.

Thắp lửa niềm tin

Thứ Bảy, 16/07/2016, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Chị bảo: Cuộc sống không quan trọng là sống bao lâu mà phải sống như thế nào cho ý nghĩa. Tròn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú quái ác, người phụ nữ trẻ ấy đã biết thắp lửa niềm tin cho chính mình và truyền hơi ấm lạc quan cho chính những người đồng cảnh ngộ.

Giá trị của nghịch cảnh

Ngồi trước mặt tôi trong một buổi sáng Đồng Hới trời trở gió là một người phụ nữ còn trẻ với nét mặt rạng rỡ. Nhìn nụ cười của chị, không ai nghĩ, người phụ nữ 33 tuổi ấy đã và đang phải đối diện với căn bệnh ung thư quái ác. Với chị Ngô Thị Kim Dung, tròn một năm đối diện với sự thật nghiệt ngã ấy có quá nhiều xúc cảm mà như chị bảo, vượt qua được “ngưỡng chịu đau” đó thì không có nghịch cảnh nào chị không thể vượt qua.

Một năm trước, nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, chị đi khám và phát hiện mình bị ung thư vú (UTV) giai đoạn 2. “Cầm tờ kết quả trên tay, hai hàng nước mắt của mình cứ thế thi nhau chảy. Điều đầu tiên mình nghĩ đến là hình ảnh hai đứa con. Chúng còn quá nhỏ, đứa đầu mới 6 tuổi, đứa thứ hai chỉ tròn 14 tháng. Những đứa con thơ dại ấy sẽ như thế nào nếu không còn mẹ bên cạnh”, chị Dung bồi hồi nhớ lại.

Nhưng càng nghĩ đến con, sự ham sống và khát khao được sống càng mãnh liệt trong chị. Không để cho bản thân một phút yếu đuối, chị sửa soạn mọi thứ để sẵn sàng cho một cuộc chiến đầy cam go phía trước. Chị bảo, có những khi bi quan tưởng chừng như có thể buông xuôi tất cả nhưng nghĩ lại, chị phải gồng mình lên để lạc quan chiến đấu với bệnh tật bởi không thể khiến người thân đau lòng hơn vì mình.

Chị Kim Dung (trái) là thành viên tích cực của các hoạt động thiện nguyện vì bà con miền núi Quảng Bình.
Chị Kim Dung (trái) là thành viên tích cực của các hoạt động thiện nguyện vì bà con miền núi Quảng Bình.

Suốt nhiều tháng liền ra vào bệnh viện thường xuyên, trải qua 4 đợt chuyền hóa chất, rồi phẫu thuật ngực phải và 25 lần xạ trị, chẳng thể nào kể xiết những đau đớn thể xác mà người phụ nữ ấy phải chịu đựng. Những cơn đau quằn quại, vật vã vì hóa chất đôi khi khiến chị tưởng mình không thể nào đủ nghị lực sống tiếp được nữa. Chị kể: “Những tháng ngày khủng khiếp ấy mình đã từng nghĩ, nếu thần chết có dang tay ra thì chắc mình cũng sẵn sàng nắm lấy mà buông bỏ cuộc đời. Nhưng nhìn lại hai đứa con và gia đình, mình lại gắng gượng chịu đựng. So với nhiều bệnh nhân khác, mình có một điểm tựa gia đình quá vững chắc với một người mẹ chồng suốt nhiều tháng trời ở bệnh viện chăm sóc mình ân cần, rồi ba mẹ đẻ chăm con cho mình yên tâm chữa bệnh và một người chồng sẵn sàng từ bỏ một việc làm ổn định để tiếp tục công việc kinh doanh của vợ. Nhìn họ, mình chỉ có một quyết tâm duy nhất: phải mạnh mẽ sống tiếp!”.

Những đớn đau thể xác chưa nguôi thì chị lại phải đối diện với những nỗi sợ hãi khủng khiếp khác. Ngay trước ngày tiến hành điều trị, chị quyết định cạo bỏ mái tóc của mình bởi sợ phải chứng kiến những sợi tóc lần lượt rụng xuống. Nhớ về những ngày tháng ấy, chị tâm sự những lời gan ruột rằng chị đã từng cảm thấy lạc lõng trong chính cơ thể mình. Một ai đó rất khác khi soi vào gương, tần ngần đứng trước gương không biết nên mặc như thế nào cho hợp với cái đầu của mình, rồi có khi đứng trước gương, xoa cái đầu nhẵn nhụi không còn một cọng tóc, nhìn xuống vết sẹo trên ngực phải, rồi lại khóc thương cho chính mình – một người phụ nữ bỗng chốc bị tước đoạt mất phần thân thể mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng. Cảm giác tự ti ấy khủng khiếp hơn vạn lần những nỗi đau thể xác mà chị đã phải gánh trải.

Nhưng chính nghịch cảnh mà cuộc đời bắt phải đối diện khi còn quá trẻ ấy đã buộc chị phải mạnh mẽ tự mình vượt qua tất cả bằng một niềm khát khao được sống. Chị bảo: “Khi con người biết chắc mình sẽ được sống trong một quãng thời gian hữu hạn, mình sẽ thấy cuộc đời đáng trân quý từng giây, từng phút như thế nào. Chị đã và đang nghĩ rằng sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là sống như thế nào. Chị sẽ sống một cuộc đời như mình muốn, em ạ!”.

Truyền lửa tình yêu sống

Chị Dung bảo: “Học Yoga, có lối sống tích cực cũng sẽ góp phần đẩy lùi bệnh tật”.
Chị Dung bảo: “Học Yoga, có lối sống tích cực cũng sẽ góp phần đẩy lùi bệnh tật”.

Nhìn chị, tôi vẫn tự nhủ rằng có lẽ đúng khi ví mỗi bệnh nhân ung thư là một chiến binh thực thụ khi ngày ngày họ phải chiến đấu với các tế bào để giành giật lấy sức khỏe và hơn thế nữa là truyền tình yêu sống cho chính những số phận không may mắn như mình. Những tháng ngày đối diện với bệnh tật, có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với những bệnh nhân ung thư khác, chị Ngô Thị Kim Dung nhận ra rằng không phải ai cũng có được một vốn hiểu biết cơ bản về căn bệnh mình đang mắc phải. Phần đa những người phụ nữ chỉ mải miết lo toan cơm áo, chăm sóc gia đình mà bỏ quên một điều quan trọng là quan tâm, lo lắng sức khỏe cho chính mình. Để rồi khi cơ thể mỏng manh không thể trụ vững được trước sự tàn phá của bệnh tật thì mọi việc đã quá muộn màng.

Hiểu điều đó nên ngay trước ngày bước vào cuộc phẫu thuật khối u, tháng 10-2015, chị Kim Dung đã tổ chức Ngày hội Nơ hồng cho chính những chị em phụ nữ tại Quảng Bình. Tại đây, chị đã chia sẻ câu chuyện và hành trình đấu tranh với bệnh tật của chính mình. Những người phụ nữ tham gia ngày hội cũng đã cùng nhau cài lên áo mình một dải nơ hồng - biểu tượng của cuộc chiến chống lại bệnh UTV và chụp ảnh cùng nhau, như một cách tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân UTV. Những hình ảnh ý nghĩa của ngày hội ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần giúp cộng đồng hiểu nhiều hơn về căn bệnh khiến khoảng 5.500 người tử vong mỗi năm.

Tháng 6-2016, trở về từ Hội nghị UTV Đông Nam Á 2016, chị Dung rất mong những bệnh nhân UTV Quảng Bình có thể kết nối bền chặt hơn để hỗ trợ nhau nhiều hơn trong cuộc chiến chống UTV. Những ai đang sinh sống tại địa phận Quảng Bình mắc bệnh UTV đang trong quá trình điều trị hoặc đã điều trị xong có thể liên lạc với nhóm Những bệnh nhân UTV Quảng Bình theo số điện thoại: 0905.838.282.

Song song với những tháng ngày ra vào bệnh viện để điều trị bệnh, Kim Dung vẫn theo đuổi những việc làm thầm lặng để góp phần nâng cao nhận thức về căn bệnh UTV cho những chị em là bạn bè thân thiết hay cả những người chưa từng quen. Chị tham gia vào Mạng lưới UTV Việt Nam – dự án phi lợi nhuận do Nguyễn Khánh Thương (Thương Sobey) – một bệnh nhân UTV thành lập nhằm tăng cường phát hiện sớm UTV và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân UTV Việt Nam. Những thông tin, kiến thức thu nạp được đều được chị Kim Dung sẵn sàng chia sẻ cho những người quan tâm đến căn bệnh này.

Hiện chị đã thành lập nhóm Những bệnh nhân UTV Quảng Bình với các chị em ở đủ mọi độ tuổi. Họ hỗ trợ nhau những thông tin về cách điều trị, ăn uống và động viên nhau có lối sống tích cực, góp phần đẩy lùi bệnh tật. Nhóm cũng đang nhận được rất nhiều thông tin giúp đỡ từ các CLB ung thư vú tại Hà Nội, Huế... để người bệnh được tư vấn và biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Khi sức khỏe đã dần ổn định, chị lại tiếp tục những chuyến đi thiện nguyện đến với những miền quê nghèo khó của quê hương Quảng Bình. Tận thấy những nỗi khổ nhọc của những em nhỏ vùng cao, chị bảo: “Mình còn hạnh phúc quá em ạ, vậy nên phải sống sao cho xứng đáng với những gì cuộc đời đã ban tặng cho mình. Sống bằng một tinh thần lạc quan nhất có thể! Chị sẽ vẫn yêu cuộc sống, yêu cả nỗi đau của chính mình và yêu luôn cả vết sẹo đang ngày ngày hiện hữu trên thân thể mình”.

Diệu Hương