.

"Làng khát" Nam Sơn

Thứ Sáu, 09/10/2015, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi trở lại thôn Nam Sơn sau vài trận mưa tầm tã của những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2015. Điều đáng phấn khởi khi quay trở lại mảnh đất này, đó là diện mạo làng quê nghèo đã có sự thay da đổi thịt. Thế nhưng, thực trạng người dân thiếu nước sạch sinh hoạt thì vẫn còn đó.

“Làng khát” ven sông

Thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch (Bố Trạch) nằm trải dọc theo phía bắc dòng sông Lý Hòa. Từ bao đời nay, do sự kiến tạo của địa chất và gần với cửa biển nên vùng đất này thường xuyên bị nhiễm mặn, thậm chí nhiều nơi bị nhiễm chua, phèn khá nặng. Cũng bởi nguồn nước nhiễm mặn, chua, phèn nên bà con không có nước ngọt để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thiếu nước sạch sinh hoạt đã buộc người dân nơi đây phải bỏ tiền đi mua nước ngọt ở các làng khác về dùng hàng ngày. Cái tên "Làng khát" Nam Sơn cũng xuất phát từ đó mà ra... 

Gặp lại chúng tôi, anh Đỗ Văn Phú, Trưởng thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch cởi mở: Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống bà con trong thôn đã có sự khởi sắc đáng kể. Nhiều ngôi tạm bợ trước đây đã được thay thế dần bằng những ngôi nhà xây lợp ngói kiên cố, cao tầng. Một số tuyến đường giao thông lầy lội ở làng Nam Sơn nay đã được bê tông hoá theo chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ đói nghèo được giảm dần, hộ khá, giàu không ngừng tăng lên...

Nói chung, về mặt kinh tế thì Nam Sơn bây giờ không thua kém nhiều so với 10 thôn khác ở xã Phú Trạch. Thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, nhà ở kiên cố ngày mỗi nhiều lên..., nhưng ở Nam Sơn hiện vẫn chưa có công trình nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân nên làng vẫn đang nằm trong diện lạc hậu bậc nhất xã. Dân làng chúng tôi biết vậy nhưng cũng đành chấp nhận vì "lực bất tòng tâm", muốn xây dựng công trình nước sạch cần tới cả chục tỷ đồng. Toàn thôn có 140 hộ, 680 nhân khẩu thì làm sao góp đủ chừng đó tiền trong ngày một ngày hai. Nếu được nhà nước hỗ trợ, nhân dân đối ứng một phần thì may ra mới có được công trình nước sạch.

Ảnh 2 : Để tiết kiệm tiền mua nước sinh hoạt hàng ngày, nhiều hộ dân thôn Nam Sơn buộc phải ra sông và các dòng kênh để tắm giặt.
Để tiết kiệm tiền mua nước sinh hoạt hàng ngày, nhiều hộ dân thôn Nam Sơn buộc phải ra sông và các dòng kênh để tắm giặt.

Cụ Đoàn Thị Ngô, 86 tuổi, người dân thôn Nam Sơn tâm sự: Tui sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Từ đời tổ tiên, ông bà..., người dân làng tui đã phải đi đò sang xã Đồng Trạch để xin nước ngọt về dùng hàng ngày. Thậm chí, có giai đoạn người dân trong làng còn góp tiền để sang xã Đồng Trạch xin đào giếng để dùng chung. Cuộc sống dần thay đổi, khoảng 15 năm trở lại đây, người dân thôn Nam Sơn từ chỗ xin nước sạch sinh hoạt đã “buộc” chuyển sang mua, bởi hầu hết những chiếc giếng làng ngày xưa nay đã thuộc quyền sở hữu của các cá nhân rồi. Nói mua nước sạch thì hơi quá đáng, thực chất là chúng tôi phải chi trả tiền điện, tiền bơm nước từ giếng lên, tiền vận chuyển cho người ta mà thôi.

Chị Hoàng Thị Hoá, 42 tuổi, thôn Nam Sơn than thở: Nhà tui làm nông, có 7 nhân khẩu. Bình quân mỗi ngày cả nhà dùng tằn tiện nhất cũng phải tốn chừng 5 can nhựa nước (mỗi can nhựa 20 lít nước, giá bán tại gốc 2 nghìn đồng/can). Chú xem, người dân còn nghèo khó, bỏ tiền mua nước ngọt về chủ yếu là để nấu ăn, rửa rau quả, chén bát và uống... Còn việc tắm giặt thì đành phải ra bờ sông, hay ra các ao hồ tự nhiên, sau đó về dội lại vài gáo nước sạch cho đỡ ngứa.

Vợ chồng tui sinh 5 người con, đứa đầu 21 tuổi, đứa nhỏ nhất hiện đang học lớp 3. Tội nghiệp, chúng vẫn thường hay than vãn với tui là lúc nhỏ thì không sao, nay đã lớn, được đi học rồi mà ở bẩn thì xấu hổ với bạn bè, thầy cô lắm. Áo quần chúng nó do chủ yếu giặt bằng nước sông, hồ nên cứ đen, vàng loang lổ, mùi cơ thể cứ khét lẹt. Trong khi đó áo quần của các bạn cùng lớp luôn sạch sẽ, thơm tho, không xấu hổ mới lạ...

Nhiều người dân thôn Nam Sơn cho biết thêm, để có nước ngọt dùng hàng ngày, hầu như gia đình nào cũng phải tốn hơn 3 tiếng đồng hồ/ngày cho việc đi mua nước, với quãng đường trên 3 km.  Những gia đình luôn có sẵn nhân lực thì còn đỡ, đối với những hộ neo người, già cả hay ốm đau đột xuất thì đành phải nhờ bà con, hàng xóm. Đơn cử như hộ bà Đoàn Gẽn, 75 tuổi (hiện sống cùng cậu con trai cả 40 tuổi, bị mắc chứng bệnh tâm thần) cả chục năm qua đều phải nhờ người khác đi mua nước ngọt dùm...    

Bao giờ Nam Sơn hết... khát?

Trưởng thôn Đỗ Văn Phú giải thích với chúng tôi: Trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, không ít người dân thôn Nam Sơn đã bỏ ra rất nhiều tiền và công sức để đào giếng tìm nguồn nước ngọt ngay tại làng. Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước ngọt ở trong lòng đất thôn Nam Sơn là điều không dễ chút nào...

Có một số gia đình đã khoan sâu tới cả vài chục mét để tìm nước ngọt rồi mà nước vẫn cứ nhiễm mặn và phèn. Nhiều năm nay, thông qua kỳ họp HĐND các cấp, người dân thôn Nam Sơn đã đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho địa phương một công trình nước sạch nhưng vẫn chưa được, người dân đành phải chấp nhận chờ mà thôi...

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch nói: Trước những kiến nghị, đề xuất của cử tri thôn Nam Sơn xin được Nhà nước hỗ trợ một công trình nước sạch, năm 2012, tỉnh đã bố trí cho Phú Trạch một khoản ngân sách 350 triệu đồng (chia làm 2 đợt) để thuê một đơn vị tiến hành khảo sát, khoan thăm dò và tìm được 3 giếng nước ngọt tại thôn Nam Sơn.

Sau khi hoàn tất khâu khảo sát, thăm dò, đơn vị tư vấn đã đưa ra dự trù muốn đầu tư xây dựng được công trình nước sạch hoàn thiện ở thôn Nam Sơn, phải cần tới 7 tỷ đồng. Biết là đã có nguồn nước, nhưng do trúng vào thời điểm cả nước, tỉnh đang thắt chặt đầu tư công, dự án nước sạch nói trên buộc phải dừng lại cho đến tận ngày hôm nay...

Phú Trạch hiện vẫn đang là một trong những xã nghèo của huyện Bố Trạch, lấy đâu ra khoản tiền chừng đó để đầu tư ngay được. Chính quyền xã cũng đã đưa dự án này vào chương trình đầu tư "dài hơi" của xã, xem đây là công trình nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thắng lợi tiêu chí về môi trường. Nếu được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn, nhân dân Phú Trạch sẽ sẵn sàng đối ứng để sớm có được công trình nước sạch tại thôn Nam Sơn.

Với thực trạng trên, xem ra câu hỏi bao giờ người dân thôn Nam Sơn mới hết "khát" nước sạch vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Văn Minh