.

TP Đồng Hới: Nỗi lo thừa nam, thiếu nữ

Thứ Năm, 04/02/2016, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ TP Đồng Hới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vẫn đang ở mức cao, thực trạng này nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, nhất là tình trạng thừa nam, thiếu nữ...

Theo báo cáo thống kê của Trung tâm Dân số- KHHGĐ Đồng Hới, trong những năm gần đây, mức chênh lệch giới tính của thành phố Đồng Hới vẫn còn khá cao. Cụ thể, năm 2012 là 138 bé trai/100 bé gái; năm 2013 là 103 bé trai/100 bé gái; năm 2014 là 113 bé trai/100 bé gái và năm 2015 giảm xuống còn 112 bé trai/ 100 bé gái.

Năm 2015, nhiều xã phường trên địa bàn thành phố có tỷ lệ MCBGTKS ở mức báo động như phường Hải Thành và xã Đức Ninh là 137 nam/100 nữ; phường Đồng Sơn 135 nam/100 nữ; phường Bắc Lý 128 nam/100 nữ... Việc lựa chọn giới tính thai nhi hiện nay đã khiến không ít sản phụ, gia đình áp dụng biện pháp nạo phá thai sau khi biết được giới tính thai nhi. Nhiều cặp vợ chồng đã áp dụng đủ mọi cách để có được giới tính đứa con như mong muốn từ áp dụng chế độ ăn uống, chọn thời điểm thụ thai cho tới áp dụng theo những thông tin có trên mạng Internet...

Tới thăm Trường tiểu học Bắc Lý (Đồng Hới), năm học 2015- 2016, toàn trường có 375 em thì chỉ có 161 là học sinh nữ, số học sinh nam gấp 2,3 lần số học sinh nữ của trường. Lớp 1A, cô giáo Trương Thị Vĩnh Hạnh chủ nhiệm, sỹ số của lớp là 27 em nhưng chỉ có 7 em là nữ; lớp 3B có 24 em thì chỉ có 8 em là nữ...

 Bé trai vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn bé gái ở hầu hết các trường tiểu học, mẫu giáo trên địa bàn thành phố.
Bé trai vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn bé gái ở hầu hết các trường tiểu học, mẫu giáo trên địa bàn thành phố.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì một lớp học có từ 25 đến 30 em học sinh nhưng lớp nhiều học sinh nữ nhất cũng chỉ dừng lại 16 em. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà hiện nay ở nhiều trường học, cấp học toàn thành phố, tỷ lệ học sinh nam vẫn chiếm phần lớn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng Nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân. Trong khi đó, do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con nhưng các cặp vợ chồng mong muốn trong số đó nhất thiết phải có con trai vì vậy đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính.

Mặt khác, do chế độ an sinh chưa bảo đảm, hiện nay có khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu, bảo hiểm tuổi già, tâm lý của họ là cần con trai để phụng dưỡng, chăm sóc. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai vì họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai.

Mặt khác, những gia đình có kinh tế khá giả, những phụ nữ có trình độ học vấn cao, có mức sinh thấp hơn so với các đối tượng khác, những phụ nữ này ít nhiều đã biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai và chủ động điều chỉnh số con mong muốn, có điều kiện kinh tế tốt hơn để có thể lựa chọn giới tính trước sinh và họ thỏa mãn được cả hai mục tiêu: quy mô gia đình nhỏ và có con trai.

Từ thực tế trên có thể thấy rằng:  Mục đích và lợi ích khi có con trai của từng gia đình có thể đạt được nhưng dưới góc độ xã hội thì đó là vấn đề đáng báo động, có thể gây ra những hệ lụy xã hội về lâu về dài như tình trạng thừa nam, thiếu nữ; nguy cơ gia tăng dân số khi tình trạng sinh con thứ 3 để có con trai...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, cụ thể là nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục đến các đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn giới tính khi sinh nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình và những người cung cấp dịch vụ có liên quan.

Mặt khác, cần kết hợp giáo dục về giới và bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường và xã hội, cung cấp các kiến thức cơ bản, phân tích những hệ lụy của MCBGTKS vào chương trình học chính khóa của các môn học như môn sinh học và giáo dục công nhân cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, hệ thống các trường đại học, cao đẳng...

Đặc biệt, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi, cụ thể như nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên y tế và người có liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn giới tính, tăng cường công tác kiềm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm về quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, có như vậy mới có thể dần điều chỉnh cân bằng giới tính trong tương lai theo đúng quy luật tự nhiên.

Thanh Hoa