.

Cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp

Thứ Sáu, 22/04/2016, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhận thấy mức thu phí qua 2 trạm thu phí BOT trên đường Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh đối với phương tiện ô-tô cá nhân (dưới 9 chỗ) và ô-tô tải nhỏ (tải trọng dưới 2 tấn) như hiện nay là quá cao so với thu nhập và đời sống của người dân, từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã kịp thời có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) và Bộ Tài chính xem xét giảm mức thu phí cho các phương tiện nói trên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, viện lý do nếu điều chỉnh giảm, thì "dự án sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư", các doanh nghiệp thu phí BOT trên địa bàn đã thẳng thừng từ chối đề nghị này.

Dân muốn giảm phí

Quốc lộ 1 chạy qua địa bàn Quảng Bình có chiều dài 122km, đã được Bộ GTVT thực hiện đầu tư nâng cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Trong đó có một số đoạn tuyến được đầu tư theo hình thức BOT (tức là các công ty, doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng, sau đó vận hành khai thác một thời gian rồi chuyển giao cho Nhà nước quản lý).

Người dân muốn giảm phí đối với các phương tiện ô tô cá nhân và xe vận tải nhỏ khi đi qua các trạm thu phí BOT.
Người dân muốn giảm phí đối với các phương tiện ô tô cá nhân và xe vận tải nhỏ khi đi qua các trạm thu phí BOT.

Để hoàn thành vốn cho các dự án BOT, Bộ GTVT đã cho phép Công ty cổ phần Tasco thành lập trạm thu phí đoạn km597+549 + km605+00 và km617+00 + km641+00, với mức thu phí áp dụng theo Thông tư số 29/2015/TT-BTC ngày 6-3-2015 của Bộ Tài chính; đồng thời cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh sử dụng Trạm thu phí Quán Hàu để thu phí hoàn vốn đoạn km672+600 + km704+900, với mức thu phí theo Thông tư số 93/2015/TT-BTC ngày 19-6-2015 của Bộ Tài chính.

Kể từ ngày 1-1-2016, mức phí của tất cả các phương tiện qua 2 trạm thu phí này đều đồng loạt tăng giá. Riêng, các loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng phải chịu phí tăng thêm lên đến 15 ngàn đồng/lượt.

Theo phản ánh của người dân có phương tiện nằm trong mức phí nói trên thì đây là mức phí quá cao so với thu nhập và đời sống của họ, đặc biệt là các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe tải nhỏ (tải trọng dưới 2 tấn). Một phần, do các trạm thu phí này được đặt tại các vị trí dẫn vào trung tâm huyện Quảng Ninh và huyện Quảng Trạch, nên hầu hết phương tiện nói trên của nhân dân địa phương đi lại hằng ngày phải thường xuyên qua trạm. Mặt khác, nhiều trường hợp dù không đi qua đoạn tuyến BOT hoặc chỉ đi qua một đoạn ngắn, nhưng cũng phải đóng phí khi đi qua trạm. Trong khi, hầu hết các loại xe nói trên là phương tiện đi lại làm việc và mưu sinh hàng ngày của người dân nơi đây.

Gia đình anh Phạm Ngọc Hà ở thôn Trung, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) có một xe ô-tô tải để chở hàng hóa (tải trọng 1,25 tấn) và một xe ô-tô 7 chỗ. Mặc dù, ở cách Trạm thu phí Quán Hàu chưa đến 1km, thế nhưng vì công việc làm ăn, đưa đón con đi học hoặc sang nhà nội ở thị trấn Quán Hàu, nên anh thường xuyên qua lại trạm thu phí này.

Anh Hà cho biết: "Với những người dân như chúng tôi, sắm phương tiện ra chủ yếu để làm ăn, chứ chẳng phải kinh doanh dịch vụ lớn gì. Xe ô-tô tải thì có ngày chạy một vài chuyến, nhưng cũng có nhiều ngày liền không chạy chuyến nào cả. Hồi trước, tôi đóng phí theo lượt, nhưng từ khi phí qua trạm tăng cao, tôi phải mua vé tháng cho lợi. Nhà nước làm đường thì mình phải có nghĩa vụ nộp phí. Tuy nhiên, trong khi người dân chúng tôi thường xuyên phải đi qua lại nơi đây, thì với mức phí hiện nay là quá cao, làm sao chúng tôi chịu được".

Để nâng cao thu nhập cho gia đình và đưa đón con vào học ở TX.Ba Đồn, năm 2015, gia đình anh Nguyễn Văn Sáu, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) vay mượn thêm tiền mua một chiếc ô-tô con loại 4 chỗ. Nhưng khi áp dụng mức thuế mới như hiện nay, tiền phí hàng tháng "đội lên" khiến cuộc sống gia đình trở nên chật vật hơn trước nhiều.

Theo tính toán của anh Sáu, tiền phí qua trạm mỗi tháng bằng với tiền lãi ngân hàng anh vay để mua xe và gần gấp đôi tiền ăn học của các con. "Vì muốn các con có điều kiện học hành tốt hơn nên mới dám mạnh dạn mua xe đưa đón con vào thị xã ăn học, nhưng cứ tình hình này chắc phải chuyển cháu ra học gần nhà thôi", anh Sáu thở dài cho biết.

Ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết, hầu hết các xe ô-tô con ở địa phương chủ yếu là xe cá nhân. Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 10 chiếc xe vận tải nhỏ, chủ yếu vận tải dịch vụ trong địa bàn xã và các xã lân cận.

Vì vậy, nếu giảm phí cho các phương tiện này thì chắc chắn sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc thu phí hoàn vốn của công trình. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri gần đây, người dân đã rất nhiều lần đề xuất giảm phí khi qua Trạm thu phí Quán Hàu. Tuy nhiên, UBND xã cũng chỉ tập hợp để trình lên cấp trên xem xét, chứ cũng không thể giải quyết được.

Doanh nghiệp BOT "từ chối"?

Đỉnh điểm bức xúc của người dân vì mức thu phí quá cao đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực, gây mất trật tự an toàn giao thông. Cụ thể là vào ngày 4 và ngày 10-1-2016, một số cá nhân trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã đưa phương tiện ô-tô đến dừng, đỗ, chắn Trạm thu phí Quán Hàu để phản đối mức thu phí mới. Để giảm bớt khó khăn cho nhân dân địa phương, UBND tỉnh có văn bản số 60/UBND-XDCB (ngày 12-1-2016) và văn bản số 198/UBND-XDCB (ngày 17-2-2016) đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT xem xét giảm đóng phí từ 40 đến 50% mức phí mới đối với các chủ phương tiện cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe chở hàng có trọng tải từ 2 tấn trở xuống có biển kiểm soát đăng ký trong tỉnh khi qua các Trạm thu phí Quán Hàu và Trạm thu phí Tasco.

Ngày 4-2-2016, Bộ GTVT có văn bản số 1517/BGTVT-TC gửi 2 công ty nói trên nghiên cứu đề nghị của UBND tỉnh, tiến hành đánh giá tổng thể tình hình thu phí của dự án và báo cáo để Bộ đề nghị Bộ Tài chính xem xét. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo Bộ GTVT, 2 công ty nói trên đã thẳng thừng từ chối đề nghị của UBND tỉnh.

 Người dân thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, Quảng Trạch lập rào chắn ngăn cản xe đi vào đường làng để tránh trạm thu phí.
Người dân thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, Quảng Trạch lập rào chắn ngăn cản xe đi vào đường làng để tránh trạm thu phí.

Cụ thể, ngày 17-3, Tập đoàn Trường Thịnh có công văn số 139/TĐTT-CV gửi Bộ GTVT cho rằng, mức thu phí đối với các loại xe được nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Thông tư số 93/2015/TT-BTC ngày 19-6-2015 của Bộ Tài chính ban hành và để ban hành mức thu phí đó, thì Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã có tính toán cụ thể mức thu phí bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương và hoàn vốn đầu tư của dự án.

Do vậy, nếu điều chỉnh giảm theo đề xuất của UBND tỉnh thì "dự án sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư". Có cùng lập luận như trên, tại công văn số 114/TASCO-QB ngày 18-3-2016 gửi Bộ GTVT, phía Công ty cổ phần Tasco cũng đưa ra lý do tương tự để từ chối đề nghị của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GTVT (tại văn bản số 765/SGTVT-KH ngày 15-4-2016), nếu theo đề nghị của UBND tỉnh và đối chiếu với tổng mức đầu tư dự án (2.005 tỷ đồng do Bộ GTVT phê duyệt cho nhà đầu tư Công ty cổ phần Tasco thực hiện; thời gian thu phí hoàn vốn 22 năm), thì mức phí chênh lệch từ việc giảm thu phí chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng kinh phí đầu tư. Nghĩa là việc giảm phí theo đề nghị của UBND tỉnh sẽ không ảnh hưởng lớn đến tổng doanh thu hoàn vốn cho dự án do Công ty cổ phần Tasco thực hiện.

Riêng, dự án do nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh thực hiện gồm 2 dự án thành phần, hiện đang trình phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thu phí, vì vậy có thể tính toán kéo dài thời gian thu phí để bù vào khoản chênh lệch do giảm mức thu phí.

Qua sự việc trên, dư luận đang đặt câu hỏi, trong khi thực tế đời sống và thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn, thì lý do "dự án sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư" vì giảm mức thu phí mà 2 công ty nói trên đưa ra đã thực sự phù hợp? Thứ nữa, khi đưa ra lý do đó, 2 công ty này đã xem xét đầy đủ các văn bản của Bộ GTVT đề nghị hay chưa?

Rõ ràng, dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 1 (do các nhà nhà đầu tư, doanh nghiệp BOT thực hiện) đã có tác động tích cực và góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần tính toán một mức thu phí phù hợp, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp đầu tư BOT và người dân. Đó không chỉ là mong muốn của người dân-những người trực tiếp hưởng lợi từ dự án (và ở đây cũng là đối tượng đóng phí), mà còn là của chính chính quyền địa phương.

Về vấn đề thu phí, ngày 25-12-2015, Bộ GTVT đã có văn bản số 17178/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính và các nhà đầu tư, doanh nghiệp về việc thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT đề nghị, "để phù hợp với mức giảm trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ ngày 1-1-2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1-6-2016. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế chỉ số trượt giá CPI để tính toán điều chỉnh mức chi phí cho phù hợp".

Dương Công Hợp