.

Những vị khách đặc biệt

Thứ Ba, 09/02/2016, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Rời xa quê hương và cuộc sống sung túc, Haward Limber, Deb Limber, Jamie Lynn McNulty đã quyết định chọn vùng đất Sơn Trạch (Bố Trạch) để tiếp tục theo đuổi đam mê. Ngoài tình yêu dành cho hang động, suốt thời gian dài gắn bó, với họ tình yêu ấy còn dành cho con người và nét văn hóa độc đáo nơi đây.

Gắn bó vì yêu con người, thiên nhiên

Năm 1990, ông Haward Limber (SN 1957) và bà Deb Limber (SN 1959), quốc tịch Anh đã cùng Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh  lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất Sơn Trạch để tiến hành khám phá hệ thống hang động Phong Nha. Sau 25 năm, cũng tại vùng đất này, vợ chồng ông bà đã chia sẻ rằng: Quảng Bình dường như là vùng đất đầy duyên nợ, là quê hương thứ hai đối với ông bà. Thật khó có thể tin được, vì niềm đam mê lớn đó mà vợ chồng bà đã quyết định từ bỏ nghề nghiệp ổn định trong một bệnh viện ở Anh để đến và rong ruổi trong những cánh rừng mưa nhiệt đới ở Phong Nha.

Vợ chồng ông Haward Limber và Debora Limber.
Vợ chồng ông Haward Limber và Debora Limber.

Bà Ded kể: Trong chuyến đầu tiên đến vùng đất này, vợ chồng bà đã chứng kiến cuộc sống hết sức khó khăn của những người dân địa phương. Cả xã chỉ có một nhà xây tường, còn lại đều là nhà tranh. Vì lòng mến khách của người dân, ông bà đã được mời nghỉ lại trong ngôi nhà khang trang nhất xã. Dù nghèo khó, vất vả nhưng những người dân xã Sơn Trạch vẫn luôn vui vẻ và dành tình cảm đặc biệt với vợ chồng bà. Sau mỗi chuyến hành trình thám hiểm hang động, ấn tượng sâu sắc để lại trong vợ chồng bà không chỉ là những khối thạch nhũ tuyệt đẹp, là những hang động tráng lệ, hùng vĩ mà còn là hình ảnh về những con người nơi đây.

Có lẽ, chính tình cảm chân thật, lòng mến khách của họ đã có sức mạnh níu giữ vợ chồng bà mỗi khi đặt chân đến. Bởi vậy mà sau mỗi chuyến trở về nước, nỗi nhớ mong về vùng đất này luôn thôi thúc ông bà quay trở lại và mong muốn được làm điều gì đó để có thể giúp đỡ những người dân địa phương thay đổi cuộc sống nghèo khó của mình.

Và rồi, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới. Để tiếp tục thực hiện niềm đam mê và có cơ hội giúp những người dân khai thác tốt tiềm năng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 2012 vợ chồng bà đã nhận lời vào làm cho Công ty Oxalis. Suốt 25 năm, chứng kiến biết bao đổi thay của vùng đất này, vợ chồng ông bà cảm thấy vui vì đã làm được điều mình mong muốn cho vùng đất mà ông bà đã dành nhiều tình cảm.

Jamie Lynn McNulty (bên phải) trong chuyến thám hiểm hang động.
Jamie Lynn McNulty (bên phải) trong chuyến thám hiểm hang động.

Cũng với niềm đam mê hang động, Jamie Lynn McNulty (SN 1985), quốc tịch Mỹ, đã phải lòng vùng đất Quảng Bình đến đây. Năm 2008, Jamie cùng gia đình của mình đến Việt Nam để du lịch, tuy nhiên, chuyến du lịch này vẫn chưa để lại ấn tượng mạnh cho cô sinh viên người Mỹ.

Phải đến năm 2014, khi quay trở lại đất nước Việt Nam, theo lời giới thiệu của bạn bè, Jamie đã chọn vùng đất Quảng Bình để khám phá. Điều khiến Jamie vui mừng là khi cô được chọn đi thám hiểm trong tour du lịch thử nghiệm đầu tiên “chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới”, được tổ chức vào đầu năm 2014. Sau chuyến đi thám hiểm dài ngày vào hang, Jamie và những người khách được người dân địa phương tiếp đãi rất nồng hậu. Thấy sự tình cảm và thân thiện của người dân trong vùng dành cho mình, Jamie dường như bị chinh phục hoàn toàn. Và đó cũng chính là lý do để Jamie quyết định nghỉ việc ở Lasvegas sang làm kinh doanh cho Công ty Oxalis. Công việc chính của cô là trả lời tin nhắn và giới thiệu về vẻ đẹp của vùng đất Quảng Bình cho bạn bè trên thế giới. Jamie hào hứng cho biết, với mỗi khách hàng, cô đều tự tin nói rằng: “Vẻ đẹp của những hang động Phong Nha - Kẻ Bàng là duy nhất trên thế giới”. Tình cảm của cô dành cho vùng đất Quảng Bình lại càng thêm gắn chặt khi cô quyết định chọn một anh chàng người Việt cũng làm trong công ty để gửi gắm cuộc đời.  

...Và văn hóa Tết cổ truyền độc đáo

Với Haward Limber, Debora Limber, Jamie Lynn McNulty, Quảng Bình đặc biệt với họ không chỉ là vùng đất có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, con người thân thiện, cần cù, chịu khó mà còn đặc biệt bởi văn hóa Tết cổ truyền độc đáo nơi đây. Gắn bó với vùng đất Quảng Bình trong 25 năm, nhưng đến năm 2013, vợ chồng ông Haward Limber mới được đón cái Tết cổ truyền với người dân địa phương. “Thật tuyệt vời”, đó là cảm giác của vợ chồng ông bà khi chia sẻ với chúng tôi về không khí Tết cổ truyền Việt Nam. Với ông bà, 3 lần được đón Tết ở Quảng Bình là cả 3 lần đều có chung cảm xúc tuyệt vời. Khác với không khí đón chào năm mới ở quê hương là mọi người thường ở nhà và quây quần bên gia đình của mình, thì Tết ở Việt mọi người lại quan tâm, đi thăm hỏi, chúc Tết nhau nhiều hơn.

Bà Deb cười tươi và hạnh phúc khi kể lại rằng, rất nhiều người dân địa phương đã mời vợ chồng bà đến ăn Tết với họ. Mồng 1 Tết, bà đã đến thăm và chúc Tết 10 gia đình bạn bè. Ngạc nhiên vì ngày Tết, gia đình nào cũng hào phóng hơn thường ngày, họ mời vợ chồng bà ăn các món như: bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, thịt gà, bò khô. Đây đều là những món bà rất thích nên bà đã ăn rất nhiều, và bà cũng chia sẻ mong muốn một ngày nào đó sẽ được một người bạn trong vùng mời đến để có thể tự tay gói những chiếc bánh chưng.

Bà Debora Limber trong trang phục áo dài đến dự đám cưới của một người bạn.
Bà Debora Limber trong trang phục áo dài đến dự đám cưới của một người bạn.

Ngoài không khí Tết ấm cúng với hoa đào, hoa mai, bánh chưng, điều khiến vợ chồng bà thấy thú vị hơn là phong tục lì xì đầu năm. Bà đã nhớ rất rõ khi đến thăm Tết gia đình người bạn là ông Hồ Khanh, vợ chồng bà đã được ông Hồ Khanh đưa cho 2 phong bao lì xì màu đỏ kèm theo những lời chúc tốt đẹp đến với vợ chồng bà. Dù giá trị số tiền trong mỗi phong bao không là bao nhưng nó đã khiến cho ông Limber và bà Deb cảm thấy vui sướng và hạnh phúc rất nhiều. Để đáp lại tình cảm đó, những lần đón Tết sau, khi đến chơi ông bà cũng đều chuẩn bị những phong bao lì xì để tặng lại cho mọi người.

Với Jamie, Tết Việt đem đến cho cô những trải nghiệm vô cùng thú vị nhưng cũng không ít tình huống bi hài. Chuyến trải nghiệm hang Sơn Đoòng đầu tiên của cô trùng với Tết cổ truyền của người dân địa phương. Chính vì vậy, cô và nhiều vị khách nước ngoài được người dân mời đến đón Tết cùng với gia đình họ. Jamie cũng được mời rất nhiều món ăn đặc trưng trong ngày Tết và món rượu gạo của người dân trong vùng. Xúc động trước tình cảm mến khách và sự chào đón nồng nhiệt của người dân cô đã uống rất nhiều rượu, và kết quả là cô đã bị say. Thế nhưng, với cô đó là sự trải nghiệm thật tuyệt vời.

Chính nhờ lần đón Tết đầu tiên đó, cô đã khám phá ra những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây và những món ăn đặc biệt chỉ có ngày Tết mới có như mứt gừng, bánh chưng, hạt dưa. Sau khi đón Tết ở Quảng Bình cô đã không quên mua những gói mứt gừng, món ăn cô đặc biệt yêu thích để mang về giới thiệu với bạn bè và gia đình ở Lasvegas.

Đoàn Nguyệt