.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình chợ biên giới thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ Năm, 30/06/2016, 10:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm do Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công thương) chủ trì, từ đầu năm 2016, Sở Công thương đã triển khai thực hiện mô hình chợ biên giới thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Quy Đạt, huyện Minh Hóa. Đến nay, mô hình đã hoàn thành và đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên ban quản lý chợ, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ và hộ kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn huyện.

Chợ Quy Đạt là chợ thuộc huyện biên giới Minh Hoá (có đường biên giới giáp với nước bạn Lào trên 200 km, có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và 4 xã giáp biên giới).

Với diện tích khoảng 4.000m2, chợ Quy Đạt có hơn 300 điểm kinh doanh, trong đó có 133 điểm kinh doanh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm cả các quầy hàng cố định và không cố định) như: thịt gia súc, thủy-hải-sản, rau, củ, quả và chế biến các món ăn chín. Chợ Quy Đạt do BQL các công trình công cộng huyện Minh Hóa quản lý khai thác.

Hệ thống điện trong chợ được thiết kế lắp đặt đúng kỹ thuật gồm 3 tuyến điện: hệ thống điện bảo vệ, điện kinh doanh và điện phòng cháy chữa cháy, cung cấp đầy đủ và bảo đảm an toàn cho hoạt động mua bán kinh doanh. Hệ thống nước chỉ đủ để phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, còn nước phục vụ các hộ kinh doanh trong chợ đang được triển khai đầu tư. Hệ thống giao thông xung quanh, đường vào và các lối đi nội bộ trong chợ rộng rãi, khô ráo rất thuận tiện cho việc ra vào chợ của người dân. Các mặt hàng thực phẩm chủ yếu được kinh doanh tại chợ gồm: rau các loại, củ, quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín, thịt gia súc, gia cầm, cá các loại, thực phẩm đóng gói, ăn uống, giải khát... Nguồn thực phẩm tươi sống cung ứng tại chợ chủ yếu từ người sản xuất địa phương, các cơ sở giết mổ tập trung và không tập trung trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các mặt hàng thực phẩm ra vào chợ chỉ được cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra đột xuất, cách thức kiểm tra chất lượng và nguồn hàng thực phẩm của các hộ kinh doanh tại chợ chủ yếu bằng trực quan chứ chưa được trang bị những thiết bị, dụng cụ kiểm tra an toàn thực phẩm.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Minh Hóa và Ban quản lý các công trình công cộng huyện tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thu hút trên 100 học viên là cán bộ các phòng, ban, chuyên môn thuộc UBND huyện, BQL các công trình công cộng huyện và hộ kinh doanh tại chợ Quy Đạt.

Với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm do Vụ Thương mại Biên giới và Miên núi cấp 300 triệu đồng, Sở đã hỗ trợ xây dựng, gia công lắp dựng 32 bàn trưng bày hàng thịt tại chợ Quy Đạt bảo đảm tiêu chuẩn: bàn cao 0,7m, rộng 1,6m, dài 1,75m, mặt bàn bằng bê tông cốt thép có gắn mặt inox; mua 32 bộ ghế ngồi bằng inox để phục vụ hộ kinh doanh buôn bán thịt; lắp 32 bảng ghi tên hộ kinh doanh và số điện thoại tại quầy hàng thịt; trang bị 32 giỏ đựng rác; lắp bảng tuyên truyền với tên gọi "Mô hình chợ biên giới thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" tại khu quầy hàng bán thịt...

Ngoài ra, huyện Minh Hoá còn cấp nguồn kinh phí 300 triệu đồng để triển khai thực hiện các hạng mục như: hầm nước thải, hệ thống thu gom nước thải, đầu tư lắp đặt hệ thống nước sạch phục vụ các hộ kinh doanh thịt tại chợ Quy Đạt. Các hạng mục đã hoàn thành trước ngày 15-6-2016 và bàn giao cho các hộ kinh doanh quản lý và sử dụng.

Mô hình chợ biên giới thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Quy Đạt.
Mô hình chợ biên giới thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Quy Đạt.

Qua trò chuyện với một số hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Quy Đạt, chúng tôi nhận thấy họ rất phấn khởi khi được tham gia mô hình chợ biên giới thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Công thương. Nhờ được hỗ trợ kinh phí từ dự án, các hộ kinh doanh đã đầu tư xây dựng, cải tạo quầy hàng theo đúng tiêu chuẩn và bảo đảm khoa học, thu hút được sự chú ý, quan tâm của khách hàng khi lựa chọn các thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó làm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Xây dựng chợ theo mô hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một việc làm mang tính xã hội nhân văn sâu sắc và rất thiết thực bởi đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng trên địa bàn lựa chọn những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, không ảnh hưởng đến môi trường; góp phần hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh qua nguồn thực phẩm, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội, thực hiện nếp sống văn minh ở địa phương.

Mô hình còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của Ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực; thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao cung ứng cho người tiêu dùng. Sản phẩm hàng hóa trước khi đưa vào chợ được kiểm tra chặt chẽ nên đã tác động đến khâu sản xuất, hạn chế tình trạng sử dụng bừa bãi các loại hóa chất, gây ảnh hưởng môi trường, sức khỏe, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý vệ sinh môi trường nói chung và vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại chợ được đầu tư cải tạo và nâng cấp làm hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Minh Hóa là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, điều kiện ngân sách tỉnh và huyện còn nhiều khó khăn nên nguồn vốn bố trí để đầu tư xây dựng các chợ đạt tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hạn hẹp, rất cần sự tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để nhân rộng mô hình tại các chợ cụm xã vùng biên giới nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người dân địa phương. Cùng với việc tập trung xây dựng theo mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các sở, ngành liên quan và huyện Minh Hoá phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm để có sự cân nhắc, lựa chọn trong việc mua hàng thực phẩm tiêu dùng. Từ đó, góp phần tạo động lực cho việc xây dựng, nâng cấp các chợ theo mô hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiền Chi