.

Tiếp sức cùng người nghèo ứng phó với bão, lũ

Thứ Năm, 28/07/2016, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với các hộ nghèo sinh sống tại những vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở cao... ở tỉnh ta, nếu không có sự hỗ trợ từ cấp trên thì khả năng chống chịu tác động của các trận bão, lũ là rất khó khăn. Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung chính là một trong những động lực mạnh mẽ để giúp người nghèo nâng cao năng lực đối phó với bão, lũ...

Niềm vui khi có nhà trú tránh bão, lũ

Với địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế còn lắm khó khăn, hàng năm Quảng Bình thường xuyên phải hứng chịu nhiều đợt bão, lũ rất khủng khiếp gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và tài sản. Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, tỉnh ta đã xây dựng được nhiều công trình phòng chống thiên tai khá hiệu quả như hệ thống đê điều, hồ thuỷ lợi.

Các công trình nhà ở phòng, tránh bão, lụt mà chúng tôi đề cập dưới đây chính là một chính sách đặc biệt mà Nhà nước đã dành cho hộ nghèo tỉnh ta, tiếp thêm sức mạnh để họ ứng phó hiệu quả hơn với sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường... 

Vợ chồng cụ Hoàng Văn Dĩ và Nguyễn Thị Bưởi trú tại thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) năm nay đều ngoài 70 tuổi. Hai cụ làm nghề nông, sinh được tất thảy 7 người con. Làm lụng, nuôi con cả đời vất vả nhưng đến cái tuổi "gần đất xa trời" mà các cụ vẫn không thể nào dựng được một căn nhà kiên cố.

Cụ Bưởi kể: Làng tui ở vùng thấp trũng nên hầu như năm nào cũng hứng vài trận bão, lụt. Trận nào bình thường thì nước tràn vào nhà hơn một mét, trận lớn thì gần tới nóc nhà và ngâm tới cả tuần mới rút. Lụt đã tiêu diệt sâu bọ, mang lại phù sa để cho cây lúa hai vụ quê tui tươi tốt bời bời. Lâu nay làm lúa không giàu, nhưng lúc nào cũng có để tích trữ trong nhà.

Tuy nhiên, do nhà ở thiếu kiên cố nên không ít lần lũ đã cướp đi toàn bộ lúa tích trữ, vật nuôi, đồ dùng vừa mới mua sắm của bà con. Năm 2010, nước lũ chảy xiết đã ngập đến sát nóc nhà, suýt chút nữa thì lũ đã cuốn trôi cả hai vợ chồng tui. Cái sự "nghèo lâu" của vợ chồng tui cũng do một phần không nhỏ từ... lụt triền miên mà ra.

Nhà chống lũ của vợ chồng cụ Hoàng Văn Dĩ và Nguyễn Thị Bưởi (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh) vừa mới được hoàn thành.
Nhà chống lũ của vợ chồng cụ Hoàng Văn Dĩ và Nguyễn Thị Bưởi (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh) vừa mới được hoàn thành.

Trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ, chỉ tay sang phía gác chòi hai tầng kiên cố liền kề, cụ Bưởi phấn khởi nói: Đầu năm 2016, cấp trên hỗ trợ cho gia đình 17,5 triệu đồng, tạo điều kiện cho vay thêm vốn ưu đãi 10 triệu đồng; các cấp hội đoàn thể trong thôn hỗ trợ phần công cán làm nhà; con cái và bà con trong họ giúp đỡ thêm tiền mặt... nên tui mới xây được căn gác hai tầng kiên cố trị giá gần 70 triệu đồng này đó. Rứa là từ nay hai vợ chồng già này đỡ phải lo ngay ngáy mỗi khi mùa lụt, bão tới.

Các chú xem, hai vợ chồng thường xuyên đau ốm, không làm được việc nặng, con cái đa số đều có hoàn cảnh khó khăn nên không hỗ trợ được gì nhiều...; chừ có căn chòi vững chắc này để an dưỡng tuổi già thì còn gì vui bằng. 

Cũng là đối tượng thuộc hộ nghèo, anh Lê Công Mẫn ở thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh cho biết, vợ chồng anh lấy nhau và sinh được một đứa con thì anh bị mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh tật đeo bám dai dẳng nên anh Mẫn chẳng thể làm được việc gì phụ giúp vợ. Suốt hơn chục năm qua, một mình vợ anh phải đứng ra làm trụ cột trong gia đình để lo toan miếng ăn, tiền học cho con và cả tiền chữa bệnh cho chồng. Sống ở vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt nhưng do nghèo mà gia đình anh chẳng thể xây dựng được ngôi nhà tử tế, an toàn.

Vào mỗi mùa mưa bão, vợ chồng anh luôn trong tâm trạng nơm nớp không yên. Đầu năm 2016, từ nguồn hỗ trợ của cấp trên là 17,5 triệu đồng, vợ chồng anh Mẫn mạnh dạn vay vốn ưu đãi và tranh thủ thêm sự giúp đỡ bà con trong họ hàng, sự hỗ trợ của các đoàn thể trong thôn để xây một căn gác hai tầng kiên cố, trị giá hơn 50 triệu đồng, đưa vào sử dụng trước mùa bão, lũ năm 2016. Từ hôm khánh thành căn gác tới nay, anh Mẫn luôn ra vào ngắm nghía trong niềm vui không tả xiết...

Tâm trạng phấn khởi của vợ chồng cụ Bưởi, anh Mẫn khi được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây nhà ở phòng tránh bão, lụt mới chỉ là một minh chứng nhỏ cho hàng chục trường hợp tương tự tại xã Tân Ninh nói riêng và hàng ngàn trường hợp khác ở tỉnh ta nói chung...

Hàng ngàn người nghèo có nhà ứng phó với thiên tai

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28-8-2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, ngày 18-11-2014, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại Quyết định số 3298/QĐ-UBND.

Theo đề án, số hộ nghèo toàn tỉnh cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở là 3.881 hộ (trong đó có 852 hộ đang cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn, 1.486 hộ sống tại vùng khó khăn...). Tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện chương trình khoảng 221 tỷ đồng (bao gồm vốn từ ngân sách Trung ương, vốn vay ngân hàng chính sách, vốn từ ngân sách địa phương và Mặt trận TQVN, vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ...); thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 3 năm.

Thông tin từ Sở Xây dựng cho biết, tính đến 7-7-2016, tổng số tiền được Bộ Tài chính cấp và phân bổ hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại địa bàn tỉnh ta khoảng 35,5 tỷ đồng, cho 2.441 hộ nằm trong đề án (chiếm khoảng 62%). Hiện nay, có 1.931 hộ gia đình trong tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt, chiếm 71% tổng số hộ được phân bổ kinh phí và gần 50% tổng số hộ toàn đề án. Trong đó, số lượng nhà được xây mới là 715 nhà, số còn lại chủ yếu là cải tạo và nâng tầng.

Thời gian qua, việc xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại địa bàn tỉnh ta đều có sự giám sát và giúp đỡ của chính quyền địa phương. Tất cả các ngôi nhà xây mới, cải tạo theo đề án đều có sàn vượt lũ đạt diện tích, kết cấu nhà bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng) theo đúng quy định. Hầu hết các nhà được xây dựng bằng vật liệu chất lượng tốt như: khung bê tông cốt thép hoặc khung gỗ, tường nhà xây gạch, mái lợp ngói, nền nhà láng gạch hoặc lát xi măng... Hầu hết các ngôi nhà sau khi được hoàn thiện đều có trị giá bình quân từ 40-50 triệu đồng. Đặc biệt, không ít ngôi nhà nhờ sự giúp sức của anh em, họ hàng mà có trị giá lên tới cả trăm triệu đồng...

Mùa mưa bão năm 2016 đang đến gần, những ngôi nhà ở phòng, tránh bão, lụt nói trên sẽ góp phần tiếp thêm sức mạnh để các hộ nghèo vững tin chống đỡ với thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khó lường...    

Văn Minh