.

Cá biển chết hàng loạt, ngư dân lao đao

Thứ Sáu, 22/04/2016, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 21-4, có mặt tại bãi biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), chúng tôi nhận thấy vẫn còn hiện tượng cá chết, đủ mọi loại lớn, nhỏ, đặc biệt có nhiều con nặng đến 30-35 kg chết bất thường trôi dạt vào bờ. Chúng tôi cũng chứng kiến một số người dân trong xã đang đi theo dọc bờ biển lượm cá chết dạt, trôi lềnh bềnh trên bờ.

>> Cá chết do yếu tố gây độc trong môi trường nước

Nhiều ngư dân bỏ biển

Theo ghi nhận, những loài cá biển chết trôi vào đây không chỉ có các loại cá ven bờ sống ở tầng đáy như: cá phèn, cá phèn đổng, cá đục, cá liệt, cá bò... mà có cả cá sống tầng nổi như cá chuồn, cá chim... Người dân cho hay, hiện tượng cá chết xảy ra cách đây khoảng một tuần và lượng cá chết trôi vào bờ nhiều nhất vào ban đêm khi thủy triều lên. Tình trạng cá chết hàng loạt khiến việc đánh bắt và tiêu thụ của bà con ngư dân cũng lao đao theo.

Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương cho hay, hiện hầu hết ngư dân đánh bắt gần bờ không ra biển nữa vì có đánh được cá cũng không biết bán cho ai, bởi người dân đang mang tâm lý sợ mua phải cá chết, trong khi các cơ quan chức năng chưa xác minh được nguyên nhân chính thức và khuyến cáo gì. Đáng nói là, nhiều hộ gia đình chăn nuôi vùng biển cho biết đã nhặt cá về để cho heo, gà, cá rô phi, cá lóc ăn chứ người không dám ăn.

Nhiều con cá có trọng lượng trên 30 kg chết bất thường trôi dạt vào bờ.
Nhiều con cá có trọng lượng trên 30 kg chết bất thường trôi dạt vào bờ.

“Trước khi có hiện tượng cá chết trôi vào bờ, thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc đánh cá biển của tôi khoảng 400.000 -500.000 đồng/ngày. Nhưng giờ thì chẳng dám ra biển nữa vì lỗ, đành gác thuyền lên bờ, ở nhà thôi”, ngư dân Phạm Xuân Dục, buồn bã nói. Đây cũng là thực trạng chung ở các địa phương ven biển trong những ngày này.

Qua trao đổi với nhiều người dân ở các địa phương vùng biển được biết, từ trước tới nay chưa bao giờ thấy cá bị chết nhiều vậy, nhất là những con cá to sống ở tấng đáy. Ông Nguyễn Khắc Hải, ngư dân có thâm niên trong nghề đánh bắt thủy hải sản ở xã Cảnh Dương chia sẻ: “Thường những loại cá có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá mú, cá hanh... sinh sống ở tầng nước sâu, rất khó đánh bắt, nhiều loại có trọng lượng từ 10-15kg/con nhưng không hiểu sao giờ lại bị chết hàng loạt. Điều này chứng tỏ mức độ nguy hiểm và bất thường của đợt cá chết lần này”.

Theo ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc (Ba Đồn), bà con vùng biển lâu nay sống nhờ vào nghề đánh bắt thủy sản nhưng nay đánh được cũng không có người mua. Sự việc bất thường này thực sự gây hoang mang cho bà con ngư dân. “Chúng tôi kiến nghị các cấp sớm có biện pháp xác định được nguyên nhân để giúp bà con ngư dân ổn định tâm lý và trở lại hoạt động sản xuất” – ông Đôn nói.

Thủy sản nước ngọt tăng giá

Trước hiện tượng cá chết hàng loạt, ghi nhận của phóng viên tại hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đang có xảy ra tình trạng “tẩy chay” không mua cá biển. Người đi chợ ai nấy đều bày tỏ sự lo lắng, chị Nguyễn Thị Bích Thủy, ở phường Hải Đình (Đồng Hới) thẳng thắn: “Dân chẳng còn ai dám ăn cá vì không biết được nguyên nhân gì khiến cá chết hàng loạt, nhất là khi có tin cá chết do nguồn nước nhiễm độc”. Sự lựa chọn an toàn cho người dân thời điểm này chính là nguồn thủy sản nước ngọt, nên tại các hàng bán cá nước ngọt luôn có khá đông người mua. Cũng chính vì vậy, hiện giá thủy sản nước ngọt như: tôm, cua, cá... đều tăng giá giao động từ 20.000-40.000 đồng/kg.   

 Hiện tượng cá biển chết bất thường vẫn tiếp tục diễn ra.
Hiện tượng cá biển chết bất thường vẫn tiếp tục diễn ra.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiêp và PTNT tỉnh đã yêu cầu các địa phương ven biển chỉ đạo các hộ nuôi thủy sản kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường nước, tạm dừng lấy nước vào ao nuôi cho đến khi không còn hiện tượng cá chết ven biển. Đồng thời, Chi Cục ATTP (Sở Y tế) cũng đã khuyến cáo bà con không thu mua, đặc biệt không nên sử dụng cá chết vớt được để chế biến thức ăn cho người và vật nuôi.

Sáng ngày 21-4, Trung tâm quan trắc môi trường thủy sản miền Bắc (Viện nuôi nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã cử đoàn khảo sát, lấy mẫu phân tích gồm: nước, chất bùn đáy, cá, tảo tại một số địa phương như Cảnh Dương (Quảng Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh) và các xã biển của huyện Lệ Thủy; đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh về việc cá tự nhiên chết hàng loạt tại các vùng biển chưa rõ nguyên nhân nhằm đưa ra kết luận chính xác nhất, có hướng xử lý kịp.

N.L


Bộ Tài nguyên-Môi trường kiểm tra, khảo sát tìm nguyên nhân gây cá chết hàng loạt tại Quảng Bình

Sáng 21-4-2016, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình để nắm bắt tình hình về cá chết hàng loạt và khảo sát hiện trạng môi trường ven biển Quảng Bình.

Đoàn lấy mẫu tại hiện trường biển Nhật Lệ.
Đoàn lấy mẫu tại hiện trường biển Nhật Lệ.

Sau khi trao đổi cập nhật các thông tin về cá chết hàng loạt ven biển Quảng Bình, đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số điểm dọc bờ biển Quảng Bình - Quảng Trị. Qua khảo sát thì chưa xác định được nguyên nhân gây cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua. Tại thời điểm khảo sát không còn thấy phát sinh cá mới chết mà chỉ có cá chết tồn đọng trong những ngày trước đã dạt vào bờ đang trong giai đoạn phân hủy. Các loại cá chết chủ yếu như: cá phèn, cá rô, cá sơn, cá nóc, cá chình, cá dìa,...

Đoàn khảo sát đã lấy mẫu nước, mẫu cá tại một số khu vực có cá chết nhiều như: bãi Biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; bãi biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; bãi biển Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để kiểm tra, phân tích xác định nguyên nhân.

Ngày 22-4, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát tại vùng biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Hưng Nghiệp formosa Hà Tĩnh, Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh và thực hiện các hoạt động cần thiết để sớm xác định nguyên nhân gây cá chết hàng loạt nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

Đặng Thị Thu Thủy