.
Hưởng ứng 70 năm Ngày phòng chống thiên tai Việt Nam (22-5-1946 - 22-5-2016):

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai năm 2016

Thứ Sáu, 20/05/2016, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, tình hình thiên tai của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường hơn. Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, năm 2016, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh ta đang khẩn trương triển khai các biện pháp, giải pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả"...

Thiên tai ngày càng cực đoan

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của hiện tượng  El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai từ năm 2015 đến nay diễn biến bất thường và cực đoan, gây hậu quả nặng nề.

Thiên tai xảy ra ít hơn nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục như: hạn hán xảy ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ; mưa lớn kỷ lục trong vòng 50 năm lại đây tại Quảng Ninh; sạt lở đất, bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi; xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn cùng thời kỳ gần 2 tháng và lấn sâu vào đất liền có nơi tới trên 90km; tình trạng cạn kiệt nguồn nước các dòng sông ngày càng phổ biến...

Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh cứu hộ tàu cá của ngư dân huyện Bố Trạch bị chìm năm 2016.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh cứu hộ tàu cá của ngư dân huyện Bố Trạch bị chìm năm 2016.

Thiệt hại do thiên tai trong năm 2015 đã làm 154 người chết và mất tích, 127 người bị thương, 36.475 nhà sập đổ, cuốn trôi và tốc mái, xiêu vẹo; hơn 445.1108 ha lúa, hoa màu bị hạn, ngập úng và hư hại; hàng triệu m3 đất, đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 8.114 tỷ đồng.

Đầu năm 2016, đến nay, thiên tai  đã làm chết 11 người, 41 người bị thương, 290.360ha lúa, hoa  màu và  trên 161.360ha  cây  công nghiệp, cây  ăn trái  bị thiệt  hại, hơn 475.000  hộ dân bị thiếu nước.

Về tình hình thiên tai ở tỉnh ta, theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, trong năm 2015 trên địa bàn có 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và 5 cơn bão hoạt động trên biển Đông. Ngoài ra, trong năm đã có 15 đợt gió mùa Đông Bắc hoặc không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh ta. Mặc dù không khí lạnh ảnh hưởng đến thời tiết khu vực tỉnh ta thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng lại có cường độ mạnh và gây ra rét đậm trên diện rộng, vùng núi có rét hại; nền nhiệt độ trên toàn tỉnh thấp hơn TBNN.

Năm 2015,  nắng nóng ở Quảng Bình xuất hiện khá sớm và kết thúc muộn hơn TBNN. Đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên trong năm 2015 xảy ra từ ngày 17 đến 18-3 và ngày cuối cùng kết thúc nắng nóng của năm 2015 là 26-9 (đợt nắng nóng dài ngày nhất trong năm là 37 ngày).

Trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, nắng nóng gay gắt xảy ra với tần suất khá cao với nhiệt độ cao nhất trong ngày tại nhiều nơi đạt trên 400C như: Tuyên Hóa 41,50C (ngày 31-5), Ba Đồn 40,80C (ngày 20-4), Đồng Hới 410C (ngày 20-4)... Chỉ tính riêng trong tháng 1 năm 2016, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại khiến nhiệt độ có nơi xuống dưới 50C, làm ảnh hưởng đến người, gia súc, gia cầm của nhân dân.

Những ngày đầu tháng 5-2016, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện các đợt nắng nóng, nhiệt độ lên cao, có nơi 37-380C. Lượng mưa trong các tháng đầu năm thấp hơn trung bình nhiều năm. Nắng nóng và lượng mưa thiếu hụt đã gây hạn hán trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, dự báo còn có thể kéo dài trong vài tháng tới.

Thống kê từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho thấy, trong năm 2015 bão, hoàn lưu bão đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 1 người mất tích, thiệt hại gần 24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán đã khiến nhiều hồ, đập thuỷ lợi bị khô cạn trong dịp hè, đa số đều đạt dưới 50% dung tích thiết kế (ngoại trừ hồ chứa Sông Thai: 51%; hồ chứa Cửa Nghè: 65%).

Nhiều nơi không đủ nước tưới, không sản xuất được hoặc phải chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang hoa, màu... Những nơi thiếu nước tập trung chủ yếu là huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và một số xã thuộc huyện Quảng Ninh. Do thiếu nước tưới, vụ hè-thu 2015, toàn tỉnh đã có 475.1ha buộc phải chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây trồng khác; 1.282,1ha không có nước để sản xuất.

Bước sang năm 2016, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại vào thời điểm cuối tháng 1-2016, trên địa tỉnh đã có 1 người bị chết, 2 người bị thương. Rét đậm, rét hại còn khiến gia súc, gia cầm bị thiệt hại trên 7.000 con; 959ha diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét; cây trồng hàng năm cũng bị thiệt hại 421 ha... Ước tính thiệt hại trên 17,5 tỷ đồng.

Chủ động phòng chống thiên tai

Để chủ động ứng phó có hiệu quả với những diễn biến bất thường của thiên tai, ngày 22-7-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1996/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Đây chính là bộ máy hoạt động mới kể từ khi Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2014.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tích cực triển khai nhiều công việc để chuẩn bị cho việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh (dự kiến sẽ thành lập trong tháng 6-2016). Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh còn chú trọng triển khai lập kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã rà soát, lập và phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai 5 năm, xây dựng phương án phòng chống thiên tai của cấp mình (theo từng loại hình thiên tai và theo cấp độ rủi ro thiên tai). Đẩy mạnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, lập và phê duyệt kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cấp xã theo quy định tại Luật phòng, chống thiên tai...

Một công trình thuỷ lợi ở huyện Bố Trạch đang được kiên cố hoá để chủ động ứng phó với thiên tai.
Một công trình thuỷ lợi ở huyện Bố Trạch đang được kiên cố hoá để chủ động ứng phó với thiên tai.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh còn khẩn trương lập và phê duyệt phương án ứng phó với siêu bão và bão mạnh; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án chống hạn và kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên diện tích sản xuất lúa có khả năng thiếu nước. Tăng cường kiểm tra lắp đặt, duy tu bảo dưỡng máy thông tin tại các huyện, thành phố, thị xã; tiến hành mua sắm bổ sung các trang thiết bị phòng chống thiên tai cho các địa phương, sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh. Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các huyện, thành phố, thị xã...

Đặc biệt, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống thiên tai, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định thành lập và thu Quỹ PCTT tại các huyện, thị xã, thành phố với hơn 280 lượt cán bộ chủ chốt tham gia...

Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo cụ thể, sâu sát đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cụ thể như: Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão tại các địa phương, xã, phường, thị trấn; chú trọng kiểm tra tại các điểm dễ xảy ra tai nạn, thảm họa như các bến đò ngang, các điểm dễ bị ngập lụt sâu, lũ quét, các khu vực dễ bị chia cắt khi có bão, lũ xảy ra; hướng dẫn cho ngư dân các điểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; đẩy mạnh tuyên truyền, truyền tin cảnh báo thiên tai và các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, bản, người dân, đặc biệt quan tâm đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo để người dân sẵn sàng ứng phó, chống chịu được với các tình huống thời tiết bất thường, cực đoan.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức thi công các công trình hoàn thành trước mùa mưa bão, bảo đảm công trình vượt lũ an toàn; thực hiện tốt các công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn; tiếp tục thực hiện các biện pháp chống hạn, nắng nóng bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh...

Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày nay. Lúc sinh thời, hàng năm Bác Hồ luôn có thư gửi đồng bào, cán bộ, chiến sỹ trong cả nước trước mùa mưa bão, động viên toàn Đảng, toàn dân chăm lo cho công tác phòng chống thiên tai.

Hơn 40 năm sau đó, Chính phủ cũng đã quyết định lấy ngày 22-5 hàng năm là Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam.

Văn Minh