.

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Cần bắt đầu bằng ý thức cá nhân

Thứ Ba, 28/06/2016, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 131 vụ tai nạn, làm chết 56 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2015 đã giảm 12 vụ, 13 người chết và 31 người bị thương. Có thể nói đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên bên cạnh điều đáng mừng đó, vấn đề ý thức văn hóa khi tham gia giao thông vẫn còn lắm chuyện phải bàn khi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong tổng số 2.372 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong tháng 6-2016, có 224 người bị tước giấy phép lái xe có thời hạn và 569 phương tiện bị cơ quan chức năng giam giữ. Cũng trong tháng 6-2016, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn, làm 7 người chết, 24 người bị thương.

Bên cạnh số vụ, số người chết giảm so với cùng kỳ được xem là một tín hiệu đáng mừng, thì số người vi phạm và số giấy phép lái xe, phương tiện bị tạm giữ lại phản ảnh thực trạng và  những nỗi lo về ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Một điều rất dễ nhận thấy là có không ít người tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông chỉ mang tính chất đối phó. Qua các ngã ba, ngã tư, nếu không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, họ thản nhiên vượt đèn đỏ, đi hàng hai, hàng ba. Rồi vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều, uống bia rượu khi tham gia giao thông. Khi không may bị lực lượng chức năng bắt giữ, những người vi phạm tìm mọi cách, mà phổ biến là phương án “gọi điện thoại cho người thân” để xin không bị xử phạt.

 Giao lưu tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông, một cách bồi đắp văn hóa giao thông cho các em học sinh.
Giao lưu tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông, một cách bồi đắp văn hóa giao thông cho các em học sinh.

Dù sau đó, lực lượng chức năng tiến hành xử phạt hoặc thông cảm bỏ qua, người vi phạm cũng không nhận ra lỗi của mình, thay vào đó là tâm lý vui mừng vì “thoát nạn”. Và như thế, việc những người này trở nên xem thường pháp luật, tiếp tục mắc lỗi khi tham gia giao thông, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông cũng là điều dễ hiểu.

Cùng với sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông, tại một số tuyến đường, khi xảy ra tai nạn, trong lúc lực lượng chức năng hoặc người thân đang tiến hành đưa nạn nhân đi cấp cứu và xử lý các hậu quả tại hiện trường, lại có rất nhiều người hiếu kỳ đứng xem, tạo thành một đám đông ngay trên đoạn đường vừa xảy ra tai nạn.

Cá biệt có vụ trong số những người hiếu kỳ lại xảy ra một vụ va chạm mới khiến đường bị ùn tắc, trở thành cái bẫy” nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Các quán ăn, nhà hàng ở các thành phố và trung tâm huyện, thị xã thản nhiên trưng dụng lòng, lề đường thành nơi bán hàng hoặc để xe ô tô, xe máy cũng là những vi phạm khá phổ biến mà cơ quan chức năng chưa thật sự xử lý nghiêm minh, biến những nơi này thành nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn giao thông.

Không chỉ ở thành phố và trung tâm các huyện, thị xã, ở nông thôn, văn hóa giao thông cũng đáng báo động khi có những địa phương đã trở nên “nổi tiếng” bởi số người chấp hành đội mũ bảo hiểm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thậm chí có nơi, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường làng bị xem là “quê mùa” và mũ bảo hiểm chỉ được dùng đến khi ra khỏi ranh giới của làng xã, nơi có lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Chưa kể tình trạng phóng nhanh vượt ẩu trong các con đường liên thôn với những ngõ hẹp và quanh co đã và đang là cơn ác mộng của không ít người. Đã có không ít vụ việc người đi bộ đã trở thành nạn nhân của những chiếc xe máy bất ngờ lao ra từ ngõ hẹp và khuất tầm nhìn. May mắn thì được một phen hú vía với va chạm và xây xát nhẹ, không may thì bị thương phải vào viện với những hậu quả khó lường.

Trở lại với những con số người chết, bị thương, vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý, số bằng lái xe bị tước tạm thời và số phương tiện bị giam giữ, bên cạnh những nguyên nhân về hạ tầng, chế tài xử phạt, ý thức trách nhiệm của lực lượng chức năng..., thì sự thiếu ý thức văn hóa trong tham gia giao thông của một bộ phận người dân chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những con số đáng buồn nêu trên.
Để hạn chế tai nạn giao thông, xây dựng và phát triển văn hóa giao thông, bên cạnh việc cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thì mỗi một người dân khi tham gia giao thông cần phải tự mình nâng cao ý thức, hình thành các thói quen văn minh.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông, tôn trọng người đi đường cũng là nét đẹp văn hóa cần được bồi đắp và phát triển. Đó có thể là sự nhã nhặn trong khi xử lý các tình huống va chạm,  nhường nhịn nhau khi chờ đèn đỏ trong giờ cao điểm, điều khiển xe ô tô lưu thông khi trời mưa chạy chậm để tránh làm ướt người đi xe máy, xe đạp và đi bộ..., những việc làm đơn giản nhưng sẽ góp phần hình thành nét đẹp văn minh trong tham gia giao thông nói riêng và trong cuộc sống nói chung.

Và từ sự đổi thay về ý thức trong quá trình tham gia giao thông của mỗi một cá nhân, tin rằng số vụ tai nạn, người bị chết, bị thương, người vi phạm bị xử phạt, bằng lái xe bị tước và phương tiện bị giam giữ... sẽ tiếp tục hạn chế và giảm dần, góp phần mang lại bình yên cho mọi  nhà, mọi người.

Hiền Mai