.
Xã Phú Trạch:

Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

Thứ Sáu, 08/04/2016, 09:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là công tác định hướng xuất khẩu lao động được coi là giải pháp hiệu quả trong mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo ở xã Phú Trạch (huyện Bố Trạch).

Phú Trạch là một trong những xã khó khăn của huyện Bố Trạch, toàn xã có gần 900 hộ dân với trên 3.600 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế đồi rừng. Trong những năm qua, xã Phú Trạch đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chương trình 135 nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo.

Tuy nhiên, hành trình giảm nghèo đối với người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều gian nan. Với điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã chỉ chiếm trên 380 ha, trong đó có khoảng 220 ha ruộng cấy được lúa, diện tích đất 2 vụ chỉ chiếm khoảng 50% vì đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn không thể đưa vào sản xuất tăng vụ, chủ yếu ở các thôn Trung Thuận, Bình Thuận, Quý Thuận. Tính bình quân mỗi người dân trong xã chỉ có 500m2 đất canh tác, không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Chính vì vậy mà xã Phú Trạch có nhiều gia đình nằm trong diện đặc biệt khó khăn, thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt. Phần lớn lao động trong độ tuổi khá nhàn rỗi, không có việc làm hoặc phải đi làm thuê các tỉnh phía Nam với mức lương chỉ đủ sống.

Xác định xuất khẩu lao động là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết việc làm và nâng cao mức thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn xã, từ năm 2010 đến nay, chính quyền xã đã chú trọng đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tạo điều kiện để người lao động tìm hiểu các thông tin về việc làm, cũng như những thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng.

 Làng quê Phú Trạch đổi mới nhờ chú trọng xuất khẩu lao động.
Làng quê Phú Trạch đổi mới nhờ chú trọng xuất khẩu lao động.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giúp đỡ giải quyết về vốn vay xuất khẩu lao động cho nhân dân, giúp người lao động mạnh dạn và tự tin tham gia xuất ngoại để thực hiện ước muốn làm giàu cho gia đình và quê hương. Đến nay, toàn xã Phú Trạch có gần 200 lao động hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia; Trung Quốc... với các nghề sản xuất như: lắp ráp đồ hộp, đồ nhựa, hàn xì, may mặc, giúp việc gia đình... Phần lớn các lao động đều gửi ngoại tệ về để phát triển kinh tế gia đình.

Đến thăm nhiều hộ gia đình nghèo tại xã Phú Trạch có con đi xuất khẩu lao động, chúng tôi chứng kiến niềm vui hiện hữu trên nụ cười của những gia đình nghèo khó ấy. Nếu trước đây, họ phải lo lắng về chuyện cơm no, áo ấm thì ngày nay, cuộc sống dần dần được ổn định và mức sống được tăng lên rõ rệt. Ông Dương Minh Phương có 2 con trai đang lao động ở Nhật Bản chia sẻ: “Con trai tôi đi xuất khẩu lao động được 2 năm, các cháu làm nghề cơ khí và gửi về cho gia đình được gần 800 triệu đồng. Hiện gia đình đã trả nợ hết ngân hàng, số còn lại gia đình đầu tư làm kinh tế, đời sống gia đình đã ổn định và khá giả hơn".

Cũng nhờ số vốn tích lũy được từ khi anh Nguyễn Quang Lương đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, chị Trần Thị Lữ, thôn Bình Thuận đã xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang và đang đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Chị cho biết: Trước đây kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, đất ruộng không có để gieo trồng, nhờ mạnh dạn vay vốn cho chồng đi lao động tại Nhật Bản với mức thu nhập 30 triệu đồng/ tháng, nên đời sống kinh tế gia đình tôi đã khá giả và sung túc hơn”.

Bà Nguyễn Thị Kiều-thôn Trung Thuận có 2 con gái hiện đang làm việc tại Đức và Hàn Quốc, tâm sự: trước đây, gia đình bà thuộc diện nghèo nhất làng. Có đợt tuyển lao động sang Hàn Quốc, gia đình đã vay mượn tiền để cho con gái đầu sang đó làm ăn. Vài năm sau, khi công việc con gái đã ổn định, hàng tháng người con gái của bà đều gửi tiền về Việt Nam để gia đình trang trải nợ nần và đầu tư vốn cho em gái đi lao động tại Đức. Bây giờ gia đình đã thoát nghèo và phát triển kinh tế ngày càng khá hơn.

Nhờ có người đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình trong xã Phú Trạch đã xây dựng nhà cửa to đẹp và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thoát khỏi hộ nghèo, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, bộ mặt làng quê có nhiều thay đổi. Đến nay, số hộ nghèo của xã giảm còn 6,4%, thu nhập bình quân tăng lên 17 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có trên 50% nhà ở khang trang, kiên cố, 100% hộ dân trong xã sử dụng điện lưới quốc gia.

Nhằm đưa công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao, năm 2016 xã Phú Trạch đã chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng việc làm và chú trọng giải quyết kịp thời các thủ tục hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu các thị trường, đơn hàng xuất khẩu lao động trực tiếp tại các thôn. Trong đó, chú trọng ký hợp đồng với những đơn hàng xuất khẩu lao động ở các nước có thu nhập cao, thủ tục đơn giản, đòi hỏi trình độ phù hợp với năng lực, tay nghề của lao động trên địa bàn.  

Có thể nói, xuất khẩu lao động là cơ hội để người lao động có thu nhập cao, đồng thời được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, rèn luyện ý thức, ý chí và tác phong làm việc công nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở xã Phú Trạch.

Thu Thơm