.

Nâng bước từ tâm

Thứ Năm, 11/02/2016, 12:24 [GMT+7]

(QBĐT) - "Có chi đáng để viết đâu. Họ cần giúp đỡ, mình có điều kiện thì mình giúp thôi. Đúng là có lúc họ lầm lỡ, họ "vấp ngã", nhưng sau một thời gian được giáo dục, cải tạo, họ đã nhận thức được điều phải trái. Và trên hết, trong con người họ vẫn luôn cháy bỏng niềm khát khao được phục thiện". Với cái nhìn bao dung và vị tha đó, suốt 3 năm nay anh Đặng Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Đại Thành An đã cưu mang khá nhiều số phận lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Thọ là một doanh nhân "trẻ". Nói trẻ là vì dù đã 42 tuổi, nhưng anh mới bước chân vào chốn "thương trường" khốc liệt chỉ mới tròn 5 năm. Anh vốn có gần 20 năm công tác trong ngành kho bạc. Thế rồi năm 2011 anh quyết định nghỉ việc nhà nước ra thành lập Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Đại Thành An, để sau đó, nơi đây trở thành địa chỉ "đỡ đầu" cho những phạm nhân mãn hạn tù trên hành trình tái hòa nhập với cộng đồng.

Tôi đã có dịp gặp gỡ, chuyện trò với nhiều phạm nhân với đủ tội danh ở Trại giam Đồng Sơn. Không biết trước đây, lúc phạm tội, họ hung hăng, dữ tợn đến mức nào, nhưng sau một thời gian được giáo dục, cải tạo, giờ đây, họ đáng được đồng cảm, sẻ chia. Thâm niên mấy chục năm trong nghề quản giáo, Đại tá Hoàng Quốc Trị, Giám thị Trại giam Đồng Sơn nói với tôi rằng, với họ, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, xã hội cần và nên có cách nhìn khác, bởi chính sự bao dung của mọi người sẽ giúp họ phục thiện.

Thế nhưng với anh Thọ, không phải những con người cần được bao dung mới tìm đến anh, mà chính anh đã tìm đến họ, với một niềm tin gần như tuyệt đối vào sự hướng thiện của con người. Anh bảo rằng, phải tin tưởng thực sự mới giúp họ thay đổi và hướng thiện. Niềm tin ấy trong anh không phải là điều gì khác mà chính là lòng vị tha. “Là con người, ai cũng có mặt hạn chế, khuyết điểm, ai cũng có điểm tốt cần khích lệ. Điều cơ bản là phải nhìn thấy được điểm tốt đó để động viên, khuyến khích họ tự thân phấn đấu vươn lên”.

Chính niềm tin đó đã khiến anh mở lòng đón nhận họ. Anh kể, cơ duyên dẫn anh đến với những con người lầm lỡ ấy chính là trong quá trình làm việc, công ty anh có nhận được một số công trình xây dựng ở Trại giam Đồng Sơn. Qua những lần tiếp xúc, chuyện trò và quan sát với những phạm nhân nơi đây, trong anh dần có những suy nghĩ khác về họ. Dường như, sau khi được giáo dục, cải tạo, trong nhận thức và suy nghĩ họ đã có ít nhiều thay đổi. Họ đã va vấp. Họ đã gục ngã. Và họ phải trả giá. Nhưng, thẳm sâu trong con người họ vẫn hằng khao khát được làm lại cuộc đời, ao ước có được cuộc sống bình thường như bao người khác.

Nếu họ biết phấn đấu vươn lên bằng chính nghị lực và ý chí hoàn lương của mình thì tại sao chúng ta không cho họ một cơ hội. Hãy trao cho họ một cơ hội,  bản thân họ sẽ tự thay đổi được mình. Chính lẽ đó, năm 2013 anh đã chủ động đặt vấn đề với Trại để xin nhận phạm nhân vào làm việc tại công ty của mình. Năm 2013, anh nhận 15 phạm nhân. Năm 2014 và 2015, mỗi năm anh nhận 10 người. Không phụ lòng anh, những con người đó đã "đứng dậy" vững vàng trên chính đôi chân của mình.

Anh Đặng Quang Thọ ký hợp đồng lao động với các phạm nhân được đặc xá năm 2015.
Anh Đặng Quang Thọ ký hợp đồng lao động với các phạm nhân được đặc xá năm 2015.

Trần Xuân H. ở TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), kể cho tôi nghe câu chuyện về những ân tình giữa H. và anh Đặng Quang Thọ bằng giọng xúc động và biết ơn. H. tâm sự, đây không phải là lần đầu tiên H. "lạc bước". Mỗi lần vấp ngã là một lần H sống trong mặc cảm đau đớn và tuyệt vọng. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Ma lực đồng tiền đã một lần nữa đẩy H. vào tù với mức án 8 năm tù giam về tội "buôn bán trái phép chất ma túy". Và rồi thêm lần nữa, H. tự hứa, tự hạ quyết tâm để làm lại cuộc đời, thầm mong chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho gia đình và xã hội. Năm 2014, H. được ra tù. Thế nhưng, nỗi lo lắng, trăn trở cho ngày trở về khiến cho H. chùn bước. Suốt đêm đó, H. gần như thức trắng. Những câu hỏi luẩn quẩn cứ giằng xé trong lòng, nếu trở về xã hội thì mình sẽ bắt nhịp với cuộc sống từ đâu? Rồi cả những dèm pha, dè bỉu của bạn bè, của hàng xóm, những mặc cảm tội lỗi mà mình đã gây ra cho gia đình và xã hội? Mọi người có quay lưlại với mình không?

Thế rồi, số phận đẩy đưa H. gặp anh Thọ ngay trong ngày đầu trở về với cuộc sống. Vừa ra khỏi trại, H. được anh Thọ dẫn về nhà và nhận vào làm việc tại công ty. H. tâm sự, ngày hôm trước ra trại, ngày hôm sau H. được anh Thọ giao cho trông coi, quản lý kho vật liệu xây dựng có giá trị hàng tỷ đồng của công ty. “Với một phạm nhân, một người đã có nhiều lầm lỗi như mình thì đó không phải là chuyện "bình thường" đâu”. Chính sự nâng đỡ từ những ngày đầu trở về với cuộc sống của anh Thọ đã giúp H. có thêm động lực và hi vọng làm lại cuộc đời. Hơn một năm sống và làm việc trong sự nâng đỡ, bao dung của anh Thọ, H. thấy cuộc sống thật thoải mái. Những mặc cảm tội lỗi trong H. dần nguôi ngoai.    

Đầu năm 2015, H. quyết định trở về quê hương để tự lập xây dựng cuộc sống cho riêng mình. H. muốn bắt đầu từ chính những gì mình đã có. Đến nay, H. đã có một cơ sở mộc mỹ nghệ riêng của mình. Cũng phải nói thêm rằng, trước khi phạm tội, H đã là một thợ mộc lành nghề. Đại tá Hoàng Quốc Trị, Giám thị Trại giam Đồng Sơn xác nhận với tôi rằng, trong thời gian cải tạo, H. đã làm ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ bằng đá và gỗ rất đẹp. H tâm sự "Nếu ngay từ những ngày đầu ra khỏi trại, không có anh Thọ chắc mình không có nền tảng như ngày hôm nay. Sự giúp đỡ đó không thuần túy là chỉ là công việc và thu nhập để nuôi sống bản thân, mà còn là cứu cánh cho tinh thần và niềm tin vào cuộc sống". Thế nên, cho dù ở đâu và làm gì, H. luôn xem anh Thọ như một người anh của mình vậy.

Chẳng riêng gì H. tại công trình xây dựng chợ xã Bảo Ninh do công ty anh Thọ thi công, tôi được gặp và trò chuyện với Trần V Ph. ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn. Ph. sinh năm 1996, đang học lớp 12 thì phạm tội "trộm cắp tài sản" bị bắt, rồi đi tù. Ph. thật thà kể, nhà Ph. có 3 chị em, Ph. là con út. Gia đình nghèo, bố Ph. lại đang ốm nặng. Vừa mới ra tù, Ph. được anh Thọ nhận vào làm việc ở đây. Không kể thời gian ở tù, thì đây là lần đầu tiên Ph. sống xa nhà, xa bố mẹ. Nhưng từ khi được anh Thọ tạo điều kiện cho công ăn việc làm, Ph. thấy đỡ nhớ nhà hơn. Ph. vui vẻ kể, "tháng vừa rồi em được nhận hơn 5 triệu đồng tiền lương. Đó là công sức lao động, là đồng tiền đầu tiên trong đời em làm được một cách chân chính. Em có gửi một ít về nhà phụ giúp mẹ chăm sóc bố. Trong tương lai, em muốn được đi học một nghề nào đó, để ổn định cuộc sống sau này". Anh Thọ cho hay, do tuổi trẻ nông nổi và bồng bột, ham chơi theo bạn bè làm điều bậy bạ, chứ thằng nhỏ hiền và thật thà lắm. Anh dự định sẽ cho nó đi học lái máy công trình để về phục vụ cho công ty luôn. Tôi bảo, nếu biết được điều này, thì chắc chắn không chỉ Ph, mà cả gia đình Ph. khó mà diễn tả được niềm hạnh phúc và vui sướng của họ...

Có ai đó từng nói rằng, khát vọng mà không được hướng dẫn thì phần lớn chỉ là sự điên cuồng. Với những con người tôi từng gặp, những câu chuyện tôi từng nghe, thì có lẽ, sự "đỡ đầu" ấy, giống như một cái gạch nối, chẳng những "tiếp bước" cho niềm tin hướng thiện, mà còn góp phần xóa đi khoảng cách vô hình giữa cộng đồng và những con người lầm lỡ. Nói như Đại tá Hoàng Quốc Trị, đó còn là một nghĩa cử đầy tính nhân văn sâu sắc.

Dương Công Hợp