.

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội và thách thức

Thứ Ba, 17/05/2016, 07:53 [GMT+7]

Bài II: Quảng Bình ứng phó với biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.065 km2; dân số 868.174 người; bờ biển trên 116 km; địa hình trải dài từ bắc vào nam, hẹp nhất cả nước về chiều ngang. Đối mặt với biển, Quảng Bình trở thành một nơi hứng chịu nhiều thiên tai bất thường vì BĐKH gây ra.

Kịch bản BĐKH tại Quảng Bình cho thấy, đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng thêm 3,6 độ C; nước biển tăng 65 cm (năm 2050), 75 cm (năm 2070) và 1m (năm 2100), nếu nước biển tăng 1m, sẽ có trên 16.700 ha đất canh tác ngập lụt hoàn toàn.

Biến đổi khí hậu tác động đến tần suất và cường độ bão hàng năm, giai đoạn 2005-2011 có 60 cơn bão hình thành trên biển Đông, trong đó 14 cơn bão đổ bộ vào Quảng Bình; có 30 trận lũ lụt gây thiệt hại đáng kể về người, tài sản, cơ sở hạ tầng. 133 người bị chết, 485 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị sập và ngập, hàng chục triệu mét khối đất đá công trình giao thông, thủy lợi bị sạt, lở, cuốn trôi; 326 chiếc tàu thuyền chìm và hư hỏng; hơn 156 km đê kè ven sông biển bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 5.087 tỷ đồng.

Trước sự bất thường của BĐKH, tháng 10-2012, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1328/KH-UBND, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020.

Ông Jerome Faucet, đại diện Hội CTĐ Đức tại Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng với tỉnh Quảng Bình trong cuộc chiến chống BĐKH.
Ông Jerome Faucet, đại diện Hội CTĐ Đức tại Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng với tỉnh Quảng Bình trong cuộc chiến chống BĐKH.

Theo Kế hoạch số 1328, sẽ có 36 chương trình, dự án ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 và 25 chương trình, dự án cho giai đoạn sau năm 2015 thuộc các lĩnh vực: nâng cao năng lực; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê kè ven biển chống sạt lở và xâm thực; quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; tài nguyên nước và biến đổi khí hậu; tài nguyên đất; phòng chống thiên tai; nông nghiệp và an ninh lương thực; thủy sản và đa dạng sinh học; hạ tầng đô thị và giao thông; môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh; nghiên cứu giải pháp công nghệ; quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tổng nguồn vốn để thực hiện kế hoạch hành động là 6.000 tỷ đồng.

Tại thành phố Đồng Hới, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học của tỉnh, lần đầu tiên Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với BĐKH cũng đã được khởi động. Dự án giai đoạn một có tổng trị giá lên đến 38,8 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA, Ngân hàng phát triển châu Á, khởi động từ tháng 1-2015 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Dự án tập trung vào phát triển hệ thống thoát nước, cơ sở hạ tầng đô thị thân thiện môi trường, mang tính bền vững.

Những dự án, công trình có yếu tố cấp bách ứng phó BĐKH được UBND tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2012-2015 bao gồm: xây dựng, củng cố đê, kè chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ; nâng cấp, cải tạo đê, kè chống sạt lở và nước biển dâng phía tả sông Nhật Lệ, phía hữu sông Luỹ Thầy và sông Lệ Kỳ; nâng cấp, cải tạo đê, kè sông Dinh, huyện Bố Trạch; nâng cấp tuyến đê kè bờ tả sông Gianh; lập quy hoạch chi tiết các lưu vực sông tỉnh; xử lý tình trạng ngập lụt tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; xây dựng, củng cố đê, kè chống sạt lở phía hữu sông Nhật Lệ; nạo vét 5 cửa sông bị bồi lấp trên địa bàn tỉnh; nâng cấp tuyến đê kè bờ hữu sông Gianh đoạn từ Quảng Hải đến xã Cảnh Hóa và sông Roòn...

Đường phố Đồng Hới tan hoang sau cơn bão tháng 10-2013.
Đường phố Đồng Hới tan hoang sau cơn bão tháng 10-2013.

Một trong nhiều nội dung quan trọng nhằm đối phó với BĐKH tại Quảng Bình là vấn đề truyền thông và xây dựng thí điểm các mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện BĐKH. Nhiệm vụ này đặt lên vai của Hội CTĐ các cấp. Theo đánh giá của bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương duy trì có hiệu quả các đội thanh niên CTĐ xung kích, các đội ứng phó và phòng ngừa thảm họa; thực hiện tốt công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; thúc đẩy những nỗ lực của cộng đồng trong phòng chống, đối phó BĐKH.

Quỹ Marga und Walter Boll thông qua Hội CTĐ Đức và Hội CTĐ Việt Nam đã giúp tỉnh Quảng Bình thực hiện thí điểm dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị. Mục đích dự án nhằm giúp cán bộ, hội viên Hội CTĐ các cấp, người dân và  học sinh các trường học tại xã Bảo Ninh và phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới), xã Thuận Hóa và Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) có khả năng phòng ngừa, chống chịu, ứng phó, phục hồi một cách hiệu quả nếu thảm họa xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng. Dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng giúp trên 4.000 đối tượng hưởng lợi trực tiếp và 24.500 người khác hưởng lợi gián tiếp với kinh phí 600 nghìn Euro.

Ông Jerome Faucet, đại diện Hội CTĐ Đức tại Việt Nam nhận định: “Chúng tôi đến Việt Nam, đến với Quảng Bình, gắn bó cùng dự án. Vấn đề chúng tôi đánh giá cao ở các bạn là quá trình triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ đề ra. BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến Quảng Bình, đến Việt Nam mà đang trở thành mối quan ngại mang tính toàn cầu. Ở Quảng Bình, ứng phó với BĐKH trở thành một quá trình phát triển bền vững gắn với giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội. Ứng phó BĐKH tạo ra sự thích nghi của người dân với bất lợi của môi trường, không phải chỉ có thiên tai, lũ lụt mà còn bao gồm nhiều yếu tố rủi ro khác. Hội CTĐ Đức cam kết sẽ đồng hành với Hội CTĐ Việt Nam và Hội CTĐ Quảng Bình trong ứng phó BĐKH, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai”.

Câu chuyện về BĐKH không còn xa lạ đối với mỗi một người dân, ngày ngày chúng ta đang đối diện cùng BĐKH: nhiệt độ tăng bất thường; hạn hán đến sớm; không khí ô nhiễm; triều cường; tố lốc... Thông điệp ứng phó BĐKH rất giản đơn: Hãy chúng tay bảo vệ môi trường sống bằng những hành động thiết thực từ chính chúng ta.

Thanh Long

>> Bài 1: Việt Nam trực diện với biến đổi khí hậu