.
Bài dự thi Giải thưởng báo chí viết về ATGT tỉnh Quảng Bình năm 2015:

Hiệu quả từ một mô hình

Thứ Năm, 08/10/2015, 21:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở và quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều mô hình tự quản về ATGT mang lại hiệu quả khả quan, góp phần tích cực vào việc kiềm chế về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. “Thôn an toàn giao thông” ở Phúc Tự Đông (xã Đại Trạch, Bố Trạch) là một trong những mô hình như thế. Được xây dựng từ năm 2012, đến nay, mô hình này đã và đang thực sự phát huy nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa.

Đại Trạch là một trong những “điểm nóng” về tình trạng TNGT ở Bố Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung. Địa bàn rộng, dân số đông, là nơi tập trung trao đổi, buôn bán hàng hóa của cụm xã Đại-Nam-Nhân-Lý nên lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông; ý thức của người dân kém, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường xảy ra “như cơm bữa” khiến tình hình TTATGT của Đại Trạch diễn biến khá phức tạp. Không ít vụ TNGT thương tâm đã xảy ra cướp đi mạng sống, sức khỏe, niềm vui của nhiều người.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là “quá khứ”. Đại Trạch của hiện tại đã không còn là điểm nóng về TNGT. Người dân địa phương luôn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật ATGT, cùng nhau đoàn kết giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. “Có được sự “lột xác” đó là nhờ vào mô hình “Thôn ATGT” mà chúng tôi đã xây dựng và duy trì được từ hơn 4 năm nay”, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Trưởng Công an xã Đại Trạch khẳng định.

Công an xã Đại Trạch bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Công an xã Đại Trạch bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Đã từ lâu người dân ở thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch không còn xa lạ với hình ảnh những thành viên trong tổ tự quản cả già lẫn trẻ thay phiên nhau tuần tra kiểm soát ở các ngã đường liên thôn, liên xóm; nhắc nhở người dân đặc biệt là các em học sinh đi đúng phần đường quy định; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT trên địa bàn; động viên các hộ dân hai bên đường không tập kết cát, sạn, vật liệu xây dựng gây ách tắc, cản trở giao thông đi lại của bà con. Đây là những hình ảnh quen thuộc kể từ sau khi mô hình “Thôn ATGT” được phát động, đi vào thực tiễn tại địa phương.

Nhằm thiết thực tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông, tạo hiệu ứng tích cực để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong công tác giữ gìn TTATGT, tháng 6-2012, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã quyết định chọn thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch là đơn vị làm điểm xây dựng mô hình “Thôn ATGT”.

Ngay khi nhận được kế hoạch triển khai xây dựng mô hình, Ban công an xã Đại Trạch đã nhanh chóng tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo mô hình gồm 19 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng chí Trưởng Công an xã và Chủ tịch Mặt trận xã làm phó ban; đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

Xác định công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị thông qua việc mời người dân đến dự nghe, thì hiệu quả sẽ không cao, chính vì vậy, Ban chỉ đạo mô hình phối hợp với chính quyền thôn đã đổi mới phương thức tuyên truyền, cụ thể là thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình, để phát huy tính tự giác của người dân trong việc bảo đảm ATGT.

Vận động người dân tích cực tham gia ký kết giao ước thi đua về bảo đảm TTATGT đến từng hộ gia đình cam kết không có người vi phạm về TTATGT. Đặc biệt, Ban chỉ đạo mô hình luôn chú trọng đến việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, thường xuyên tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật ATGT để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đi đôi với việc tuyên truyền, vận động, Ban chỉ đạo mô hình còn tích cực chỉ đạo tổ tự quản ở thôn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm TTATGT, vi phạm hành lang ATGT dọc tuyến Quốc lộ 1 và các tuyến đường dân sinh trong thôn; vận động các hộ gia đình sử dụng xe công nông, ba gác chuyển đổi nghề lập nghiệp sinh sống.

Phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh hiệu quả của các đoạn đường tự quản. Đặc biệt, thực hiện mô hình này, UBND xã Đại Trạch kiên quyết không xét công nhận gia đình văn hóa đối với các trường hợp vi phạm TTATGT. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, Ban chỉ đạo mô hình tổ chức họp để đánh giá tình hình, kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch và đề ra nội dung, biện pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của mô hình, đồng chí Nguyễn Minh Đức khẳng định: “Thời gian hoạt động chưa phải là dài nhưng mô hình “Thôn ATGT” ở Phúc Tự Đông đã phát huy được tác dụng rất tốt.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, với tinh thần “vì cộng đồng”, lòng nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo và chính quyền địa phương đã phát huy được tính tự giác, ý thức cộng đồng, trách nhiệm của từng nhà, từng người dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa và bảo đảm TTATGT, kéo giảm TNGT ở địa phương. Mô hình ra đời và hoạt động đúng hướng, được nhân rộng ra toàn xã đã phát huy tác dụng, vai trò trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở.

Qua kết quả thực hiện mô hình, tình hình ATGT ở Phúc Tự Đông nói riêng và Đại Trạch nói chung đã có chuyển biến tích cực nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông của đại bộ phận nhân dân được nâng lên đáng kể, số trường hợp vi phạm Luật Giao thông và số vụ TNGT trên địa bàn xã đã giảm rõ rệt. Cụ thể năm 2014, xảy ra 1 vụ làm 2 người chết và 6 tháng đầu năm 2015 xảy ra 1 vụ làm 1 người chết. So với những năm trước đây, con số này đã giảm đáng kể”. 

Có thể thấy, mô hình “Thôn ATGT” ở Đại Trạch là một mô hình hay, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác bảo đảm TTATGT. Việc nhân rộng mô hình này ra khắp các địa phương trong tỉnh là hết sức cần thiết, nhằm góp phần mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Đ.V