.

Tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong phòng chống thiên tai

Thứ Sáu, 02/10/2015, 12:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình, khúc ruột miền Trung, mảnh đất thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai để lại. Mỗi lần mưa bão, lốc xoáy, lũ quét xảy ra, cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình lại kịp thời sát cánh cùng nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong hiểm nguy, gian khó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh, nhiều câu chuyện cảm động về tình người, tình quân-dân sắt son, gắn bó.

Cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình ứng cứu người dân xã Quảng Sơn trong trận lũ quét tháng 10-2013.
Cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình ứng cứu người dân xã Quảng Sơn trong trận lũ quét tháng 10-2013.

Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên trong đời quân ngũ. Đó là ngày 7-8-2007, chúng tôi có mặt tại Trường Quân sự Quân khu 4 để tham gia khóa đào tạo sỹ quan dự bị dành cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài quân đội.

Tối hôm đó, truyền hình đưa tin tình hình thiệt hại do mưa lũ tàn phá các tỉnh miền Trung. Hầu hết các làng quê bị nhấn chìm trong biển nước, tài sản và tính mạng người dân bị đe dọa nghiêm trọng, thiệt hại hết sức nặng nề. Bản tin thời sự tối hôm đó cũng dành phần lớn thời lượng phản ánh công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai của các đơn vị LLVT. Đó là những hình ảnh ấn tượng về những chiến sỹ quân đội không quản ngại hiểm nguy băng mình giữa dòng nước lũ để cứu người, di dời tài sản; dựng nhà, lợp ngói, vệ sinh sau lũ, khám và điều trị bệnh cho người dân...

Đặc biệt, chương trình thời sự hôm đó và cả nhiều ngày sau nữa đã tôn vinh hành động anh dũng hy sinh của liệt sỹ - thượng úy Phạm Hữu Huyên, cán bộ Quân y Bệnh xá 24 Bộ CHQS Quảng Bình trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Những hình ảnh và hành động cao đẹp đó đã giúp chúng tôi hiểu thêm một phần về nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ LLVT thời bình: gian khó, hiểm nguy nhưng rất đỗi vinh dự, tự hào.

Kết thúc khóa đào tạo ở Trường Quân sự Quân khu 4, tôi được điều động công tác ở Bộ CHQS Quảng Bình. Ngày mới về đơn vị, tôi được tham gia thực hiện phóng sự truyền hình về chân dung anh hùng liệt sỹ Phạm Hữu Huyên. Lính mới tò te như tôi được giao nhiệm vụ vác chân máy, cầm “míc” phỏng vấn.

Chuyến đi đó, chúng tôi thực hiện cảnh quay ở nhiều xã thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, địa bàn tâm lũ mà trước đó anh Huyên đã làm nhiệm vụ và hy sinh. Nhiều nhân chứng mà chúng tôi gặp, trò chuyện đã khóc-những giọt nước mắt tiếc thương, cảm phục trước hành động cao đẹp của thượng úy Phạm Hữu Huyên: “Anh nhận lấy cái chết về mình để người dân được sống”.

Cũng trong chuyến đi đó, chúng tôi tìm về xã Châu Hóa, được nghe câu chuyện cảm động về “người hùng sông Gianh”, chiến sỹ dân quân Hoàng Gia Khánh. Cũng trong trận lũ lịch sử ấy, Hoàng Gia Khánh đã dùng săm ô tô, một mình trong đêm tối bơi ra giữa dòng lũ xiết, cứu sống được 2 em nhỏ. Cùng với hành động anh dũng hy sinh của thượng úy Phạm Hữu Huyên, tấm gương tiêu biểu của chiến sỹ dân quân Hoàng Gia Khánh góp phần tỏa sáng hình ảnh cao đẹp của những chiến sỹ quân đội trên mặt trận không tiếng súng.

Thượng tá Bùi Minh Huấn hiện giữ cương vị Chính trị viên Ban CHQS huyện Quảng Ninh, nhưng trước đó, lúc còn là Chính ủy Trung đoàn 996, không biết bao lần anh đã trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Anh vẫn nhớ như in lần giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ quét và lốc xoáy vào tháng 10-2013. Trận lũ quét và lốc xoáy khủng khiếp xảy ra trong đêm 15 rạng sáng 16-10 đã biến hai thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn) thành bình địa.

Tận mắt chứng kiến cảnh tượng đổ nát hệt như sau trận rải thảm của máy bay B52, cán bộ, chiến sỹ ai cũng bàng hoàng. Không một phút suy nghĩ, anh em đơn vị triển khai đội hình, khẩn trương dựng lại nhà cửa. Càng xúc động hơn khi trong đơn vị có nhiều cán bộ, chiến sỹ quê ở Quảng Sơn, gia đình cũng bị thiệt hại do lũ quét, lốc xoáy nhưng ai cũng tình nguyện ở lại giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng hơn với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Sát cánh cùng nhân dân Quảng Sơn, các đơn vị thuộc địa bàn Quân khu 4 đã kịp thời có mặt hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài 200 cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) cũng điều động hơn 300 cán bộ, chiến sỹ kịp thời có mặt giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trên trời mưa giăng kín mặt, dưới đất bùn non ngập lút cẳng chân, nhưng tác động của thời tiết không làm cản trở tinh thần làm việc hăng say của cán bộ, chiến sỹ.

Vừa dựng lại nhà, các đơn vị quân đội còn hỗ trợ thức ăn, nước uống  cho người dân vì hầu hết nhà cửa đều đổ sập, tốc mái, lương thực dự trữ bị nước cuốn trôi. “Bữa trưa đầu tiên, khẩu phần ăn của các chiến sỹ được chia đều cho người dân vùng lũ. Trên các nền nhà được dọn dẹp, các chiến sỹ xếp đội hình vòng tròn che mưa để bà con ngồi giữa ăn cơm. Bữa cơm vùng lũ đạm bạc, đơn sơ nhưng ấp áp nghĩa tình”, thượng tá Bùi Minh Huấn xúc động bày tỏ.

Những ngày ở Quảng Sơn, chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Từ mọi miền của Tổ quốc, hàng ngàn tấm lòng hảo tâm hướng về Quảng Sơn bằng những việc làm thiết thực cả vật chất lẫn tinh thần đã làm ấm lòng người dân vùng lũ. Các đơn vị LLVT tranh thủ thời gian, đẩy nhanh tiến độ dựng nhà, vệ sinh thôn xóm. Trong gian khổ, khó khăn, tình quân dân lại lung linh tỏa sáng.

Chiến sỹ Sư đoàn 968 giúp nhân dân Quảng Sơn, Quảng Trạch khắc phục hậu quả trận lốc xoáy năm 2013.
Chiến sỹ Sư đoàn 968 giúp nhân dân Quảng Sơn, Quảng Trạch khắc phục hậu quả trận lốc xoáy năm 2013.

Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Linh Cận Sơn chia sẻ: “Bộ đội làm việc vất vả quá, thấy thương! Nhiều lúc muốn nấu gì đó thật ngon cho bộ đội ăn nhưng cán bộ chỉ huy không cho, họ nói dân còn nghèo, không giúp được nhiều hơn thì tuyệt đối không được ăn, không được lấy gì của dân cả”.

Tâm sự của chị Nguyễn Thị Thủy làm chúng tôi nhớ lại tình cảm mà các bà, các mẹ người Vân Kiều, Mày, Khùa, Sách các xã vùng cao huyện huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy dành cho cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh. Mỗi lần bộ đội thực hiện nhiệm vụ giúp dân ở địa bàn vùng biên viễn, bà con đón từ đầu bản, ai cũng muốn bộ đội về ở cùng.

Đêm xuống, cả bản làng say nồng giấc ngủ, các mẹ lại nhẹ nhàng đắp lại tấm chăn, giém kín màn cho từng chiến sỹ, cẩn thận tỉ mỉ như chăm chút những đứa con của mình. Đêm không ngủ, các mẹ chờ trời sáng luộc thêm nồi khoai để các chiến sỹ ăn thêm cho chắc bụng. Và còn rất nhiều những câu chuyện cảm động nữa về nghĩa tình quân dân tỏa sáng lung linh trong thiên tai bão lũ.

Mùa mưa bão đang cận kề, cùng với các đơn vị khác trên địa bàn Quân khu 4, cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình đang tích cực triển khai lực lượng, phương tiện, kế hoạch cho nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Hơn ai hết, cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình luôn thấu hiểu và xác định: Nhiệm vụ phòng chống bão lụt cũng là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội thời bình. Làm tròn nhiệm vụ của đội quân chiến đấu trên mặt trận phòng chống thiên tai cũng là làm tròn lời hứa với Đảng, với nhân dân. Đi qua bao mùa mưa bão, trên mảnh đất Quảng Bình đầy khắc nghiệt này, có biết bao câu chuyện cảm động về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, về tình quân-dân keo sơn, gắn bó được kể lại, lan tỏa mạnh mẽ.

Tình cảm đó, nghĩa tình đó cũng là động lực tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sỹ và người dân vùng lũ Quảng Bình vượt qua mọi khó khăn, vững tin hướng về phía trước.

Minh Tú