.

Dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ

Thứ Năm, 24/12/2015, 16:44 [GMT+7]
(QBĐT) - Những năm qua, không chỉ làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm cho học viên sau khi được đào tạo. Việc làm này không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ mà còn góp phần giảm nghèo, làm giàu cho địa phương.
 
Tại hội thảo “Thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ” do Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với chị Lê Thị Ninh ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), chị là một trong những tấm gương sáng về sự nỗ lực, vượt qua khó khăn để khẳng định bản thân.
 
Trước đây cuộc sống của gia đình chị rất vất vả, hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định, chỉ có thể sống dựa vào số tiền ít ỏi từ công việc chế biến thủy sản. Kinh tế không đủ chi tiêu hàng ngày, các con mỗi ngày mỗi lớn nên chồng chị đã quyết định đi làm ăn xa để kiếm tiền lo cho con ăn học. Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì, vì thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều đêm trăn trở, chị cũng muốn làm gì đó để kiếm thêm tiền nuôi con nhưng vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên rất khó để có thể tìm được một công việc phù hợp.
 
Trong một lần xem ti vi, được biết Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh và Công ty Loreal Việt Nam tổ chức đào tạo nghề làm tóc và trang điểm miễn phí cho chị em phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nên chị đã đến đăng ký tham gia khóa học. “Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề thiết kế tạo mẫu tóc và được Trung tâm dạy nghề hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị tôi đã mở dịch vụ làm tóc tại phường Hải Đình (TP. Đồng Hới)”, chị Ninh cho biết. Không phụ sự nỗ lực, phấn đấu của chị, công việc làm ăn ngày một thuận lợi.
 
Giờ đây, chị đã có một tiệm tóc khá khang trang với 3 nhân viên phục vụ là những học viên cũng được đào tạo nghề từ Trung tâm. “Với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, tôi không còn phải lo lắng đến việc học hành của các con và đủ để trang trải cuộc sống”, chị Ninh tâm sự. Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, chị Ninh còn nhận đào tạo nghề miễn phí cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn và hiện tại các học viên được chị đào tạo đều có kỹ năng nghề tốt.
 
Không cùng hoàn cảnh như chị Ninh, chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn Sa Động, xã Bảo Ninh biết đến nghề làm dịch vụ hiếu hỉ như một cơ duyên. Chị kể, cách đây một năm, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN xã Bảo Ninh tổ chức lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn” cho chị em phụ nữ trên địa bàn với mong muốn đào tạo nghề cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị em nằm trong diện bị thu hồi đất không có việc làm. Khóa học đã dạy các chị cách chọn nguyên liệu, khẩu vị, chế độ dinh dưỡng cũng như cách chế biến thực phẩm và pha chế đồ uống. Sau khi kết thúc khóa học, chị đã mạnh dạn thành lập tổ dịch vụ ăn uống hiếu hỉ trên địa bàn với chín thành viên đều là những chị em cùng tham gia lớp học nghề.
 
Sau một năm hoạt động, mô hình dịch vụ ăn uống hiếu hỉ của gia đình chị làm ăn có hiệu quả, với thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng một năm. Hiện nay, số lao động đã tăng lên là 13 chị, với mức lương bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, đã góp phần tạo nghề, nâng cao thu nhập cho chị em trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, một số chị em tham gia lớp đào tạo nghề chế biến món ăn cũng đã trở thành nhân viên nấu ăn tại các nhà hàng, khách sạn đóng trên địa bàn. “Nhờ được đào tạo nghề mà đời sống của chị em phụ nữ đã có nhiều thay đổi, có việc làm chúng tôi không còn phải lo con cái thiếu cái ăn, cái mặc và cuộc sống gia đình cũng trở nên đầm ấm hơn”, chị Tâm chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Khoa Văn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh cho biết, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đào tạo tập trung và lưu động 128 lớp thêu ren, tin học văn phòng, chế biến món ăn, chế biến thủy sản, nghiệp vụ bán hàng, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh gia cầm... thu hút 3.836 học viên tham gia. Không chỉ đào tạo tập trung tại địa bàn thành phố Đồng Hới, Trung tâm còn đào tạo lưu động tại các xã miền núi, các xã vùng công giáo.
 
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, Trung tâm còn liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo công ăn việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Đến nay, đã có 85% học viên sau khi học nghề đã có việc làm ổn định. Nhiều học viên đã trở thành thợ lành nghề và trực tiếp tham gia giảng dạy cho học viên ở các địa phương khác như chị Phan Thị Liên, Đinh Thị Ánh Nguyệt...
 
Để làm tốt công tác bao tiêu sản phẩm cho học viên, Trung tâm đã xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm tại các xã Mỹ Trạch, Bắc Trạch, Vạn Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch), xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn)... mỗi mô hình có từ 30 thành viên trở lên. Những việc làm này đã góp phần giúp chị em đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nhằm đạt năng suất, chất lượng cao, giải quyết việc làm trong thời gian nhàn rỗi cho phụ nữ nông thôn.
 
Ông Văn khẳng định, chính sách hỗ trợ học nghề, gắn với giải quyết việc làm như thổi luồng sinh khí mới vào đời sống chị em phụ nữ, nhất là lao động nữ nông thôn. Một mặt giúp chị em có việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, mặt khác còn giúp chị em học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học-kĩ thuật, nâng cao nhận thức, năng lực và vai trò của mình trong xã hội.
 
Thời gian tới, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các lớp dạy nghề để chị em phụ nữ được tham gia học tập, làm việc, có thu nhập ổn định. Góp phần cùng các cấp các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
 
Lan Chi