.

Cần có biện pháp quản lý người ăn xin

Thứ Năm, 19/11/2015, 10:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nạn ăn xin biến tướng ngày càng đa dạng, phức tạp ở địa bàn thành phố Đồng Hới, khiến người dân từ chỗ chia sẻ thương cảm đã phải bức xúc trước những đối tượng này. Người lang thang xin ăn thuộc nhiều lứa tuổi, có nhiều hoàn cảnh như: kinh tế khó khăn, bệnh tật, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ... nhưng cũng có nhiều người coi đây là một nghề để kiếm sống. Dù là ai đi nữa thì ăn xin là một vấn nạn làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị và hình ảnh của thành phố.

Vào sáng sớm và chiều tối, ở các công viên, quán cà phê, quán nhậu, chợ... đều dễ dàng bắt gặp các đối tượng ăn xin. Người lành dùng xe đẩy người tàn tật, trẻ em cho ăn mặc rách rưới, người sáng mắt dẫn dắt người mù đến ăn xin. Không chỉ có người già, người tàn tật đi ăn xin, hiện nay còn xuất hiện nhiều đối tượng với nhiều chiêu trò ăn xin kiểu mới. Những đối tượng này thường lợi dụng việc bán hàng rong để xin tiền.

Theo nhiều chủ quán nhậu trên địa bàn Đồng Hới, chiều nào, quán cũng có người ăn xin, bán hàng rong “ghé thăm”, trong đó, nhiều nhất là đối tượng trẻ em, phụ nữ. Họ đến từng bàn để xin. Nhiều người tỏ ra khó chịu do đã bị xin nhiều lần nhưng không dễ được buông tha bởi các đối tượng ăn xin sẵn sàng chây ỳ, chèo kéo xin cho kỳ được mới chịu bỏ đi chỗ khác. 

 Ảnh 11 :  Hình ảnh người ăn xin rất dễ bắt gặp ở thành phố Đồng Hới.
  Hình ảnh người ăn xin rất dễ bắt gặp ở thành phố Đồng Hới.

Bên cạnh những người ăn xin không còn khả năng lao động do tuổi cao, tật nguyền thì có không ít người ăn xin còn khỏe mạnh nhưng lười lao động giả dạng rách rưới để ăn xin, họ xem đây như một nghề kiếm sống. Đáng buồn có trường hợp, đi ăn xin nhưng vẫn hút thuốc lá, cà phê... mà không biết tiết kiệm đồng tiền mình xin được.

Thế mới thấy rằng bên cạnh những người thực sự đói khổ do hoàn cảnh éo le, tật nguyền, thiếu may mắn, rất đáng thương cần được giúp đỡ, thì có không ít trường hợp người ăn xin xuất phát từ ý thức lười lao động và thiếu đi nỗ lực phấn đấu vươn lên và đánh mất tự trọng của chính mình. Những hình ảnh này gây ảnh hưởng xấu tới mỹ quan của thành phố.

Nhằm giải quyết dứt điểm “vấn nạn” người lang thang, ăn xin, ngày 4-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch. Trong đó tập trung tuyên truyền tại các khu dân cư trên địa bàn để người dân và gia đình biết tác hại của việc người lang thang đi ăn xin và người bị bệnh tâm thần lang thang trên đường phố; có biện pháp truyền thông, tuyên truyền, đào tạo nghề và tạo việc làm cho những đối tượng thường xuyên lang thang, xin ăn, bán hàng rong; các địa phương có đối tượng lang thang khi được thông báo có trách nhiệm đón đối tượng về địa phương...

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh tại các khu du lịch đã hạn chế đáng kể tình trạng chèo kéo, đeo bám, lừa đảo khách du lịch, tạo niềm tin cho du khách khi tham quan, mua sắm tại các khu du lịch. Tuy nhiên tình trạng lang thang, ăn xin trên địa bàn tỉnh thì vẫn còn diễn ra rất nhiều.

Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực và dài hơi hơn, trước hết là phải triển khai thực hiện tốt các quy định của nhà nước như: đưa người lang thang, ăn xin về địa phương của họ, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho các đối tượng tại các địa phương. Bên cạnh đó, người dân nên có thái độ dứt khoát không cho tiền người ăn xin, thể hiện lòng từ thiện của mình đúng nơi, đúng chỗ. Ban quản lý các khu vui chơi, danh lam thắng cảnh, bãi tắm, chợ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ cần có các biện pháp không cho người ăn xin vào khu vực mình quản lý.

Đối với các hiện tượng ăn xin biến tướng, giả mạo; các đối tượng lợi dụng trẻ em, người già, người tàn tật để làm nghề ăn xin kiếm sống, các cơ quan chức năng, dân phòng, các đoàn thể ở địa phương phải có động thái kiểm tra, tìm hiểu, xác minh địa chỉ quê quán đối tượng đang hành nghề để có biện pháp xử lý theo quy định.

Phạm Hà