.

Đào tạo nghề cho gần 63.000 lao động nông thôn

Thứ Ba, 29/12/2015, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 28-12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 năm (2010-2015) thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” (gọi tắt là đề án 1956) và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trần Tiến Dũng trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015.
Đồng chí Trần Tiến Dũng trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015.

Từ năm 2010-2015, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 62.840 người được đào tạo nghề (đạt 75,6% so với mục tiêu đề ra), trong đó học nghề theo đề án 1956 là 19.977 người; các đề án khác (đề án 30a, khuyến nông, đề án 295…) có 21.333 người, tự đi học 18.461 người. Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo đề án 1956 có việc làm sau học nghề: 15.158 người. Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 10.820 người được đào tạo nghề (đạt 105,6% kế hoạch).

Các cơ sở dạy nghề đã tăng lên về số lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, phân bố trên 8 huyện, thành phố, thị xã. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả hiệu quả cao từ việc kết hợp dạy nghề với tạo việc làm mới, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, điển hình như: Xí nghiệp may Hà Quảng, Công ty TNHH Tấn Phát, Trung tâm dạy nghề Bố Trạch…

Tuy nhiên, đề án 1956 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: các chính sách hỗ trợ cho cho các đối tượng học nghề, việc làm sau khi học nghề còn chung chung, chưa quy định rõ ràng; công tác chỉ đạo còn thiếu kịp thời, chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dạy nghề chưa cao; việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị chưa phù hợp với mục tiêu; chất lượng đào tạo nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; một số trung tâm, cơ sở dạy nghề còn thiếu vật chất, thiết bị; trong 6 năm (2010-2015) số lao động nông thôn học nghề chỉ đạt 75,8%; 25,5% lao động nông thôn học xong chưa áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế sản xuất hoặc tự tạo việc làm…

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đặt mục tiêu dạy nghề cho 57.056 người, trong đó trình độ cao đẳng nghề là 2.124 người, trung cấp nghề là 6.420 người, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng là 48.512 người, trong đó lao động nông thôn theo đề án 1956 là 25.000 người; số giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nghiệp vụ sư phạm nghề là 450 lượt; tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm sau học nghề ít nhất 85%; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế, xã hội chuyên sâu cho khoảng 12.000 lượt cán bộ, công chức và nguồn thay thế được đào tạo, bồi dưỡng.

Dịp này, UBND tỉnh cũng tặng bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015.

T. Hoa