.

Nỗi lo cầu sập

Thứ Sáu, 12/08/2016, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Cầu Nam Trạch bắc qua sông Dinh trên tuyến đường liên xã thuộc xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch được khởi công từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sửa dụng. Mỗi ngày có hàng trăm người dân phải “nín thở” qua lại trên chiếc cầu cũ đang chờ sập trong khi mùa mưa lũ đang tới gần...

Niềm vui dang dở

Sau trận lũ năm 2010, cây cầu cũ (được xây dựng từ năm 1989) bắc qua sông Dinh, thuộc địa phận xã Nam Trạch bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một cây cầu nằm trên tuyến đường liên xã, đóng vai trò rất quan trọng khi nó nối liền QL1 qua xã Nam Trạch đi Hòa Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung và đường Hồ Chí Minh.

Cũng từ đó, cây cầu này hàng ngày phải oằn mình cho hàng ngàn lượt người qua lại trong nơm nớp nỗi lo cầu sập. Trước thực trạng đó, UBND huyện Bố Trạch đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây mới ở đây một chiếc cầu để thay thế cây cầu cũ đang “chờ sập” nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông , đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Đến tháng 10-2013, UBND tỉnh đã đồng ý phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Nam Trạch với tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 12-2013, dự kiến đến tháng 12-2015 thì hoàn thành. Sau một thời gian thi công, đến 10-2015 dự án đã cơ bản hoàn thành phần trụ, móng cầu, chỉ còn một phần mặt cầu và đường dẫn hai bên cầu thì bị dừng cho đến nay.

Mỗi ngày, hàng ngàn phương tiện vẫn phải “nín thở” qua cây cầu cũ bị xuống cấp nghiêm trọng.
Mỗi ngày, hàng ngàn phương tiện vẫn phải “nín thở” qua cây cầu cũ bị xuống cấp nghiêm trọng.

Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Đông Thành, xã Nam Trạch cho biết, từ khi cầu bắt đầu được xây dựng, người dân trong xã vô cùng phấn khởi vì sắp có cầu mới thay thế cho chiếc cầu đang chờ sập. Thế nhưng chờ mãi, thêm một mùa mưa lũ đã cận kề mà người dân chúng tôi vẫn phải đi lại trên chiếc cũ mỗi ngày...

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Vương Thông, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Bố Trạch (đơn vị được giao quản lý dự án) cho biết, dự án bị dừng thi công là do thiếu vốn. Theo ông Thông, để hoàn thành dự án còn thiếu khoảng 9 tỷ đồng nên đã tạm dừng thi công. Thiếu vốn cây cầu vẫn đang dang dở chưa thể đưa vào sử dụng.

Người dân vẫn phải "nín thở" qua cầu

Ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết, cây cầu cũ được xây dựng từ năm 1989 nay đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Sau trận lũ 2010, một trụ cầu đã bị sụt lún làm chiếc cầu biến dạng. Thế nhưng, hiện nay mỗi ngày, cây cầu này vẫn phải cõng trên lưng mình hàng ngàn lượt người tham gia giao thông, mặc cho trụ cầu ngày càng sụt lún và mặt bê tông trên cầu đã đứt gãy...

Theo ông An, nếu không lưu thông qua cây cầu này, người dân 2 thôn Đông Thành và Tây Thành muốn về trung tâm xã phải đi vòng hơn 15 km và ngược lại những thôn còn lại của xã Nam Trạch đi làm rẫy, ruộng ở khu vực phía trên cũng phải vượt quãng đường tương tự. “Vì đi vòng quá xa nên hàng ngàn lượt người, phương tiện kể cả  các loại xe ô tô tải vận chuyển vật liệu xây dựng, nông sản của người dân vẫn phải “nín thở” qua cầu mà không biết cầu sẽ sập lúc nào”, một người dân địa phương nói.

Đó là những ngày bình thường, còn những ngày mưa bão việc đi lại với chiếc cầu cũ đã xuống cấp này lại càng nguy hiểm. Trong suốt mùa mưa lũ, để bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt là các em học sinh trên đường đến trường, xã Nam Trạch đã tổ chức lực lượng công an, dân quân túc trực hai bên đầu cầu để hướng dẫn mọi người qua sông an toàn.

Trong những ngày mưa lớn, nước lũ về tất cả người và phương tiện đều bị cấm qua cầu. Theo người dân địa phương, nước sông Dinh mùa lũ rất hỗn, chỉ cần mưa vừa khoảng hai ngày là sông mấp mé tràn bờ rồi phủ kín cây cầu. Và có khi lũ theo về từ đập Đá Mài và hồ Thác Chuối nhanh đến nỗi người dân nơi đây không kịp trở tay.

Ông Nguyễn Văn Bốn, một người dân ở thôn Sao Sa,  nằm phía đông cây cầu vừa chỉ tay vào nhịp cầu đứt gãy, vừa than thở: "Ngày mô học trò cũng phải đi qua đây, cha mẹ lo cho con đến thót tim. Năm trước, có một cháu ở xã Hòa Trạch đã bị nước cuốn trôi và thiệt mạng. Còn vừa rồi cũng có mấy đứa thôn tui ngã xuống sông, may có người kịp thời cứu được nên mới thoát chết...".

Mùa mưa lũ đã cận kề, trong khi chiếc cầu mới chưa kịp hoàn thành để đưa vào sử dụng, nên hàng ngày người dân Nam Trạch và các địa phương lân cận vẫn phải “nín thở” tiếp tục lưu thông qua chiếc cầu cũ chờ sập, bất chấp những hiểm họa đang rình rập...

X.Phú