.

Ô nhiễm sông, hồ-thực trạng đáng báo động - Bài 1: Khi sông, hồ "gồng mình" sống chung với rác thải

Thứ Tư, 22/06/2016, 08:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, sự bùng nổ dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đang trở thành “gánh nặng” đối với môi trường sinh thái. Ở tỉnh ta, những năm gần đây, thực trạng ô nhiễm môi trường nhất là môi trường nước ở các sông, hồ đã ở mức báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như lộ trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của các địa phương. Điều đáng nói là mặc dù thực trạng này cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả và thực tế là không ít sông, hồ đang “chết dần” từng ngày vì ô nhiễm.

Đó là thực trạng mà chúng tôi bắt gặp khi khảo sát tại nhiều địa phương có sông, hồ trên địa bàn tỉnh ta. Với những hoạt động của con người, hàng ngày không ít sông, hồ đang phải “gồng mình” tiếp nhận vô số rác thải khiến tình trạng ô nhiễm ngày một thêm trầm trọng. Đoạn sông Lý Hòa chảy qua khu vực chợ Lý Hòa (Bố Trạch) là một minh chứng cụ thể.

Càng gần chợ sông càng nhếch nhác, bẩn thỉu.
Càng gần chợ sông càng nhếch nhác, bẩn thỉu.

Từ nhiều năm nay, đây được xem là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của sông Lý Hòa. Số lượng rác mà sông phải “gánh” từ những sinh hoạt hàng ngày của người dân quanh vùng vốn đã nhiều lại thêm đặc điểm nằm sát chợ nên rác cứ thế dồn đống, bốc mùi nồng nặc. Ở đây tập trung đủ các loại rác thải từ giấy loại, vỏ bánh kẹo, vỏ bao mỳ ăn liền cho đến túi ni long, chai, hộp nhựa...

“Ngày mưa, rác thải, chất thải theo dòng nước chảy tràn xuống lòng sông khiến dòng nước hai bên đen ngòm, hôi hám. Ngày hè, tình trạng lại càng trầm trọng hơn khi rác thối kết hợp với thời tiết nắng nóng tạo thành một “thứ mùi kinh khủng không thể nào ngửi nổi”, một người dân sống gần khu vực bức xúc. Thứ mùi kinh khủng ở khúc sông gần chợ Lý Hòa, cũng chính là thứ mùi thường trực của hồ Trạm (phường Hải Đình, TP.Đồng Hới) những năm gần đây, nhất là vào những ngày hè nắng nóng.

Hồ Trạm nằm giữa thành phố, diện tích không lớn nhưng độ ô nhiễm lại luôn ở mức báo động. Rác thải từ các quán cà phê, các nhà hàng xung quanh được tập kết hai bên hồ. Dòng nước hồ xanh đục, sủi tăm khiến không ít lần xảy ra hiện tượng cá chết càng làm tăng thêm mức độ ô nhiễm.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua, nhiều loại cá sống trong hồ như cá diếc, lia thia, cá mương...  đột nhiên chết nổi trắng hồ, bốc mùi nồng nặc. Theo lý giải của một số người, nguyên nhân cá chết là do mực nước trong hồ vốn ô nhiễm lại đang cạn dần do nắng nóng, thêm vào đó, nhiều người dùng kích điện đánh bắt. Mặc dù đến nay cá chết đã được vớt sạch nhưng việc hồ Trạm đang “chết dần” vì ô nhiễm là vấn đề không cần bàn cãi.

Sông, hồ đang ngày càng ô nhiễm vì sự vô ý thức của chính con người là một thực tế không thể phủ nhận. Sông Kiến Giang (Lệ Thủy) thơ mộng cũng không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm vì rác thải. Dòng sông vốn hiền hòa, nước trong xanh, gắn bó với những chiều tắm mát tuổi thơ của bao người nay cũng trở nên nhếch nhác vì rác. Các sông nằm xa chợ đã thế, các sông nằm ngay cạnh chợ tình trạng ô nhiễm lại càng nhức nhối hơn.

Tại nhánh Rào Con của sông Dinh chảy qua chợ Nhân Trạch, thuộc xã Nhân Trạch (Bố Trạch), hàng ngày có đến vài tạ rác được thải ra từ hoạt động mua bán của tiểu thương và người dân quanh vùng.

Không chỉ chễm chệ dọc hai bên bờ, rác thải còn tấn công cả lòng rào con khiến dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi rất khó chịu. Một điểm đen ô nhiễm môi trường vì chất thải khác của sông Dinh tại Nhân Trạch chính là đoạn sát cửa biển. Tại đây, nước sông váng đục, rác trôi lềnh bềnh. Từng con sóng vỗ bờ mang theo cả rác khiến con sông trở nên nhếch nhác đến tội nghiệp.

Sông, hồ ngổn ngang rác thải là hình ảnh rất dễ bắt gặp hiện nay trên địa bàn tỉnh ta.
Sông, hồ ngổn ngang rác thải là hình ảnh rất dễ bắt gặp hiện nay trên địa bàn tỉnh ta.

Điều đáng nói là đã từ lâu rồi, người dân địa phương nghiễm nhiên xem đó như là “chuyện thường ngày”. Sông Gianh chảy qua 4 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch với nhiều chợ mọc lên hai bên bờ như chợ Cuồi (Tiến Hóa, Tuyên Hóa), chợ Châu Hóa (Châu Hóa, Tuyên Hóa), chợ Vang (Văn Hóa, Tuyên Hóa); chợ Tiên Lang (Quảng Liên, Quảng Trạch), chợ Sãi (Quảng Trung, thị xã Ba Đồn), chợ Thanh Hà (Thanh Trạch, Bố Trạch)...

Dù ở những chợ này đều có bể chứa rác nhưng do lượng rác quá nhiều lại thêm ý thức của người dân còn kém, nên mỗi ngày sông Gianh phải tiếp nhận hàng tấn rác thải với đủ loại.

Sông Dinh, sông Lý Hòa, sông Gianh, sông Kiến Giang hay hồ Trạm đều không phải là những trường hợp cá biệt. Rõ ràng, tình trạng ô nhiễm sông, hồ trên địa bàn tỉnh ta đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của các địa phương cũng sẽ khó hoàn thành nếu không tìm ra được giải pháp khắc phục hữu hiệu để “cứu sống” những dòng sông hồ đang “hấp hối”.

Tâm An

Bài 2: Ai cứu những dòng sông?