.

Nan giải việc làm cho thanh niên nông thôn

Thứ Tư, 30/03/2016, 07:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Đào tạo nghề cho thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn (TNNT) nói riêng là chủ trương lớn của tỉnh ta. Mặc dù các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp cho thanh niên được triển khai thường xuyên, nhưng hiện nay số lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ở nông thôn tay nghề thấp, tỷ lệ không có nghề cao khiến cho tình trạng thất nghiệp ngày một nhiều...

Thiếu việc làm...

Cứ vào khoảng mồng 4 đến 15 Tết Nguyên đán hằng năm, đi dọc tuyến Quốc lộ 1 sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều thanh niên đang chờ xe đường dài vào Nam lập nghiệp sau những ngày về quê đón Tết cùng gia đình. Tết Nguyên đán Bính Thân năm nay cũng vậy, dọc quốc lộ 1 từ Quảng Trạch vào Lệ Thủy, nhiều thanh niên tập trung thành từng nhóm với lỉnh kỉnh hành lý. Mỗi chuyến xe bắc nam đi qua lại có những cánh tay đưa lên và rồi lần lượt từng người lên xe “Nam tiến”.

Đến hết năm 2015, mới chỉ có 60% thanh niên nông thôn có nghề nghiệp ổn định; 40% còn lại vẫn đang thất nghiệp hoặc có việc tạm thời.
Đến hết năm 2015, mới chỉ có 60% thanh niên nông thôn có nghề nghiệp ổn định; 40% còn lại vẫn đang thất nghiệp hoặc có việc tạm thời.

Ở một số xã trung du thuộc vùng Bắc Quảng Bình như Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Tùng, Quảng Kim, Quảng Đông... cứ sau tết, nhiều chuyến xe khách lên tận nơi để đón thanh niên vào miền Nam làm việc theo thỏa thuận có sẵn trước đó. Họ chia sẻ thật lòng: “Ở quê, không nghề nghiệp, ruộng vườn cũng ngày càng ít dần, nên chỉ còn cách vào miền Nam làm công nhân. Biết “ly hương” là khổ, nhưng không đi thì không biết sống bằng gì”, Thanh, một thanh niên ở Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) nói.

Huyện Lệ Thủy là một trong những huyện có tỉ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc không có việc làm ổn định cao nhất tỉnh. Anh Dương Văn Bình, quyền Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cho biết, hiện tại số TNNT trên địa bàn huyện là 5.100 người. Trong đó có đến 45-50% thanh niên không có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định. “Số thanh niên thiếu việc làm khá đông nên phải đi làm ăn xa. Và điều này cũng dẫn đến việc rất khó khăn để tập hợp thanh niên cho một chương trình hay một kế hoạch nào đó”, anh Bình chia sẻ.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn năm 2014, tổng số thanh niên trong toàn tỉnh là 195.112 người, trong đó có 127.450 thanh niên được tập hợp sinh hoạt trong tổ chức. Thanh niên trong độ tuổi lao động có việc làm chiếm 45%, thanh niên thiếu việc làm và thất nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 55%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNNT thất nghiệp, anh Nguyễn Song Duyên, Phó Ban TNNT-Công nhân và Đô thị (Tỉnh đoàn) cho rằng, đa số TNNT còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần vươn lên chủ động lập nghiệp của họ cũng chưa cao, việc thu hút TNNT vào học các nghề nông nghiệp rất khó khăn, phần lớn TNNT đều có xu hướng ly hương để lập nghiệp.

Nhiều thanh niên chưa xác định được năng lực bản thân cũng như nhu cầu thị trường lao động để lựa chọn hướng đi phù hợp. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên ra trường có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tiễn về nghề, thiếu kỹ năng mềm, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Một bộ phận thanh niên ngại khó, ngại khổ; thiếu chủ động, nhạy bén, chưa chịu khó trau dồi tay nghề, rèn luyện bản thân. Thực tế này dẫn đến tình trạng một bộ phận TNNT không thể kiếm được việc hoặc phải chuyển sang làm những công việc thời vụ, lao động phổ thông.

Để định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm cho TNNT, những năm qua, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên trong toàn tỉnh.

Cụ thể, Trung tâm đã tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho 29.362 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), giới thiệu 3.583 ĐVTN tham gia xuất khẩu lao động sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, các nước Trung Đông... Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Trung tâm khoa học công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn, Ban TNNT Trung ương Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.470 ĐVTN.

Ngoài ra, BTV Tỉnh đoàn còn tạo điều kiện để TNNT được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo và tạo việc làm cho thanh niên. Bằng những giải pháp đồng bộ quyết liệt, vấn đề giải quyết việc làm cho TNNT đã được cải thiện đôi chút. Từ con số 55% TNNT thiếu việc làm, thất nghiệp năm 2014 thì đến năm 2015 đã giảm xuống còn 40%. Tuy nhiên, so với các tỉnh thành khác trên cả nước thì đây vẫn là con số không hề nhỏ.

Chú trọng đào tạo nghề

Cũng theo anh Duyên, để tạo việc làm và giảm bớt tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cho TNNT trong thời gian tới, BTV Tỉnh đoàn tăng cường công tác tuyên truyền trong ĐVTN các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giải quyết việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động để thanh niên biết và chọn lựa ngành nghề phù hợp; tăng cường các hoạt động hướng dẫn, xây dựng mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế và các hoạt động hỗ trợ, trang bị kiến thức cho TNNT làm ăn xa.

Định hướng đào tạo nghề ngay từ khi còn học phổ thông chính là giải pháp cần làm ngay để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên nông thôn.
Định hướng đào tạo nghề ngay từ khi còn học phổ thông chính là giải pháp cần làm ngay để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên nông thôn.

Các đơn vị chức năng tuyển chọn thanh niên có đủ năng lực và điều kiện để giới thiệu cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; chủ động, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức để cung ứng các dịch vụ lao động cho người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn sẽ tạo mọi điều kiện để thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp; hỗ trợ thanh niên thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn, cũng như tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh.

Chị Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh cho biết, giải pháp giảm bớt tình trạng thất nghiệp và tạo việc làm cho TNNT là tổ chức các lớp dạy nghề có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Hằng năm, Trung tâm phối hợp giải quyết cho hàng trăm thanh niên đi xuất khẩu lao động nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.

Trong khi đó, các thị trường lao động ổn định, thu nhập cao chỉ tuyển dụng lao động có tay nghề. Chính vì vậy, Trung tâm đã phối hợp với các trường đào tạo nghề có uy tín trong nước tăng cường mở các lớp đào tạo nghề chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động quốc tế. 

Hiện nay, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra khá phổ biến. Trên website của Sàn giao dịch việc làm tỉnh, số thanh niên có bằng cao đẳng, đại học có nhu cầu đăng ký tìm việc làm rất nhiều, trong khi doanh nghiệp lại chủ yếu tuyển dụng những lao động có tay nghề. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng không tìm được việc làm, nhiều người còn phải làm trái ngành, trái nghề cũng xuất phát từ thực tế này.

Trong thời gian tới, để tháo gỡ những tồn tại, giải quyết vấn đề đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên, tỉnh cần có kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; có chính sách hỗ trợ người học nghề; hình thành quỹ hỗ trợ học nghề. Đặc biệt, ngành GD-ĐT cần tập trung phân luồng học sinh, nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề...

Lan Chi