.

Ký ức một thời làm chuyên gia y tế giúp Lào

Thứ Bảy, 21/11/2015, 14:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp nhân dân Lào chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2-12-1975 - 2-12-2015), tôi viết ít dòng, nhớ về một thời (4-1977 - 3-1981) được Đảng và Nhà nước Việt Nam cử làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào trong những thời khắc đầy khó khăn, gian khổ cách đây đã hơn 38 năm.

Đầu năm 1977, đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh (làm Trưởng khoa Lây -Lao, kiêm Phó trưởng trạm Vệ sinh phòng dịch và Phó bí thư Đoàn thanh niên Y tế Vĩnh Linh) thì tôi nhận được quyết định của UBND tỉnh Bình Trị Thiên và Bộ Y tế giao nhiệm vụ chuyên gia y tế giúp tỉnh Savannakhet - Lào. Nhận thức đây là nghĩa vụ quốc tế cao cả nên tôi vui vẻ chấp hành, và tạm gác nguyện vọng sum họp gia đình (vợ chồng tôi sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Hà Nội khóa 1966 - 1972, vợ công tác tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và tôi vào tuyến lửa Khu vực Vĩnh Linh từ tháng 11-1972).

Ngày 10-4-1977, tại Ban CK (Quản lý cán bộ công tác Lào và Campuchia) ở TP.Huế, đoàn chuyên gia Bình Trị Thiên được thành lập có 20 người (trong đó có ba nữ và một phiên dịch tiếng Lào) gồm các ngành: Công nghiệp, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thương nghiệp, Xây dựng, Giáo dục và Y tế. Sau khi được học tập chính trị, quân sự; quán triệt quy chế công vụ và tình hình ở Lào, ngày 10-7-1977, đoàn rời Huế theo đường số 9 đi Savannakhet bằng xe tải, đến Sê-pôn thì không thể đi tiếp do lũ lụt quá lớn. Tạm nghỉ ba ngày mà lũ lụt chưa giảm, đến ngày thứ tư, đoàn được máy bay trực thăng quân đội đưa về sân bay Sa-vằn. Đoàn ở một tuần tại nhà khách “Hườn-xì-lăng”, được lãnh đạo tỉnh và các ngành tiếp đón, giới thiệu về Savannakhet, và đưa chuyên gia đến nơi công tác. Sau đó, đoàn được bố trí ở tại khu nhà riêng, có tổ phục vụ cấp dưỡng và một tiểu đội công an bảo vệ.

Đoàn chuyên gia tỉnh Bình Trị Thiên chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội thi đua tỉnh Savanakhet nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Quốc khánh Lào (2-12-1975 - 2-12-1980).
Đoàn chuyên gia tỉnh Bình Trị Thiên chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội thi đua tỉnh Savanakhet nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Quốc khánh Lào (2-12-1975 - 2-12-1980).

Tổ chuyên gia y tế công tác tại ngành Y tế tỉnh Savannakhet theo hai lĩnh vực: Y tế dự phòng có BS Nguyễn Văn Khiếu và BS Hồ Văn Bệng (Y tế Quảng Bình), khám chữa bệnh có tôi và BS Nguyễn Văn Quyết (Y tế Quảng Bình).

Tôi làm việc tại các khoa Nội-Nhi-Lây Bệnh viện tỉnh Savannakhet. Bệnh viện này được tiếp quản từ chế độ cũ, có 150 giường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn và nhân lực thiếu nhất là thiếu bác sỹ và dược sỹ đại học. Nguồn nhân lực của ngành Y tế tỉnh Savannakhet gồm cán bộ từ vùng chiến khu Pathet Lào về (đa số cán bộ đào tạo tại Việt Nam) và cán bộ lưu dung làm việc trong chế độ cũ (một số người không nhận việc hoặc trốn ra nước ngoài).

Hàng ngày, tôi theo dõi người bệnh nặng ở các khoa; nhưng chủ yếu làm việc tại Trung tâm cấp cứu hồi sức có 10 giường bệnh. Thời gian này, phổ biến nhất là bệnh sốt rét chiếm trên 85% cả người lớn và trẻ em. Xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét dương tính (+) ở người mắc bệnh ngoại khoa, sản - phụ khoa và cả phụ nữ mang thai hoặc mắc các bệnh chuyên khoa. Các thể sốt rét ác tính chiếm tỷ lệ cao 15 -20% số ca mắc sốt rét. Phần lớn sốt rét ác tính do chủng Plasmodium Falciparum gây các thể ác tính rất nặng như: thể não, thể đái huyết sắc tố, thể suy gan, thể suy thận. Tôi đã điều trị cấp cứu thành công cho hàng trăm ca bệnh sốt rét nặng, ác tính và nhiều bệnh khác, được lãnh đạo bệnh viện đánh giá cao.

Mỗi ngày, tôi khám cho 20 - 30 người bệnh. Tình trạng quá tải cao ở nhiều khoa nhất là Nội, Nhi, Lây. Tâm lý của người bệnh là ai cũng muốn được bác sỹ Việt Nam khám, chữa bệnh cho mình nên tôi rất bận. BS Nguyễn Văn Quyết làm việc ở khoa Ngoại và khoa Sản, được gần một năm thì bị suy thận do sốt rét ác tính, mất tại quê nhà. BS Nguyễn Văn Cầu, Trưởng khoa Ngoại-Sản, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh sang thay BS Quyết. Từ khi có chuyên gia ngoại-sản, các phẫu thuật khó như: cắt dạ dày, cắt lách, mổ sỏi thận, mổ áp xe gan, mổ u xơ tử cung,... đã được giải quyết tại bệnh viện không phải chuyển lên tuyến trên.

Khi chúng tôi mới đến nhận việc, bệnh viện vận hành theo thời chế độ cũ, y, bác sỹ đến giường bệnh, khám và ra y lệnh thuốc điều trị, chăm sóc và theo dõi người bệnh, được y tá ghi vào sổ, không có bệnh án. Y, bác sỹ trực ngủ ở nhà, liên hệ với y tá trực qua điện thoại. Bệnh viện cũng chưa có các quy định về hội chẩn, giao ban hàng ngày và kiểm thảo tử vong.

Sau ba, bốn tháng, khi đã có trình độ tốt tiếng Lào, được lãnh đạo Sở Y tế và bệnh viện nhất trí, chúng tôi xây dựng đề án bệnh viện thực hiện các chế độ chuyên môn, gồm: chế độ bệnh án cho người bệnh nội trú và ngoại trú; chế độ thường trực cấp cứu, yêu cầu y, bác sỹ trực ngủ tại khoa và được nghỉ bù; chế độ hội chẩn đối với ca bệnh khó, cấp cứu và ca bệnh có diễn biến nặng, tiên lượng xấu; chế độ giao ban chuyên môn hằng ngày của khoa/phòng và toàn viện; chế độ kiểm thảo tử vong để rút kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, phục vụ pháp y và nghiên cứu khoa học. Các chế độ chuyên môn của bệnh viện dần dần đi vào nề nếp và hoạt động ngày càng tốt. Mỗi tuần, chúng tôi trực một đêm tại Trung tâm cấp cứu hồi sức, tham gia tổng vệ sinh bệnh viện vào sáng thứ bảy và kéo theo y, bác sỹ các khoa/phòng cùng tham gia mà trước đây chỉ có hộ lý và y tá thực hiện.

BS Nguyễn Văn Cầu, BS Dương Hữu Thân và đồng nghiệp Lào trong ca mổ cấp cứu cắt dạ dày tại Bệnh viện tỉnh Savanakhet - Lào tháng 3-1980
BS Nguyễn Văn Cầu, BS Dương Hữu Thân và đồng nghiệp Lào trong ca mổ cấp cứu cắt dạ dày tại Bệnh viện tỉnh Savanakhet - Lào tháng 3-1980

Từ năm thứ hai, khi giao tiếp tiếng Lào tốt hơn, tôi sử dụng giao ban để trao đổi chuyên môn, tham gia nội dung tập huấn, hội nghị sơ kết công tác sáu tháng, tổng kết năm của bệnh viện và của Sở Y tế. Tôi được mời tham gia Ban Bảo vệ sức khỏe cho cán bộ lãnh đạo tỉnh và mẹ của Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Tổ chuyên gia được mời dự họp giao ban với lãnh đạo sở, bệnh viện tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế vào chiều thứ sáu hàng tuần. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện tốt công tác dân vận, tuyên tuyền vệ sinh phòng bệnh; khám chữa bệnh cho bà con Việt Kiều; chia sẻ chuyên môn với Bệnh xá quân y Việt Nam ở Sê-nô và tiếp nhận cấp cứu điều trị sổt rét ác tinh cho các chiến sỹ tại Bệnh viện tỉnh.

Nhóm chuyên gia y tế dự phòng có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Savannakhet trong công tác chỉ đạo tuyển.

Cán bộ của các Trung tâm cùng chuyên gia và tổ bảo vệ đi về các huyện và bản làng triển khai công tác vệ sinh môi trường, tiêm phòng và chống dịch bệnh, nhất là vận động hướng dẫn người dân diệt bọ gậy muỗi, nằm màn và uống thuốc phòng bệnh sốt rét. Họ không ngại khó khăn do đường xấu, ăn uổng thiếu thốn và dễ bị sốt rét ác tính nhưng lo ngại nhất là sự an toàn tính mạng mỗi khi xuống cơ sở. Vì thời gian này, bọn phản động điên cuồng chống phá cách mạng Lào. Chúng đã gây ra nhiều vụ cướp bóc, đốt nhà dân, lùa trâu qua bên kia biên giới, phục kích bắn tỉa cán bộ, bộ đội Việt Nam và Lào trên các đoạn đường qua rừng rậm từ Xê-nô đến Mường-phìn, Sê-pôn. Các tổ chuyên gia đều được quán triệt tình hình này và được trang bị súng lục K54, K59 và súng AK để phòng thân. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác để đối phó với bọn phỉ, phản động, và sẵn sàng cứu chữa cho người bị nạn. Thực tế, cuộc chiến chống bọn phỉ, phản động đã diễn ra rất ác liệt, có nhiều chiến sỹ và cán bộ của Lào và Việt Nam bị bắn trọng thương, và có người đã nằm lại vĩnh viễn tại vùng đất này.

Năm tháng công tác tại tỉnh Savannakhet, chúng tôi rất tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do hai Đảng và hai nhà nước Việt Nam - Lào giao cho. Mỗi chúng tôi đã được Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân đân Lào tặng thưởng huân, huy chương. Tôi được tặng thưởng Huân chương Tự do (Itxala) hạng Hai và Huy hiệu 5 năm (1975 - 1980) có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ, cải tạo và xây dựng đất nước Lào xã hội chủ nghĩa. Kết quả mà chúng tôi đã đạt được là do có các nhân tố quan trọng, sau:  chúng tôi thấm nhuần tư tưởng đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam với truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào; sự giúp đỡ nhiệt tình, chân thành, tình đoàn kết, hợp tác và mến thương của lãnh đạo tỉnh, cán bộ ngành Y tế tỉnh, nhân dân và bà con Việt kiều tỉnh Savannakhet; sự phấn đấu của bản thân: mỗi chuyên gia y tế như những chiến sỹ, chúng tôi đã chiến thắng khó khăn thử thách trong bối cảnh bọn phản động chống phá điên cuồng cách mạng Lào; khắc phục khó khăn về đời sống vật chất ngay đầu thời bình, khi chưa có chế độ tiền lương chuyên gia; và đặc biệt là đã vượt qua khó khăn về ngoại ngữ tiếng Lào.

Chúng tôi rất nỗ lực học tốt tiếng Lào nên từ chưa biết chữ thì sau nửa năm đã sử dụng tốt tiếng Lào cho công việc, tham gia ý kiến, trao đổi và hướng dẫn chuyên môn với các đồng nghiệp Lào trong giao ban, hội nghị, hội thảo. Sau một năm, đoàn chuyên gia tự đảm nhiệm phiên dịch tiếng Lào mỗi khi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Savannakhet, do có vốn tiếng Lào, tôi được giao công tác giảng dạy, chủ nhiệm các lớp gồm 70 lưu học sinh của hai tỉnh Savannakhet và Khăm-Muộn tại Trường trung học Y tế Bình Trị Thiên (1981-1990); làm phiên dịch cho một số đoàn cán bộ Y tế thăm và giao lưu giữa Y tế Bình Trị Thiên với Y tế Savanakhet, và giữa Bộ Y tế Việt Nam với Bộ Y tế Lào,...

Với ký ức này, nhớ về một thời được làm chuyên gia y tế góp phần nhỏ bé của mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh Savannakhet trong những năm tháng mới có hòa bình và hậu quả chiến tranh rất nặng nề là niềm vinh dự tự hào đối với tôi. Đây là kỷ niệm đẹp nhất một thời của đời tôi với hơn 40 năm công tác y tế phục vụ nhân dân trong thời chiến và thời bình; Tôi không bao giờ quên!

Nhân dịp này, tôi xin nghiêng mình thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đồng nghiệp và cán bộ của Bình Trị Thiên đã về cõi vĩnh hằng vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân Lào!

Xin chúc tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!

Dương Hữu Thân
(Nhà A9, tập thể VACVINA, ngõ A, đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội)