.

Chung tay giữ sạch đường thôn, ngõ xóm

Thứ Hai, 18/07/2016, 11:04 [GMT+7]

(QBĐT) - “Đây thực sự là mô hình hiệu quả cần nhân rộng bởi không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo đảm sức khỏe của nhân dân mà còn góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường”. Đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bố Trạch khi được hỏi về mô hình thu gom rác thải của doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền (thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch).

Giám đốc... “3 trong 1”

Đó là cách gọi vui của những người dân xã Thanh Trạch (huyện bố Trạch) dành cho ông Nguyễn Sĩ Hiền, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền, bởi ông vừa là giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân với hơn 30 công nhân, vừa kiêm luôn việc lái xe và gom rác.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiền chia sẻ: ông vốn là cựu chiến binh, đã từng viết tâm thư bằng máu để xin nhập ngũ, chiến đấu ở vùng biên giới phía bắc năm 1979. Rời quân ngũ trở về địa phương, ông tham gia vào hợp tác xã rồi làm cán bộ kỹ thuật ở lò vôi. Mãi sau này, khi hợp tác xóa bỏ cơ chế hoạt động bao cấp và giải thể, ông mới dành dụm ít vốn liếng, tự sắm cho mình một chiếc xe bán tải chở hàng tự do. Và cũng chính từ những chuyến chở hàng cho bà con, có điều kiện rong ruổi qua nhiều đoạn đường quê, ông mới thấy được “vấn nạn” rác thải của nhiều vùng nông thôn trên địa bàn.

Năm 2013, với mong muốn thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sống cho người dân địa phương, cho chính gia đình mình, ông Nguyễn Sĩ Hiền nộp đơn trình lãnh đạo xã xin  thành lập tổ thu gom rác thải. Được chính quyền địa phương đồng ý, tháng 6 năm 2013, doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền của vợ chồng ông chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với số lượng nhân công ban đầu gồm 6 người; thu gom rác tại 5 thôn vùng ngoài của xã Thanh Trạch.

Những ngày đầu, công việc của tổ thu gom rất vất vả bởi địa bàn vùng cát, di chuyển khó khăn; hơn nữa người dân chưa nắm được chủ trương về phí thu gom, thời gian thu gom nên rất khó thu phí dù mức thu chỉ 15.000 đồng/tháng/hộ gia đình và 20.000 đồng/tháng/hộ kinh doanh. Để tổ thu gom rác hoạt động thuận tiện, vợ chồng ông Hiền đã mua quần áo bảo hộ, xe gom rác chuyên dụng và cùng tự xắn tay vào thu gom rác với công nhân. Chiếc xe bán tải chở hàng của ông ngày trước cũng nhanh chóng được trưng dụng vào việc chở rác. Hơn nửa năm đầu đi vào hoạt động, tiền thu không đủ bù chi, ông Hiền phải mượn thêm của anh em để ứng trả lương cho công nhân. Thấy công việc vất vả, thu nhập eo hẹp, sáng nào vợ chồng ông cũng chuẩn bị nước, chanh đường để bồi dưỡng thêm cho công nhân lấy sức làm việc.

Vợ chồng ông Hiền và các thành viên trong tổ thu gom rác tại cảng Gianh.
Vợ chồng ông Hiền và các thành viên trong tổ thu gom rác tại cảng Gianh.

Khó khăn là thế nhưng các thành viên trong tổ thu gom rác chẳng những không nản lòng mà còn động viên nhau cố gắng bởi đây không chỉ là công việc cho thu nhập đơn thuần mà trên hết là để bảo vệ môi trưởng, bảo vệ sức khỏe của người dân địa phương. Cứ vào khoảng 3 giờ rưỡi sáng hằng ngày, bất kể trời nắng hay trời mưa, vợ chồng ông và các thành viên trong tổ đều đặn tiến hành thu gom rác tại những khu vực mà mình được phụ trách. Sau khi thu gom rác xong, ông Hiền lại tự mình lái xe tập kết rác về bãi tại thành phố Đồng Hới. Vừa làm việc vừa kết hợp tuyên truyền, vận động bà con, đến nay, hoạt động thu gom rác thải của doanh nghiệp tư nhân Sĩ Hiền đã được người dân địa phương đồng tình hưởng ứng. Nhiều người còn tự nguyện gom rác tại các hộ trong khu vực tập kết thành một điểm để xe đẩy thu gom được thuận lợi hơn.

Mô hình hay cần nhân rộng

Thanh Trạch là xã có địa bàn khá rộng với 14.000 dân sinh sống, có cảng Gianh và các cơ sở chế biến hải sản với lưu lượng rác thải lớn. Ngoài ra, đây còn là nơi có hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ đông đúc, mật độ phân bố dày. “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, được nghe người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm, nhưng gom rác đã khó, chôn hoặc đốt lại càng khó nên rác thải ở đây chưa được xử lý hiệu quả. Cũng đã có vài đơn vị đứng ra nhận thu gom rác nhưng phần vì khối lượng rác nhiều, phần vì đơn vị thu gom không đến nơi đến chốn nên “bài toán” rác thải thực sự khiến chính quyền địa phương đau đầu trong một thời gian khá dài. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền và đặc biệt là đến khi doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền ra đời, vấn đề nan giải này mới cơ bản được giải quyết”, ông Lê Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ thêm.

Có trực tiếp theo chân các công nhân của doanh nghiệp tư nhân Sĩ Hiền đi gom rác mới thực sự thấu hết những vất vả của họ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, một người dân địa phương cho biết: Những năm trước, rác thải sinh hoạt của người dân không được thu gom nên khắp các đường làng ngõ xóm chỗ nào cũng có rác. Có nơi, rác tích tụ lâu ngày thành đống, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và mất mỹ quan. Nay vợ chồng ông Hiền tổ chức thu gom chu đáo, sạch sẽ; đường sá sạch đẹp hẳn nên người dân rất mừng.

Không chỉ thu gom rác trên địa bàn xã Thanh Trạch, hiện doanh nghiệp của ông Hiền còn mở rộng địa bàn thu gom rác ra các xã lân cận như Phú Trạch, Cự Nẫm, Hạ Trạch, Mỹ Trạch...; tạo việc làm ổn định cho 30 công nhân địa phương, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch phấn khởi chia sẻ: mô hình thu gom rác thải của doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền thực sự là một mô hình hoạt động hiệu quả cần nhân rộng. Với địa hình rộng, dân cư phân bố thưa thớt nên vấn đề xử lý rác thải thực sự là điều trăn trở của chính quyền địa phương. Năm 2014, xã Hạ Trạch kí hợp đồng thu gom rác với doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền. Điều mà chính quyền xã ghi nhận trong thời gian qua, đó chính là thái độ làm việc tận tình, làm đến đâu sạch đến đấy và đặc biệt là không ngại khó ngại khổ của các công nhân tại đơn vị thu gom. Nhờ đó, xã đã giải quyết được bài toán khó về rác thải, cảnh quan môi trường được cải thiện đáng kể, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ hẳn. Đây cũng chính là tiền đề để xã Hạ Trạch hoàn thành tiêu chí môi trường trong năm 2014 vừa rồi.

Hiện nay, với thực tế khối lượng rác ngày càng lớn thì những mô hình xã hội hóa thu gom rác như của doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền thực sự là giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, “do đặc thù công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với mức thù lao chỉ 2 triệu đồng/người/tháng nhưng không có bảo hiểm y tế, chúng tôi mong muốn được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, đồng thời có những chính sách thỏa đáng nhằm tạo điều kiện và động viên để hoạt động thu gom rác, bảo đảm vệ sinh môi trường của mô hình này mang tính bền vững”.- chị Lưu Thị Thiềng, công nhân của doanh nghiệp tư nhân Môi trường sinh thái Sĩ Hiền bày tỏ thêm.                       

Thanh Hải