.

Dự báo sẽ có 5 triệu dân di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019

Thứ Ba, 08/12/2015, 21:25 [GMT+7]

Sáu tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã cùng nhau liên kết lại thành lập một mạng lưới hỗ trợ người lao động di cư tại khu vực không chính thức với mục đích giúp họ được tiếp cận công bằng với hệ thống an sinh xã hội.

Những bức ảnh do chính những người lao động di cư chụp về cuộc sống mưu sinh hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những bức ảnh do chính những người lao động di cư chụp về cuộc sống mưu sinh hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ giới thiệu Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (tên viết tắt là M.net) vừa được tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội.

Mạng lưới M.net được thành lập bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam và hiện thời có sáu tổ chức thành viên gồm: Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển (PLD), Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP), Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC)

Trong những năm gần đây, các báo cáo thống kê của chính phủ và của các tổ chức xã hội dân sự đã chỉ ra một xu hướng nổi bật là luồng di cư từ nông thôn ra thành thị đang gia tăng về số lượng rõ rệt trong vòng một thập kỷ vừa qua.

Số người di cư giữa các tỉnh tăng từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người năm 1999 và lên tới 3,4 triệu người năm 2009. Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số.

Độ tuổi di cư có xu hướng trẻ hóa nhưng trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp. Thu nhập từ công việc thấp và không ổn định, trung bình chỉ đạt 2,2-2,5 triệu/tháng, thời gian làm việc bình quân 47,3 giờ/tuần. Đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Các báo cáo cũng cho thấy có tới 90% người lao động di cư không được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến.

Trước thực trạng này, tổ chức Oxfam đã hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam thành lập Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư, viết tắt là M.net với mục đích hoạt động của mạng lưới là vận động thay đổi hệ thống chính sách để người lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư ở khu vực phi chính thức, có thể tham gia và tiếp cận một cách bình đẳng vào hệ thống an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT - cơ quan điều phối mạng lưới M.net chia sẻ: “Những hoạt động về lao động di cư đã được tiến hành nhiều năm, đây là một mảng lớn liên quan đến nhiều khía cạnh. Do đó, mạng lưới M.net sẽ có vai trò cầu nối giữa các các tổ chức hỗ trợ người lao động di cư, đơn vị xây dựng chính sách với các đối tượng lao động di cư, đặc biệt là nhóm di cư lao động phi chính thức. Mạng lưới M.net hy vọng sẽ có sự chung tay góp sức hỗ trợ cho những người lao động di cư tại Việt Nam.”

Cũng trong buổi lễ giới thiệu, triển lãm “Gánh Số phận, nhặt tương lai” đã được khai mạc. Triển lãm là câu chuyện qua ảnh do 18 thành viên nhóm tự lực của người di cư bán hàng rong và đồng nát Hà Nội thực hiện. Các bức ảnh với các chủ đề về rủi ro trong lao động di cư, cuộc sống của người lao động di cư, giá trị của lao động di cư mang lại cho cộng đồng nơi đi, nơi đến và tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động di cư.

Triển lãm ảnh giúp cộng đồng hiểu sâu hơn về cuộc đời, số phận, những khó khăn và thách thức người lao động di cư phải đối mặt. Qua đó, giúp người di cư mạnh dạn hy vọng, ước mơ và xây dựng một tương lai tươi sáng cho chính mình. Triển lãm cũng là cơ hội để lao động di cư nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào việc vận động chính sách để giúp họ tiếp cận tốt hơn với các chính sách an sinh xã hội./.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)