.

Khi Quảng Bình là "quê hương thứ hai"

Thứ Sáu, 12/02/2016, 10:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày giáp Tết, Quảng Bình nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Khắp nơi náo nhiệt, tưng bừng với những cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ. Người người, nhà nhà đi sắm Tết. Chút se lạnh của tiết trời như càng khiến lòng người nôn nao, chờ đợi phút xuân về. Đối với những người ngoại quốc đang làm dâu, rể Quảng Bình, Tết Nguyên đán lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Không sinh ra, lớn lên ở Quảng Bình nhưng với những con người ấy, mảnh đất “gió Lào cát trắng” từ lâu đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Và Tết Nguyên đán cũng là dịp được các dâu, rể Tây đón chờ nhất trong năm.

“Yêu Quảng Bình hơn vì... “một nửa” của mình”

Đó là lời bộc bạch chân thành của anh Gable Daniel (29 tuổi, quốc tịch Hà Lan) khi tâm sự với chúng tôi về cơ duyên khiến anh có tình cảm đặc biệt với mảnh đất xứ Quảng. Năm 2013, Daniel đến Quảng Bình tham gia giảng dạy tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ Asemlink và tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Hồng Kỷ (26 tuổi, ở Đồng Sơn, TP. Đồng Hới).

 Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của Gable Daniel.
Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của Gable Daniel.

Gương mặt xinh xắn, vẻ năng động, tự tin cùng sự cởi mở, thân thiện của người con gái Quảng Bình nhanh chóng thu hút chàng trai ngoại quốc vốn vì yêu mến con người và vùng đất lắm nắng gió này mà lặn lội gần nửa vòng trái đất đến đây lập nghiệp.

Tình yêu đến với họ nhanh chóng và hai con người ở hai đất nước với nhiều sự khác biệt về văn hóa đã cùng hòa nhịp trái tim để chung tay xây dựng tổ ấm. Hiện tại họ đã có với nhau cậu con trai 14 tháng tuổi bụ bẫm, đáng yêu.

“Mình vốn yêu Việt Nam, yêu Quảng Bình khi tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khoảng thời gian sống ở đây đã chứng minh cảm nhận của mình là đúng. Và khi được làm rể Quảng Bình, tình yêu ấy ngày càng lớn hơn”. Với chàng trai người Hà Lan ấy, giờ đây, động lực để anh ở lại Việt Nam, ở lại Quảng Bình mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tám năm sống ở Quảng Bình trong đó có sáu năm làm rể mảnh đất gió Lào cát trắng cũng đã kết tinh, bồi đắp cho Benjamin Joseph Mitchell (41 tuổi, quốc tịch Australia) những tình cảm hết sức sâu nặng với dải đất hẹp nhất của Việt Nam này. Mối duyên với cô gái ở thôn Hòa Sơn, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), chị Lê Thị Bích (SN 1981)  chính là “cầu nối” để chàng trai Australia và gắn bó với Quảng Bình.

“Quảng Bình trong lòng tôi là cuộc sống thanh bình, yên ả, là những con người mộc mạc, chân chất. Tôi yêu những con đường, dòng sông đặc biệt là những thắng cảnh của mảnh đất này”, Benjamin bộc bạch. Và có lẽ vì tình yêu đó mà anh đã không ngần ngại từ bỏ công việc của một kỹ sư giám sát xây dựng với mức lương hậu hĩnh để bỏ ra gần 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu du lịch Phong Nha Farmstay, một địa điểm thu hút khách du lịch nước ngoài hiện nay khi đến với Phong Nha-Kẻ Bàng.

Tình yêu với “một nửa” của cuộc đời chính là “chất keo” gắn kết bền chặt hơn những con người vốn xa lạ với mảnh đất gió Lào cát trắng. Với Lena Polyanska (SN 1969), người phụ nữ Ukraine gần 17 năm làm dâu Quảng Bình cũng thế. Gặp chị, chúng tôi cứ bị ấn tượng mãi vì sự cởi mở, hài hước và chất giọng “đặc sệt” Quảng Bình. Qua cuộc trò chuyện với nàng dâu Tây đậm chất Việt ấy, chúng tôi càng cảm phục hơn về sự hết mình vì tình yêu, vì gia đình của chị.

Năm 1994, chị gặp anh Nguyễn Đức Toàn (SN 1969, ở Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) khi đó sang xuất khẩu lao động tại Ukraine. Anh trai Lena vốn là quản đốc ở phân xưởng anh Toàn làm việc nên hai người có nhiều dịp gặp nhau. Thế rồi chàng trai Việt và cô gái Ukraine phải lòng nhau lúc nào không hay. Nhưng chuyện tình yêu của họ lại vấp phải sự phản đối của gia đình hai bên vì sợ sự khác biệt về lối sống, phong tục sẽ khó được dung hòa trong cuộc sống.

Vượt qua mọi rào cản, Lena và Đức Toàn đã thuyết phục được gia đình và chính thức nên duyên vợ chồng vào năm 1997. “Lấy chồng thì phải theo chồng. Tôi chấp nhận xa quê hương, xa gia đình, bạn bè để về Quảng Bình với anh Toàn. Thời gian đầu tôi nhớ nhà kinh khủng nhưng nhờ sự quan tâm, yêu thương của gia đình chồng nên tôi cũng dần nguôi ngoai. Đến giờ, sau gần 17 năm làm dâu Quảng Bình, tôi thực sự xem đây là quê hương thứ hai của mình. Đi đâu xa là thấy nhớ Quảng Bình da diết”, Lena háo hức chia sẻ.

Và yêu cái Tết của đoàn tụ, sum vầy

Sống gắn bó và xem Quảng Bình là quê hương thứ hai của mình nên với những chàng rể, nàng dâu Tây, Tết Nguyên đán của người Việt cũng có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với họ. Chẳng thế mà dù đã trải qua 16 cái tết trở thành dâu Quảng Bình nhưng chị Lena Polyanska vẫn còn nguyên cảm xúc háo hức, chờ đợi như ngày đầu mới đặt chân lên mảnh đất này.

“Còn nhớ Tết đầu tiên về làm dâu nhà anh Toàn tôi cứ lóng nga lóng ngóng chẳng biết làm gì, cứ lẽo đẽo theo sau mẹ chồng để bà hướng dẫn. Mặc dù vậy, sự ấm áp, thân tình mà mọi người dành cho nhau đã xua tan những bối rối, lạ lẫm trong tôi. Giờ thì tôi thành thạo như mọi cô dâu Việt rồi”, Lena cười chia sẻ.

Với chị, tết Việt thiêng liêng nhất là đêm giao thừa: “Ở nhà chồng tôi, đêm giao thừa là mọi thành viên trong gia đình phải có mặt đầy đủ. Tôi và mẹ chồng cùng làm gà, nấu bánh chưng để cúng gia tiên. Anh Toàn và bố chồng thì sắp đặt bàn thờ tổ tiên, trang trí nhà cửa. Bọn trẻ dù có buồn ngủ cũng cố gắng thức đợi để đón giờ khắc chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm cùng cả nhà. Sau những ngày tháng vất vả vì cuộc sống mưu sinh, với tôi, đây là giờ khắc thiêng liêng, ấm áp nhất không gì đánh đổi được”.

Tết Nguyên đán trong lòng chàng trai Hà Lan Gable Daniel cũng có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp anh háo hức, mong chờ nhất trong năm. Đã 3 cái tết trở thành con rể Quảng Bình, chàng trai người Hà Lan cảm thấy vô cùng mãn nguyện vì những gì mình đang có.

Vợ chồng Lena Polyanska chụp ảnh cùng bố mẹ chồng và hai con.
Vợ chồng Lena Polyanska chụp ảnh cùng bố mẹ chồng và hai con.

Mỗi Tết Nguyên đán qua đi, Daniel lại khám phá ra nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Theo Daniel, ấn tượng đầu tiên và khó phai nhất về Tết cổ truyền Việt Nam chính là không khí đoàn viên đầm ấm mỗi dịp xuân về của gia đình Việt mà nay anh đã là một thành viên.

“Tết Việt Nam rất vui, rất ý nghĩa. Chúng tôi được nghỉ để đi thăm bạn bè, nấu những món ăn cổ truyền của người Việt, tặng tiền lì xì cho trẻ em. Tôi thích tết Việt vì chú trọng nhiều đến gia đình. Ở phương Tây, người ta thường dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn”, anh bộc bạch. Cả năm bận rộn đây là dịp để Daniel vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình bằng những việc làm nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa như dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chở vợ đi sắm tết, phụ bố mẹ vợ gói bánh chưng...

Thích thú, háo hức chờ đợi dường như là cảm xúc chung của những chàng rể, nàng dâu ngoại quốc đối với Tết Nguyên đán của Việt Nam bởi họ hiểu rằng đây chính là thời điểm mà người nước ngoài có thể thấy truyền thống Việt Nam qua nhiều góc cạnh khác nhau như ẩm thực, văn hóa ứng xử, các lễ hội đậm đà bản sắc.

Có cơ hội đến nhiều đất nước, tham dự các lễ hội ở nhiều nơi nhưng Benjamin Joseph Mitchell vẫn cảm nhận được sự độc đáo riêng có của Tết Việt. Chàng trai Australia rất thích những món ăn truyền thống của ngày tết đặc biệt là món bánh chưng và yêu những khoảnh khắc đoàn viên, sum vầy, những tình cảm thân thương mà người Việt dành cho nhau.

“Mỗi dịp Tết đến, người Việt Nam thiết tha trở về sum họp với gia đình, báo hiếu cha mẹ, tri ân tổ tiên, nguồn cội. Đó cũng là dịp những người vợ, người mẹ trổ tài vén khéo, đức chịu  thương chịu khó, hết lòng chăm sóc gia đình. Đây thực sự là điều đáng quý mà không phải quốc gia nào cũng có được”, Benjamin chia sẻ.

Hoa đào, bánh chưng, phong bao mừng tuổi, lời chúc tốt lành... không chỉ là hình ảnh thiêng liêng trong trái tim người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về. Những nét văn hoá truyền thống trong Tết cổ truyền Việt Nam còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những chàng rể, nàng dâu Tây để rồi nó bồi đắp thêm cho tình yêu “quê hương thứ hai” của họ ngày càng sâu nặng.

Đào Vân