.

Ô nhiễm tiếng ồn mối nguy hại đang bị "bỏ quên"

Thứ Năm, 28/07/2016, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức báo động, nhất là khu vực đô thị. Tiếng ồn có thể được hiểu đó chính là những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, hỗn loạn gây cảm giác khó chịu cho người nghe. Các nhà nghiên cứu cảnh báo: Mức ô nhiễm tiếng ồn có thể chấp nhận được là khoảng 40 decibel. Tất cả âm thanh vượt quá mức này có thể nguy hại đến khả năng nghe và sức khỏe của con người.

Ám ảnh vì tiếng ồn

Mặc dù tác hại của tiếng ồn đã được chỉ ra, nhưng hiện nay loại ô nhiễm này đang ngày càng “lộng hành”, đặc biệt là tình trạng lạm dụng còi xe. Mặc dù việc sử dụng và lắp đặt còi xe luôn có những quy định cụ thể, nhưng lâu nay có không ít người lắp đặt và sử dụng còi xe một cách tùy tiện và thiếu ý thức, khiến những người xung quanh khó chịu, thậm chí còn gây ra tai nạn từ chính tiếng còi xe.

“Có sống ở các tuyến đường có mật độ xe cộ đông mới thấy hết nỗi khổ vì phải chịu đựng tiếng ồn, đặc biệt là ban đêm. Gia đình tôi có con nhỏ, hầu như đêm nào cháu cũng bị đánh thức bởi tiếng còi xe ầm ĩ. Đang ngủ ngon bị tiếng ồn làm thức giấc, tôi rất khó để ru cháu ngủ lại. Nhiều khi bực mình đến mức căng thẳng, stress”, chị Hoàng Thị Anh (Nam Lý, TP.Đồng Hới) bức xúc.

Một “thủ phạm” khác góp thêm vào tình trạng ô nhiễm tiếng ồn chính là âm thanh phát ra từ hệ thống loa ở các cửa hàng, siêu thị, shop thời trang... Tại các cửa hàng trên đoạn đường Trần Hưng Đạo (TP.Đồng Hới) như cửa hàng điện máy, điện thoại di động, kính mắt... những chiếc loa công suất lớn suốt ngày ra rả phát những chương trình giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi, sau đó là tiếng nhạc đinh tai khiến không ít hộ dân xung quanh bức xúc, khó chịu.

Việc đặt loa công suất lớn hướng ra đường để phát nhạc, phát thanh của các cửa hàng, shop thời trang hiện nay đang trở thành... trào lưu, khiến phố xá ngày càng trở nên ồn ào, bát nháo. Hầu hết các cơ sở này đều đặt những dàn nhạc với công suất lớn ra trước cửa hàng để tạo sự thu hút cho khách hàng vì thế đã tạo nên một lượng tiếng ồn vượt quá giới hạn.

Lạm dụng tiếng còi xe là nguyên nhân gây nên ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư, nhất là tại các đô thị.
Lạm dụng tiếng còi xe là nguyên nhân gây nên ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư, nhất là tại các đô thị.

Không những thế, mỗi cửa hàng lại mở nhạc khác nhau nên tạo ra một mớ âm thanh chát chúa, hỗn độn... cứ ra rả gây “ám ảnh” cho người dân xung quanh và những người đi đường. Đó là chưa kể đến những người bán hàng rong như: mua phế liệu, đồ điện tử hỏng... cũng góp phần gây ô nhiễm tiếng ồn cho môi trường sống chúng ta hiện nay.

Khó xử lý!

Thực trạng tiếng ồn và những hệ lụy mà nó gây ra là đã rõ, nhưng việc xử lý, dẹp bỏ lại không dễ dàng nếu không muốn nói là nan giải. Nói về quy định xử phạt hành vi bấm còi thiếu ý thức, Trung tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về việc sử dụng còi đã rất rõ ràng, cụ thể.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ôtô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ôtô khi lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng.

Bên cạnh việc sử dụng còi với âm lượng lớn, các hành vi như bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư cũng phạm luật và sẽ bị xử phạt theo từng trường hợp cụ thể. Quy định là thế nhưng việc xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định lại không hề dễ dàng. Đó chính là nguyên nhân khiến hiện tượng sử dụng còi vô ý thức rất phổ biến, nhưng ít khi chúng ta thấy người sử dụng còi xe sai luật bị xử phạt.

Ví dụ đối với quy định phạt tiền dành cho hành vi bấm còi làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, thì thông thường thời gian này lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông khá mỏng, không thể phát hiện đúng lúc phương tiện có hành vi vi phạm để xử lý. Hơn nữa, để xử lý vi phạm thì phải xác định được mức độ tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép, trong khi đó lực lượng CSGT lại không được trang bị thiết bị đo độ ồn. 

Có thể thấy do tính chất là loại ô nhiễm vô hình nên việc xử lý các trường hợp vi phạm tiếng ồn không hề dễ dàng như với các loại ô nhiễm khác. Khó khăn lớn nhất chính là việc khó tìm được bằng chứng. Thực tế, rất khó có thể “bắt tận tay” những vi phạm vì không thể biết được lúc nào họ bóp còi hơi, hoặc gây tiếng ồn, còn đối với các phương tiện giao thông thì thường xuyên di chuyển sẽ rất khó để “xử”.

Trong các vụ khiếu nại về tiếng ồn do mở nhạc to, chính quyền nhiều địa phương quả quyết rằng, ngay sau khi có đơn khiếu nại đã kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm, hoặc chỉ nhắc nhở người bị khiếu nại phải khắc phục. 

Ô nhiễm tiếng ồn rất dễ nhận thấy nhưng để xử lý, xử phạt vẫn còn nhiều bất cập khi mà nhận thức của một bộ phận người dân còn rất hạn chế. Bởi vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm khi sử dụng còi xe, âm thanh, loa đài của người tham gia giao thông, chủ các siêu thị, cửa hàng điện máy, điện thoại di động... là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, phải thiết lập một chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương.

Tâm An