.

Ô nhiễm sông, hồ thực trạng đáng báo động - Bài 2: Ai cứu những dòng sông?

Thứ Hai, 27/06/2016, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Sông, hồ ô nhiễm ngày một nghiêm trọng là một thực tế không thể chối cãi. Với thực trạng này, sẽ là quá muộn nếu ngay từ bây giờ các ngành chức năng, các địa phương không có được những giải pháp thực sự hữu hiệu để khắc phục tình trạng xả rác thải vô tội vạ xuống sông, hồ như hiện nay.

>> Bài 1: Khi sông, hồ "gồng mình" sống chung với rác thải

Lý do vì sao nhiều sông, hồ phải “sống mòn” thì gần như ai cũng biết, đó là do tình trạng đô thị hóa chóng mặt, cùng với khối lượng các chất thải, nhất là rác thải, khổng lồ đổ vào sông, hồ hàng ngày, hàng giờ. Bên cạnh đó, các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp, nước thải của các làng nghề khi vào môi trường mà không qua xử lý sẽ tàn phá môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nước của những con sông.

Ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người dân chính là nguyên nhân gây nên thực trạng ô nhiễm sông, hồ hiện nay.
Ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người dân chính là nguyên nhân gây nên thực trạng ô nhiễm sông, hồ hiện nay.

Hơn nữa, do không có nguồn nước bổ sung, độ dốc nhỏ khiến tốc độ chảy chậm, nên các dòng sông không có khả năng tự làm sạch, độc tố tích tụ lâu ngày, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm. Đây là những nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chủ quan trực tiếp chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của người dân.

Có một thực tế đáng ngại trong cuộc sống hiện nay là, không ít người nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người khác lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều...

Chính những suy nghĩ “lệch lạc” ấy đã dẫn đến những hành động sai trái, hủy hoại môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay chính quyền một số địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến.

Có lẽ chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm của những con sông, hồ ở tỉnh ta lại đáng báo động như hiện nay. Giải quyết vấn nạn này như thế nào đang là một câu hỏi lớn chưa tìm được đáp án hợp lý mặc dù điều này không quá khó, nếu chính những người trong cuộc ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường. Và kết quả là ô nhiễm vẫn chưa chấm dứt, nhiều sông, hồ đang đối mặt với nguy cơ “chết mòn”.

Một số địa phương có thành lập tổ thu gom rác thải, thu phí hàng tháng nhưng do lượng rác quá nhiều, ý thức của người dân lại hạn chế nên thực trạng ô nhiễm sông, hồ chưa thể “bớt nóng”. Nhân Trạch là một điển hình. Để làm “dịu bớt” thực trạng, chính quyền xã đã vận động người dân đóng một khoản phí hàng tháng để thu gom rác.

Tuy nhiên, mặc dù các đội thu gom luôn hoạt động đều đặn nhưng vẫn chưa thực sự kiểm soát được tình hình. Ông Võ Văn Đạo, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Nhân Trạch cho biết, trước đây, ngoài nhiệm vụ chính là vận hành, kinh doanh điện sinh hoạt của xã, HTX còn đảm nhận luôn khâu thu gom rác cho các hộ dân ở 7 thôn trung tâm xã.

Ðịnh kỳ cứ 5 ngày HTX lại cho người đến thu gom rác một lần. Lệ phí gom rác là 10 nghìn đồng/hộ/tháng. Thu gom về rồi, HTX cũng chỉ đào cát lên rồi đổ rác xuống. Với cách làm “lợi bất cập hại” này nếu rác không bị trôi xuống biển thì tầng nước ngầm chung quanh bãi chôn lấp rác cũng dễ bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân. Hiện nay, địa phương đã hợp đồng việc thu gom rác thải với công ty TNHH xây dựng và thương mại Hòa Thịnh. Tuy nhiên, do lượng rác quá nhiều lại thêm ý thức của người dân hạn chế nên tình hình vẫn chưa thực sự khả quan.

“Điểm mấu chốt trong quá trình khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm sông, hồ nói riêng chính là ở ý thức của người dân. Và việc làm thay đổi nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân sẽ được đơn giản hoá nếu chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bố Trạch nhấn mạnh. Để hạn chế tình trạng rác thải trên sông Lý Hòa, chính quyền xã Hải Trạch (Bố Trạch) đã nhiều lần huy động các tổ chức đoàn thể tham gia dọn rác, làm vệ sinh môi trường trên tuyến sông.

Vận động các tổ chức đoàn thể tích cực làm vệ sinh các sông, hồ, bờ biển là việc làm thiết thực, hiệu quả.
Vận động các tổ chức đoàn thể tích cực làm vệ sinh các sông, hồ, bờ biển là việc làm thiết thực, hiệu quả.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục tái diễn. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với hồ Trạm (ở TP. Đồng Hới). Hầu như năm nào chính quyền địa phương cũng tổ chức các hoạt động vệ sinh hồ, vớt rác thải sinh hoạt, xác cá chết nhưng xem ra đây cũng chỉ là giải pháp “cầm hơi” vì “chỉ được ít bữa, đâu lại hoàn đó. "Năm này qua năm khác, hồ ngày một thêm ô nhiễm”, chị Lưu, một người dân sống gần đó bức xúc".

Rõ ràng, những giải pháp nêu trên khó mà phát huy được hiệu quả khi mà nhận thức của người dân vẫn chưa được “khai thông”. Chính vì vậy, việc làm đầu tiên và cấp thiết nhất hiện nay chính là tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với dân cư dọc hành lang sông, hồ không thải rác trực tiếp xuống sông hoặc vào các cống chảy ra sông. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình ứng dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để giảm thiểu ô nhiễm nước thải trước khi thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề, người dân thực hiện thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Ngoài ra, việc làm “sống lại” các con sông, hồ, đưa hệ sinh thái sông, hồ trở lại “mạnh khỏe” phục vụ người dân phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng xác định sự phát triển bền vững của các địa phương. Để “giải cứu” sông, hồ khỏi ô nhiễm đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, với sự tham gia của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

Tâm An