.

Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (Lệ Thủy): Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng

Thứ Hai, 30/11/2015, 07:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên cơ sở xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu, thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Động Châu đã luôn tích cực, chủ động bằng nhiều biện pháp chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng bám sát hiện trường, xác định các “điểm nóng” về nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để bố trí lực lượng truy quét và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Đồng chí Phạm Đức Hóa, Giám đốc BQLRPH Động Châu cho biết: Đơn vị được Nhà nước giao quản lý và bảo vệ 21 tiểu khu với tổng diện tích 18.361 ha rừng. Trong lâm phần do đơn vị quản lý có 10 bản dân tộc Vân Kiều với hơn 500 hộ dân sinh sống. Phần giáp ranh với tỉnh Quảng Trị địa hình hiểm trở nên tình hình khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, vào mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức rất cao.

Trước tình hình đó, lãnh đạo BQLRPH Động Châu đã triển khai những biện pháp tích cực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả. Cụ thể, đơn vị đã triển khai tổ chức giao rừng cho các tổ, trạm quản lý, bảo vệ đối với những diện tích rừng đã được xác định. Đồng thời, củng cố và tăng cường lực lượng cơ động, phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 Ảnh 3 : Hầu hết diện tích rừng trồng thuộc lâm phần quản lý của BQLRPH Động Châu được bảo vệ tốt..
Hầu hết diện tích rừng trồng thuộc lâm phần quản lý của BQLRPH Động Châu được bảo vệ tốt..

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng, các văn bản, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tích cực thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các tổ, trạm nhằm thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện tại, đơn vị có 5 trạm bảo vệ rừng và một tổ bảo vệ rừng cơ động thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn để quản lý, bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc tại các “điểm nóng”. Nhờ vậy đã hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn rừng do đơn vị quản lý.

Bước vào mùa khô hàng năm, BQLRPH Động Châu đã bố trí lực lượng phối hợp với bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng làng Ho và chính quyền địa phương xuống tận các thôn, bản, các đơn vị đóng quân trên địa bàn, các đơn vị đang thi công và xây dựng công trình trên lâm phần phổ biến các biện pháp, phương án PCCCR. Tổ chức ký cam kết với các bản đồng bào dân tộc thiểu số với hàng trăm hộ gia đình về tham gia PCCCR.

Tích cực phối hợp với các xã, các đơn vị thi công xử lý các tình huống trước, trong khi xảy ra cháy rừng và bảo vệ tài nguyên rừng, ngăn ngừa các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép cũng như các hành vi lấn chiếm đất rừng.

BQLRPH Động Châu cũng đã tăng cường củng cố thêm các bảng biểu có nội dung khuyến cáo về công tác PCCCR; tiến hành giao cụ thể từng diện tích rừng cho các tổ, trạm quản lý và thực hiện các biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, cắt cử cán bộ về tận từng thôn, bản hướng dẫn bà con cách thức đốt lau sậy tại các biền bãi, tránh xảy ra cháy lớn trên diện rộng... Nhờ triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn đơn vị quản lý đã giảm đáng kể.  Đặc biệt từ nhiều năm qua, trên địa bàn không có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, công tác quản lý bảo vệ rừng của BQLRPH Động Châu vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Đức Hóa, Giám đốc BQLRPH Động Châu cho biết: Do hầu hết diện tích rừng của đơn vị được phân bố trên địa bàn các xã tập trung số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ý thức bảo vệ rừng của người dân còn hạn chế, tập quán sống dựa vào rừng của người dân chưa được loại bỏ nên tác động tiêu cực của người dân đối với rừng vẫn còn rất lớn.

Một số người dân còn cố tình chống đối lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị khi bị phát hiện đang khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Mặt khác, do lâm phần trải dài và rộng, điều kiện đi lại khó khăn và giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, trong khi biên chế lực lượng chưa đủ đáp ứng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng của BQLRPH Động Châu gặp rất nhiều khó khăn.

Vì thế, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, chính quyền các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng là của toàn dân; cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong việc giao đất, giao rừng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của người dân đối với rừng.

P.V