.

Cần 450 tỷ đồng để giảm phát thải khí nhà kính thông qua bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020

Thứ Năm, 28/04/2016, 12:50 [GMT+7]
(QBĐT) - Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+)” tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016 - 2020.
Â
Rừng tự nhiên ở Lâm trường Trường Sơn được cấp chứng chỉ "rừng bền vững".
Mục tiêu của Kế hoạch này nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng cacbon rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững phù hợp với mục tiêu của Chương trình hành động REDD+ quốc gia, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội gắn ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững tỉnh Quảng Bình. Nguồn vốn 450 tỷ đồng, từ các tổ chức phi chính phủ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
 
Theo đó, Kế hoạch được thực hiện tại 19 xã ưu tiên, bao gồm: xã Thượng Trạch, Tân Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch); Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy); Thượng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, Hồng Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa); Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh); Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch); Cao Quảng, Kim Hóa, Lâm Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa). Kế hoạch hành động gồm 3 hợp phần chính là: Quản lý rừng; xã hội và môi trường; các vấn đề liên quan đến quản lý, thời gian thực hiện từ ngày 1-4-2016 đến 31-12-2020 .
 
Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường các biện pháp làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa; phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ, phát triển rừng cho các tổ chức; xây dựng vườn ươm cây giống đảm bảo chất lượng; hoàn thiện việc giao đất gắn với giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn; ổn định quy hoạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp được giao cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; xây dựng, thực hiện phương án Quản lý rừng bền vững; tăng năng suất cây trồng, đa dạng hóa các sản phẩm từ vườn rừng nhằm cải thiện kinh tế hộ gia đình…
 
P.V