.

Mỗi thành quả là một sự khởi đầu

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - “Họ-những con người bình thường trong xã hội, song bằng quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, bằng tấm lòng nhân ái, bao dung đã làm nên bao điều kỳ diệu. Họ đã làm cho đất nở hoa, cho những cảnh đời kém may mắn được sưởi ấm, được yêu thương. Với họ, đó là niềm hạnh phúc”. Đồng chí Mai Xuân Toàn, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh đã nói về cụ Bùi Thị Thanh (tấm gương sáng trong phong trào thiện nguyện) và ông Nguyễn Xuân Việt (một nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, hết lòng vì bà con dân bản) như thế.

Khi cho đi là hạnh phúc...

Câu chuyện của cụ Bùi Thị Thanh, 78 tuổi ở tiểu khu 1, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa-người đã nhân rộng yêu thương bằng những hoạt động nhân đạo, từ thiện khiến cho nhiều người cảm động. Ít ai ngờ rằng, một người phụ nữ tóc bạc, da nhăn vẫn hằng ngày, hàng giờ lặn lội trên từng nẻo đường để đến với những cảnh đời éo le bằng sự sẻ chia và tấm lòng nhân ái cao cả.

Cụ kể: Cơ duyên đến với công tác thiện nguyện của cụ bắt đầu vào năm 2010 khi đi lấy thông tin để viết bài cộng tác với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện. Lần ấy, cụ tình cờ đi qua cơ sở tẩm quất, xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù huyện và ghé vào thăm các cháu làm nghề tại đây. Đang trò chuyện hỏi thăm về cuộc sống của các cháu, chợt cụ nghe 1 cháu nam gửi tiền mua thức ăn cho 1 người gần đó với số tiền 14.000đ cho hai người ăn/ngày. Cụ nghĩ, với 14.000đ làm sao hai cháu ăn no nên cụ đã cho thêm các cháu 20.000 đồng để mua thức ăn. Đêm ấy, cụ mất ngủ.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ đã mạnh dạn  trực tiếp sang Phòng Nội vụ và Hội Người mù huyện làm thủ tục cần thiết để đến các đơn vị, các nhà hảo tâm xin hỗ trợ tiền cho cơ sở tẩm quất Hội Người mù huyện hoạt động. Và chỉ một thời gian ngắn sau, cụ đã xin được 6.000.000 đồng, Phòng Nội vụ, Chủ tịch Hội Người mù đã giao số tiền trên cho cơ sở tẩm quất. Có số tiền này, sơ sở tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt của Hội Người mù nơi các cháu làm việc được trang bị thêm một số thiết bị, sửa sang lại nhà cửa.

Chứng kiến niềm vui, hạnh phúc của các cháu, cụ tự nhủ với lòng mình rằng: Đây là khởi đầu cho những chuyến đi mới của mình, những chuyến đi để nhận lấy và mang về những yêu thương. Từ các chuyến đi, cụ Bùi Thị Thanh lại bắt gặp thêm nhiều cảnh đời éo le khác, nhất là khi chứng kiến cuộc sống hết sức khó khăn của những nạn nhân chất độc da cam.

Và cứ thế, cụ bà Bùi Thị Thanh đi hết huyện nhà lại đến huyện bạn, tự bỏ tiền nhà ra chi phí cho phương tiện đi lại mà chưa hề trích 1 đồng trong quỹ quyên góp được để sử dụng vào việc riêng của mình. Gắn bó với hoạt động thiện nguyện đã gieo vào lòng cụ bao cảm xúc để rồi cụ cho ra đời hai ca khúc “Món quà em bé điôxin Việt Nam” và “Nụ cười trên môi của người mù”. Đến nay cụ đã cho ra đời hàng chục ca khúc, 2 an bum và các sản phẩm tinh thần của cụ luôn được sử dụng trong nhiều hoạt động của các tổ chức Hội và địa phương.

Cụ chia sẻ: “Tôi thấy làm công tác từ thiện đã đem lại nhiều niềm vui nên những ngày còn lại của cuộc đời, tôi vẫn tiếp tục với những chuyến đi để góp phần giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh éo le được nở nụ cười, được hòa nhập cộng đồng, xóa đi mặc cảm bản thân để vươn lên trong cuộc sống”.

Mỗi thành quả là một sự khởi đầu

Là một người nông dân sống trên địa bàn xã miền núi Trường Xuân, thuộc huyện Quảng Ninh, nơi có điều kiện về đất đai để xây dựng chuồng trại, ông Nguyễn Xuân Việt đã tận dụng lợi thế này xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm: lợn nái, lợn thịt và gia cầm để phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2012, gia đình ông xây dựng mô hình kinh tế trang trại với khoảng 50- 60 con lợn thịt/lứa và đến nay đã tăng đàn lên chừng 150 con/lứa, 3 lứa/năm kết hợp với nuôi  lợn nái và đàn gia cầm khoảng 1.400 con/lứa, 3 lứa/năm. Năm 2013, nhận thấy việc mua con giống ngoài thị trường giá cả biến động thất thường, người nuôi không chủ động được nguồn giống nên ông đã quyết tâm mua 1 lò ấp trứng gia cầm, mỗi chu kỳ ấp được 300 trứng vừa để phục vụ con giống của gia đình vừa để phục vụ cho các bà con trong bản có nhu cầu ấp trứng.

Ngoài ra, ông còn tích cực hướng dẫn bà con đồng bào Vân Kiều trong bản kinh nghiệm về chăn nuôi của bản thân để bà con áp dụng vào chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà những năm gần đây, nhiều người dân trong bản đã thoát được cuộc sống đói nghèo từ các mô hình chăn nuôi lợn thịt, gà thả vườn.

Cùng với chăn nuôi, năm 2014, ông còn vận động được 35 hộ hội viên nông dân chuyển đổi 15ha đất trồng các loại kém hiệu quả sang trồng sắn nguyên liệu và gia đình ông đã gương mẫu đi đầu bằng việc trồng 2ha sắn cho nguồn thu nhập khá cao. Đầu năm 2015, ông còn vận động bà con trong bản thành lập nhóm chăn nuôi lợn thương phẩm với 30 hộ đăng ký nuôi từ 5-10 con lợn thịt, 15 hộ nuôi lợn nái từ 1 - 5 con.

Với cương vị là chi hội trưởng chi hội nông dân mà hội viên đa số là đồng bào Vân Kiều, ông luôn tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho hội viên nông dân qua các đợt sinh hoạt của chi hội, các ngày tọa đàm nhân ngày lễ lớn của đất nước và của Hội, vận động hội viên nông dân vào Hội theo Điều lệ của Hội Nông dân Việt Nam.

Nhờ thế mà khi mới làm chi hội trưởng tỷ lệ tập hợp hội viên vào Hội ở bản Khe Ngang chưa đầy 50% nhưng đến nay tỷ lệ hội viên vào Hội đã đạt trên 85%. Ông còn thường xuyên vận động hội viên nông dân làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện giúp đỡ hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn...

Thấy bà con thiếu nơi sinh hoạt tập thể, ông Nguyễn Xuân Việt đã vận động gia đình hiến cho bản 440m2 đất vườn và vận động bà con trong bản đóng góp ngày công để xây dựng nhà văn hóa bản Khe Ngang phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con trong bản. Ông chia sẻ: Những thành quả đạt được với tôi chỉ là khởi đầu cho những ngày mới để tiếp tục thi đua, cống hiến nhằm góp phần xây dựng cuộc sống mới ngay trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống.

Cụ Bùi Thị Thanh và ông Nguyễn Xuân Việt là một trong những tấm gương xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của toàn tỉnh. Những hành động, việc làm của họ đã góp phần tạo sức lan tỏa, cổ vũ các phong trào thi đua ở địa phương để ngày càng có nhiều hơn những gương mặt mới, việc làm mới vì cộng đồng, vì sự phát triển của quê hương.

Nhật Văn