dân cư sinh sống tập trung chủ yếu ở ven sông, suối, các cồn nổi và vùng đồng bằng nhỏ hẹp, thấp trũng nên thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những diễn biến bất thường của thời tiết như: áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, lũ, triều cường...

Thông thường vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, thượng nguồn các sông thường xảy ra lũ quét, vùng hạ lưu bị ngập úng kéo dài. Hệ thống đê, kè dọc biển đông và hai bên sông Gianh kéo dài từ phường Quảng Phúc lên đến xã Quảng Tiên, do đó mùa mưa thường xảy ra ngập úng và chia cắt đường giao thông. Thị xã Ba Đồn có 7 hồ chứa gồm: hồ Bàu Luồng (phường Quảng Long), hồ Khe Nậy, hồ Mũi Rồng (xã Quảng Tiên), hồ Thông Thống, hồ Hóc Chọ (xã Quảng Minh), hồ Khe Hà, hồ Khe Zét (xã Quảng Sơn).

Các công trình khác như: đê, kè, hồ đập phòng chống lụt bão trong những năm qua đã được các cấp, các ngành đầu tư kinh phí xây dựng và nâng cấp, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng. Phương tiện máy móc, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn còn thiếu so với yêu cầu của công tác PCTT-TKCN bình thường, chưa nói đến trang thiết bị hiện đại để ứng cứu kịp thời khi có bão và lũ lớn xảy ra.

Năm 2015 có 5 cơn bão hoạt động trên biển Đông, chủ yếu ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc và nam Trung bộ, tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba đồn nói riêng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cơn bão. Các loại thiên tai khác như: lốc, sét, rét hại có xảy ra, tuy nhiên không gây thiệt hại và làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Trong năm, địa bàn thị xã Ba Đồn chỉ ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 từ ngày 7-9 đến 17-9-2015. Do mưa kéo dài gây ngập úng 20 ha lúa và hoa màu tại một số xã, phường, làm môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá chẽm nuôi lòng trên sông. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.

Rút kinh nghiệm từ công tác PCTT-TKCN năm 2015 và căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện địa hình của địa phương, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Ba Đồn đã sớm đề ra phương hướng, nhiệm vụ và triển khai công tác PCTT-TTCN năm 2016 đến các ban, ngành, đơn vị và địa phương.

Đê Cạnh Nam, xã Quảng Văn bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thuỷ sản của người dân địa phương.
Đê Cạnh Nam, xã Quảng Văn bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thuỷ sản của người dân địa phương.

Với phương châm: Phòng ngừa, giảm nhẹ là chính, tiếp đến ứng phó và khắc phục, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Ba Đồn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức của người dân, tiếp tục kiện toàn bộ máy hoạt động, các phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn...

Theo đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN đã chỉ đạo cơ quan Đài PTTH thị xã, các trạm phát thanh cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân những kiến thức cần thiết về tác hại của thiên tai bão lụt và những biện pháp phòng tránh, kịp thời đưa tin diễn biến thời tiết, các chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác PCTT.

Sau khi tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ cấp xã, phường, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các vùng, các công trình trọng điểm theo hướng gọn nhẹ, Ban chỉ huy PCTT-TKCN đã phân công, quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên, bảo đảm nâng cao năng lực điều hành công tác phòng chống lụt bão, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tổ chức diễn tập với các tình huống bất lợi nhất khi có thiên tai bão, lụt xảy ra.

Cùng với việc thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và kinh phí, hậu cần tại chỗ) khi có bão lũ xảy ra, Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống, tổ chức và huy động phương tiện thông tin hữu tuyến, vô tuyến và kể cả sử dụng phương tiện đi lại phù hợp, thông báo, cảnh báo, đồng thời nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai xảy ra ở các địa bàn như: đồng bằng, miền núi, trên sông, trên biển để có biện pháp đối phó hợp lý.

Đối với những địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng như: vùng có dân cư tập trung sinh sống ven sông, ven biển đang sạt lở, vùng cồn bãi, vùng ngập lụt, vùng hạ lưu các hồ chứa, công trình ngăn mặn...

Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã đã chuẩn bị phương án cụ thể để sơ tán người và tài sản, có kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết để kịp thời ứng cứu cho bà con nhân dân những vùng trọng yếu, bị chia cắt dài ngày; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân cư ở các vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị ngập lụt, vị trí giao thông không thuận lợi  có kế hoạch dự phòng lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu sử dụng tiện lợi từ 5 đến 7 ngày để bảo đảm ổn định cuộc sống khi có bão lũ xảy ra.

Các địa phương ven biển khi có dự báo về sự bất thường của thời tiết thì tăng cường thông tin và kêu gọi tàu thuyền về trú ẩn an toàn, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi thời tiết xấu, tàu thuyền ra khơi phải đăng ký tọa độ ngư trường.

Với quyết tâm chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm 2016, thị xã Ba Đồn đang huy động mọi nguồn lực và tập trung lực lượng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình và hạng mục công trình vượt lũ, đồng thời triển khai phương án bảo vệ máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu và các hạng mục công trình đang thi công để tiếp tục thi công sau mùa mưa bão.

Thị xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và xử lý các bộ phận hư hỏng đối với các công trình và hạng mục công trình đang quản lý, khai thác và sử dụng, đồng thời có kế hoạch tu sửa và nâng cấp nhằm bảo đảm an toàn khi có bão, lũ xảy ra. UBND các xã, phường, các ban, ngành liên quan cũng đã khẩn trương hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ bản để kịp thời đầu tư nâng cấp, sữa chữa một số hạng mục công trình đã được UBND tỉnh và UBND thị xã cho chủ trương.

Trước, trong và sau mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã tăng cường công tác tuần tra để phát hiện kịp thời những sự cố và có biện pháp xử lý ngay, đặc biệt các công trình thủy lợi, giao thông, đường dây tải điện, kho tàng và nhà cửa.

Trong công tác PCTT, phần lớn các địa phương thường chú ý đến việc phòng chống các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng đối với thị xã Ba Đồn là địa phương có điều kiện địa hình phức tạp, dân cư sinh sống tập trung chủ yếu ở ven sông, suối, các cồn nổi và vùng đồng bằng nhỏ hẹp nên những đợt gió mùa đông bắc, các hình thái thời tiết khác thường kèm theo mưa to, gió lớn đã gây lũ lụt lớn trên các sông và các vùng thấp trũng.

Gió mùa Đông Bắc nếu mạnh cấp 6 đến cấp 8 kết hợp với triều cường, sóng cao đã khiến tàu thuyền trên biển, trên sông dễ bị chìm, gây thiệt hại về người tài sản. Khi có bão, lụt xảy ra, các xã vùng nam thường bị chia cắt nên Ban chỉ huy PCTT-TKCN của thị xã rất cần sự quan tâm hỗ trợ thêm các phương tiện cần thiết để cứu hộ, cứu nạn.

Hiện tại dọc sông Gianh và sông Nan bị sạt lở một số nơi và có nguy cơ lấn sâu vào nhà ở của người dân, một số hồ đập, cống ngăn mặn tại một số xã, phường bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành liên quan và các cấp có thẩm quyền khảo sát, xây dựng kè chống xói lở hai bên bờ sông và hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi nhằm bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa bão lũ.

P.V