.

Các thiết chế văn hóa trong lộ trình nông thôn mới: Xây dựng xong thôi... chưa đủ!

Thứ Sáu, 09/10/2015, 17:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Nông thôn mới đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt của các làng quê, không chỉ ở từng đường làng, ngõ xóm, từng hộ gia đình, mà ngay cả diện mạo đời sống văn hóa của bà con nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận, sinh hoạt và hòa mình với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần làm phong phú, đa dạng hóa cuộc sống tinh thần.

Theo số liệu từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tính đến tháng 9 năm 2015, tỉnh ta có 38/136 xã đạt tiêu chí 06, chiếm tỷ lệ 27,9%, tăng 11% so với năm 2014. Tuy nhiên, để các thiết chế văn hóa này thực sự phát huy hiệu quả, tránh lãng phí tiền của không phải là điều đơn giản, một sớm một chiều.

Trung tâm Văn hóa -Thể thao xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới) được hoàn thành và bàn giao sử dụng từ những tháng đầu năm 2015. Dù vậy, từ đó đến nay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vẫn chưa được triển khai tại trung tâm. Hiện tại, do Trường mầm non của xã đang xây dựng một số công trình, thiếu phòng học, cho nên mượn tạm một số phòng của trung tâm để làm nơi sinh hoạt cho các cháu (?!).

Các trung tâm văn hóa-thể thao xã được xây dựng với nguồn kinh phí lớn và rất cần có chương trình, kế hoạch hoạt động hiệu quả
Các trung tâm văn hóa-thể thao xã được xây dựng với nguồn kinh phí lớn và rất cần có chương trình, kế hoạch hoạt động hiệu quả

Ông Đặng Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết, vì thiếu nguồn kinh phí, trung tâm chỉ mới hoàn thiện phần “thô” (tức là nhà, điện, nước...), vẫn còn thiếu bàn ghế, tủ... và hệ thống sân bãi, tường bao, việc đi vào hoạt động rất khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù đã có Ban phụ trách Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, nhưng chính quyền xã vẫn đau đầu chưa biết lấy đâu kinh phí để trả lương cho bộ máy điều hành, quản lý trung tâm. Cán bộ phụ trách văn hóa xã vẫn chưa được qua lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu nào về điều hành trung tâm, do đó, gặp không ít bỡ ngỡ trong quá trình hoạt động.

Mặt khác, ông Đặng Trường Giang cũng giải thích thêm, UBND xã đã có một hội trường với sức chứa lớn, cho nên, nhiều sự kiện vẫn có thể được tổ chức ở đây, chưa cần đến Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã. Trung tâm được xây dựng tại thôn Đức Phong, không nằm trong khuôn viên UBND xã, việc điều hành, quản lý gặp nhiều hạn chế. Mong muốn của xã trong thời gian tới để phát huy hiệu quả của trung tâm là được hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để hoàn thiện cơ sở vật chất, đồng thời, cần được cơ quan chức năng quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ điều hành trung tâm.

Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Liên Thủy (Lệ Thủy) cũng gặp những khó khăn tương tự, mặc dù đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2014. Ông Lê Đình Giới, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết, với kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng, trung tâm đã hoàn thiện phần cơ sở hạ tầng với phòng hội nghị có sức chứa gần 400 người. Tuy nhiên, mặc dù đã được trang bị hệ thống bàn ghế, loa máy, phông màn... đầy đủ để phục vụ cho đại hội Đảng bộ xã vừa qua, nhưng nguồn kinh phí vẫn còn vay mượn, chưa trả được hết. Công suất sử dụng của trung tâm dù rất cố gắng cũng chỉ mới đạt khoảng 70% với những hoạt động chủ yếu là của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và hội họp của tổ chức đoàn thể. Hiện tại, Trung tâm vẫn chưa có ban quản lý mà tạm thời do cán bộ phụ trách văn hóa xã đảm nhận trông nom. UBND xã cũng chưa có kế hoạch, chương trình cụ thể cho các hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã. Ông Lê Đình Giới nhấn mạnh thêm, ngoài trung tâm, Liên Thủy có 4 thôn, mỗi thôn đều đã có nhà văn hóa. Bên cạnh đó, xã cũng có thêm 2 đình làng (Xuân Hồi và Quy Hậu), chủ yếu phục vụ các hoạt động tín ngưỡng dân gian.

Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới) đang là địa điểm được Trường mầm non xã mượn để các cháu sinh hoạt.
Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới) đang là địa điểm được Trường mầm non xã mượn để các cháu sinh hoạt.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa luôn là một trong những tiêu chí “chướng ngại” nhất đối với các địa phương, nhất là về Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã. Bởi công trình này vừa phải đảm bảo tiêu chí về diện tích, quy mô xây dựng, trang thiết bị, cán bộ... theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, vừa phải duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên. Nguồn kinh phí để hoàn thiện một công trình dao động từ 3-5 tỷ đồng, cho nên, không ít địa phương thường lựa chọn đây là tiêu chí cuối cùng để dốc sức về đích nông thôn mới.

Khó khăn để xây dựng là vậy, nhưng khi đưa vào sử dụng, việc phát huy hết công suất của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã cũng không hề dễ dàng. Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, việc triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ tại Trung tâm phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, chỉ đạo và thực thi của lãnh đạo địa phương cũng như bản thân cán bộ phụ trách văn hóa xã. Thực tế cho thấy, rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có thể diễn ra ở trung tâm, như: tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ sinh hoạt, thư viện, phòng đọc sách báo, thi đấu thể thao, người dân luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, vui chơi, giải trí cho trẻ em...

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đội ngũ nhân lực phục vụ cho hoạt động Trung tâm vẫn chưa được hoàn thiện, kinh phí trả lương không có và không ít địa phương vẫn chưa hoàn thành được đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng. Đây là khó khăn không chỉ ở các trung tâm Văn hóa-Thể thao xã mà còn ở hệ thống nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố. Chính vì vậy, dẫn dến trường hợp, nhiều trung tâm, khu văn hóa-thể thao xây dựng xong vẫn phải loay hoay để đi vào hoạt động sao cho hiệu quả, thiết thực, sử dụng tối đa được công suất. Đó là chưa kể đến một số địa phương bên cạnh nhà văn hóa-khu thể thao các thôn, Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, còn có thêm các đình làng, phòng họp lớn của trụ sở UBND xã, gây chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và lãng phí tiền của.

 Còn nhiều việc phải làm để các thiết chế văn hóa cơ sở phát huy hiệu quả.
Còn nhiều việc phải làm để các thiết chế văn hóa cơ sở phát huy hiệu quả.

Mới đây, công văn số 3897/BVHTTDL-VHCS của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về thực hiện tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần “gỡ khó” cho không ít địa phương. Theo đó, đối với các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động các nguồn lực để xây dựng mới Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn thì tạm thời sử dụng các cơ sở vật chất hiện có, như: hội trường, trung tâm học tập cộng đồng, nhà Rông, nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa đã xây dựng từ trước, để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Một số địa phương có các thiết chế văn hóa truyền thống, như: đình làng, nhưng chưa có nhà văn hóa, nếu được sự đồng ý của nhân dân và các đoàn thể địa phương, có thể sử dụng thiết chế này tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp. Những thôn, làng, bản, ấp có số dân ít, địa giới hành chính gần nhau, được sự đồng thuận của nhân dân, có thể tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao tại một nhà văn hóa liên thôn. Đặc biệt, các địa phương sử dụng hội trường, trung tâm học tập cộng đồng, nhà Rông, nhà Dài, nhà sinh hoạt cộng đồng, đình làng, nhà văn hóa đã xây dựng từ trước, nhà văn hóa liên thôn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân vẫn được tính đạt tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 06) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, với không ít địa phương, tiêu chí 06 đã giảm bớt phần nào gánh nặng. Tuy nhiên, thách thức vẫn chính nằm ở việc sử dụng các thiết chế văn hóa như thế nào để tránh sự lãng phí. Với 38/136 xã đã hoàn thành tiêu chí 06, rất cần các cơ quan chức năng có sự kiểm tra, rà soát về cách thức vận hành các thiết chế văn hóa, từ đó, có sự định hướng, điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương. Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cần được quan tâm không chỉ ở khâu xây dựng thiết chế văn hóa, mà còn ở cả khâu quản lý, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đặc biệt, cần lưu tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, yếu tố quyết định thành công của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Quảng Hạ