.

Xoá đói giảm nghèo từ ngành nghề nông thôn

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngành nghề nông thôn (NNNT) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho một lực lượng lao động lớn ở địa phương, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị sản xuất NNNT toàn tỉnh năm 2015 ước đạt 4.186 tỷ đồng, tăng 517 tỷ đồng so với năm 2014. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của lĩnh vực NNNT đạt 14,5%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 24.000 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực NNNT; trong đó có 683 doanh nghiệp, 120 HTX và trên 23.000 hộ kinh doanh cá thể. Tổng số lao động thường xuyên và thời vụ hoạt động sản xuất NNNT cho đến thời điểm này khoảng 56.000 người, tăng 4.600 người so với năm 2014. NNNT trên địa bàn tỉnh hiện được phân theo 7 nhóm gồm: chế biến và bảo quản nông-lâm-thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may và cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Trong 7 nhóm ngành hàng, nhóm xây dựng, vận tải được xem là nhóm chủ lực, có giá trị sản xuất chiếm 70% tổng giá trị NNNT toàn tỉnh.

Sản phẩm NNNT phục vụ sản xuất nông nghiệp được bày bán tại chợ Ba Đồn.
Sản phẩm NNNT phục vụ sản xuất nông nghiệp được bày bán tại chợ Ba Đồn.

Một trong số sản phẩm NNNT được xem là thương hiệu của quê hương Quảng Bình đó là khoai deo và đây cũng là nghề phát triển tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Bình quân mỗi năm, xã Hải Ninh xuất ra thị trường khoảng 20 tấn khoai deo thành phẩm, tương đương với 80 tấn khoai lang tươi. Nguyên liệu sản xuất khoai deo chủ yếu là do bà con trồng tại địa phương, số còn lại được thu mua từ các vùng phụ cận. Sản phẩm khoai gieo ngoài được bày bán tại chợ Đồng Hới, các siêu thị và điểm du lịch còn tham gia nhiều hội chợ được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Khoai deo Hải Ninh còn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đạt tiêu chí năm 2014 và hiện nay thôn Tân Định, xã Hải Ninh cũng đã được Hội đồng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh công nhận đạt danh hiệu làng nghề năm 2015. Toàn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch có 600 hộ tham gia nghề chế biến nước mắm truyền thống. Bình quân mỗi hộ sản xuất 1.000 lít nước mắm/năm, tương đương 10 tấn cá tươi. Với giá bán ra thị trường từ 30 đến 50.000 đồng/lít, tùy theo chất lượng sản phẩm, mỗi hộ có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.

Những con số nói trên đã chứng minh một thực tế NNNT thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề và làng nghề truyền thống, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho một lực lượng lao động lớn ở khu vực nông thôn. Các cơ sở NNNT ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của nhân dân trên địa bàn. Riêng lĩnh vực làng nghề và làng nghề truyền thống, giá trị năm 2015 ước đạt khoảng 156 tỷ đồng, tăng 47,6 tỷ đồng so với năm 2014. Các làng nghề và làng nghề truyền thống thu hút 6.883 hộ tham gia sản xuất, với trên 13.000 lao động; trong đó có 8.900 lao động thường xuyên và 4.100 lao động thời vụ.

Chúng tôi tìm về làng nghề sản xuất nón lá truyền thống Hạ Thôn (xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn), 1 trong 10 làng nghề truyền thống đạt tiêu chí và được biết nghề nón lá ở đây đã thu hút hút 850 hộ tham gia sản xuất, với 2.100 lao động. Bình quân mỗi năm, các hộ dân trong làng nghề sản xuất khoảng 1 triệu chiếc nón lá, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 26 triệu đồng/người/năm. Từ cách thức làm nón truyền thống ban đầu, người dân Hạ Thôn luôn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, nón lá Hạ Thôn ngày càng tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn như: Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Sản phẩm ruốc và nước mắm Nhân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sản phẩm ruốc và nước mắm Nhân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Khác với các địa phương sống ven biển khác, ngư dân xã Nhân Trạch chủ yếu khai thác thủy hải sản gần bờ. Đàn ông đi biển đánh cá, phụ nữ ở nhà chế biến thủy hải sản. Do vậy Nhân Trạch là địa phương có tỷ lệ hộ dân sống bằng nghề chế biến thủy hải sản rất cao. Bà Đinh Thị Huế, Chủ nhiệm HTX nước mắm Nhân Nam cho biết: HTX chế biến nước mắm Nhân Nam được thành lập vào năm 2011, với 20 thành viên tham gia. Những thành viên tham gia HTX phải tuân thủ những tiêu chí khá khắt khe trong công đoạn chế biến thủy hải sản để đưa ra thị trường những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có hương vị đặc trưng. Mỗi năm, HTX Nhân Nam sản xuất và tiêu thụ hàng nghìn lít nước mắm. Và một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thương hiệu nước mắm Nhân Trạch đó là các loại hải sản dùng để chế biến nước mắm, ruốc đều rất tươi và không qua công đoạn ướp đá. Nước mắm Nhân Nam là sự lựa chọn của rất nhiều du khách cũng như bà con xa xứ mỗi khi đến và về Quảng Bình. Ngoài ra, có thể kể đến làng nghề nón lá Quy Hậu (xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) thu hút 750 hộ tham gia, với 2.800 lao động; làng nghề sản xuất rượu Võ Xá (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) thu hút 700 hộ tham gia, với 800 lao động, tạo thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm; làng nghề sản xuất nón lá Mỹ Trạch (xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) thu hút 274 hộ, với 299 lao động; làng nghề chế biến bún bánh Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch), thu hút 155 hộ với 450 lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển NNNT tỉnh ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đó là phần lớn các cơ sở sản xuất đều ở dạng quy mô nhỏ, phát triển mang tính tự phát và còn sử dụng trang thiết bị lạc hậu. Hình thức, kiểu dáng chưa phong phú và đa dạng, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa chú trọng quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Hầu hết các cơ sở đầu gặp khó khăn về huy động các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. HTX mây xiên Quảng Phương là một trong những đơn vị khẳng định được vai trò của mình trong việc tìm kiếm nguyên liệu, tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các làng nghề. Thành lập từ năm 2006, được sự giúp đỡ của Trung tâm KC và XTTM tỉnh về hỗ trợ đào tạo nghề mây xiên xuất khẩu và cung cấp nguồn nguyên liệu ban đầu, trong những năm qua HTX mây xiên Quảng Phương đã duy trì và phát triển tốt nghề mây xiên ở địa phương. Hiện tại, các thành viên trong HTX đã sản xuất được trên 20 mặt hàng từ nguồn nguyên liệu song mây như: tích ủ trà, lọ hoa, khay đựng hoa quả và các sản phẩm đồ gia dụng khác. Các sản phẩm do HTX sản xuất đều được tiêu thụ hết với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên để mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng lao động, HTX lại đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư mà nguyên nhân là chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Do vậy, HTX phải từ chối nhiều đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài bởi không đủ khả năng đáp ứng số lượng sản phẩm được yêu cầu. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm NNNT hiện nay phần lớn là do chủ nhiệm HTX, các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề phải đảm nhận. Như vậy, việc tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm NNNT vẫn còn là bài toán khó, rất cần sự nỗ lực và vào cuộc của không những ngành công thương mà cả các ban, ngành, địa phương liên quan.  

Những năm qua, nhằm khuyến khích phát triển NNNT, Sở Công thương đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức công tác đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 8 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký gồm: rượu Tuy Lộc, rượu Võ Xá, khoai deo Hải Ninh, nước mắm Nhân Trạch, nước mắm Quy Đức, nước mắm Đồng Hới, mây xiên Quảng Phương và bánh mè xát Tân An. Trong số 8 nhãn hiệu này có 1 đơn vị đăng ký thương hiệu đó là HTX bánh mè xát làng nghề Tân An. Ngoài ra còn có một số nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký và đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét gồm: mật ong Tuyên Hoá, mật ong Minh Hoá, gạo tái sinh Lệ Thuỷ... Đặc biệt, đồng hành tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm NNNT và các làng nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, Sở Công thương đã tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ về trang thiết bị, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Và mới đây, Hội đồng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Quảng Bình năm 2015 cũng đã tổ chức cuộc họp và quyết định công nhận thêm 5 làng nghề đạt tiêu chí và tặng danh hiệu thợ giỏi cho 6 cá nhân. Như vậy, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 29 làng nghề và làng nghề truyền thống đạt tiêu chí. Đây là những tín hiệu vui làm cơ sở và nền tảng để thúc đẩy NNNT, các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển bền vững trong tương lai, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân ở khu vực nông thôn.

Hiền Chi