.
Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2016):

Tháng 5, về thăm quê Bác Hồ

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày tháng 5, mọi ngả đường đổ về Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) người xe đông đúc hơn bình thường. Dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây đều mong một lần được ghé thăm vùng quê nơi sinh ra người con ưu tú của dân tộc- Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời chào hiếu khách

Xe vừa chầm chậm tiến gần đến khu lưu niệm Hoàng Trù-quê ngoại của Bác Hồ, thì từ bên phải, đã thấy vài ba người ra vẫy tay, mời gọi vào đỗ xe với thông báo: ở đây giữ xe miễn phí. Bán tín, bán nghi vì thời buổi này mấy ai mà miễn phí bao giờ, lại vốn tính ái ngại trước những lời mời chào quá nồng nhiệt, nên chúng tôi còn ngần ngừ. Nhưng phía trong, các bãi đỗ cũng đã chật kín, chúng tôi đành ghé vào.

Bà chủ quán xởi lởi rót nước chè xanh mời khách và luôn miệng nói: “Anh chị uống nước, nghỉ ngơi chút đã rồi vào tham quan. Cứ uống thoải mái, chúng tôi không lấy tiền đâu”. Thấy vẻ ngạc nhiên của du khách, ông Hoàng Lâm, chủ bãi xe Ninh Lâm vội phân trần: “Đây là đất nhà tui, không phải mất tiền thuê mượn. Với lại, khách không quản nhọc nhằn, từ đường xa về đây tham quan, thắp hương, mình miễn phí bát nước chè xanh, chỗ để xe thì có đáng chi?”. Nói rồi, chừng như cũng chẳng để ý chúng tôi có nghe hay không, ông lại vồn vã ra mời chào những vị khách mới tới.

Chị Đỗ Thị Nhung, đến từ TP. Hà Nội chia sẻ: Vào đây, được người dân cho đỗ xe miễn phí, lại được mời uống nước chè xanh rồi hướng dẫn rất tận tình. Thực sự tôi rất cảm động!

Tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây khiến không khí của những ngày đầu hè dường như cũng đỡ ngột ngạt hơn. Mang tâm trạng thoải mái, dễ chịu, chúng tôi bắt đầu hành trình từ làng Hoàng Trù-quê ngoại rồi vòng sang làng Sen-quê nội của Bác Hồ. Màu xanh trù phú của làng quê yên bình dần hiển hiện trước mắt...

Về thăm quê Bác, về với làng quê yên bình.
Về thăm quê Bác, về với làng quê yên bình.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước

Bước qua cổng với liếp tre đơn sơ là con ngõ dẫn lối vào nhà với bờ rào bằng chè mạn hảo, cây dâm bụt được cắt tỉa ngay ngắn, kế bên là những luống lạc lá xanh mướt.

Bên trong ngôi nhà 3 gian ở quê ngoại- nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời và trải qua những ngày thơ ấu vẫn còn lưu giữ những kỷ vật quý, như: khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan, bộ phản, chiếc án thư của ông Nguyễn Sinh Sắc, chiếc rương gỗ, chiếc võng gai...

Còn ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ nằm nép mình dưới những tán cây xanh ở quê nội là nơi đã chứng kiến sự trưởng thành của các anh chị em. Ngôi nhà vốn được bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, theo phong tục của làng. Chính tại nơi này, đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và nhân cách vĩ đại của Người-Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trực tiếp chiêm ngưỡng những hiện vật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt bình dị hàng ngày của Bác Hồ thời thơ ấu, được nghe những câu chuyện kể qua giọng thuyết minh truyền cảm của các hướng dẫn viên, du khách càng hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe nhắc đến những kỷ niệm lần về thăm quê, về những hy sinh thầm lặng của các Bác và các thành viên trong gia đình cũng như tình cảm sâu nặng của Người với quê hương...

Anh Vũ Phong, một du khách đến từ Hà Tĩnh chia sẻ: Từ thời học sinh, khi được tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ, chúng tôi đã được thầy cô giáo đưa về thăm quê Bác. Lần này, trở lại, tôi đưa con, cháu đến tham quan để các cháu hiểu thêm về cuộc đời của Bác Hồ và mong muốn các cháu luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước cũng như tinh thần vượt khó, vươn lên.

Mỗi năm, Khu di tích Kim Liên đón khoảng 1,5-1,8 triệu lượt người tới tham quan. Bình quân, mỗi ngày có khoảng 200 đoàn khách tham quan vào cuối tuần và có khoảng từ 300 đến 400 đoàn vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước.

Những người làm “sống” lại di tích trong lòng du khách

Không ai khác, chính là những hướng dẫn viên ở đây. Những cô gái trong tà áo dài màu hồng cánh sen tha thướt, hài hòa giữa cảnh sắc làng quê yên bình với mái nhà tranh rợp bóng cây xanh... đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách. Với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, các hướng dẫn viên đã đưa du khách trở về với những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách gần gũi, bình dị và đi vào lòng người nhất.

 Những hướng dẫn viên trong tà áo dài màu hồng cánh sen đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Những hướng dẫn viên trong tà áo dài màu hồng cánh sen đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Chị Bùi Bích Đảm, Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục thuyết minh ở Khu di tích Kim Liên, người đã từng có hơn 20 năm trong nghề chia sẻ: Mỗi thuyết minh viên phải có cảm xúc thực sự, nếu không sẽ không thể chuyển tải được nội dung thông tin, tình cảm tới du khách thập phương. Cảm xúc ấy được nuôi dưỡng từ tấm lòng tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tình yêu với nghề và từ chính những người khách tới tham quan. Chị kể: Nhiều lúc, đang thuyết minh bất chợt bắt gặp hình ảnh mẹ già, các cựu chiến binh... rơm rớm nước mắt hay đôi mắt đen láy, khuôn mặt chăm chú lắng nghe của những cô bé, cậu bé học sinh đã tạo nên sự xúc động mạnh và chính chúng tôi cũng nghẹn giọng trước những hình ảnh ấy.

Hướng dẫn viên Phạm Ngọc Lan, người có 10 năm trong nghề thì vui vẻ cho biết: Chị thấy tự hào khi được làm hướng dẫn viên ở đây và thích thú với sắc màu của tà áo dài đồng phục. Dù lúc đậm, lúc nhạt nhưng tà áo dài lúc nào cũng mang sắc hồng của những cánh sen, là sắc hoa có tính biểu tượng của vùng quê Kim Liên, Nam Đàn.

Tháng 5, về thăm quê Bác, không chỉ là trở lại với địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước với những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá của đất nước Việt Nam; mà đó còn là sự trở về với những hình ảnh bình dị, thân thương của làng quê Việt Nam xưa, với những tình cảm ấm áp, thân tình của người dân Kim Liên hôm nay.

Hương Lê