.

Tìm hiểu về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển Việt Nam

Thứ Năm, 27/08/2015, 07:39 [GMT+7]

- Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27-10-2006 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam và ngoài vùng biển Việt Nam; phân vùng biển, phân tuyến khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.

Trường hợp Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo Điều ước quốc tế đó.

- Vùng biển Việt Nam là các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003 và theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Ngoài vùng biển Việt Nam là vùng biển quốc tế (biển cả) hoặc vùng biển của quốc gia khác.

1. Phân vùng biển, tuyến khai thác thủy sản như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 4 quy định:

1. Vùng biển Việt Nam được phân thành:

a) Vùng biển ven bờ được tính từ bờ biển (ngấn nước khi thuỷ triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 24 hải lý;
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển để xác định và công bố ranh giới vùng biển ven bờ giữa các tỉnh;
b) Vùng biển xa bờ được tính từ đường cách bờ biển 24 hải lý đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam.

2. Vùng biển ven bờ được phân thành hai tuyến sau đây:

a) Tuyến bờ là vùng biển được tính từ bờ biển đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 6 hải lý.
b) Tuyến lộng là vùng biển được tính từ đường cách bờ biển 6 hải lý đến đường nối các điểm cách bờ biển 24 hải lý.
3. Vùng biển xa bờ là tuyến khơi.
4. Đối với các địa phương có đảo, quần đảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào sự cần thiết và đặc điểm cụ thể của từng đảo, quần đảo quy định tuyến bờ của đảo hoặc quần đảo đó, nhưng giới hạn không quá 6 hải lý.

2. Quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 5 quy định:
Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:

1. Quy định của Bộ Thủy sản hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác; các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng tại các vùng biển hoặc từng tuyến khai thác; khu vực bị cấm khai thác và khu vực bị cấm khai thác có thời hạn; chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác.

2. Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại tuyến bờ:
a) Tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa được hoạt động tại tuyến bờ;
b) Tàu cá tuyến bờ đăng ký tại tỉnh nào chỉ được hoạt động trong tuyến bờ của tỉnh đó;
c) Tàu cá tuyến bờ không được hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi.

3. Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại tuyến lộng:
a) Tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 20 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa được hoạt động tại tuyến lộng;
b) Tàu cá tuyến lộng không được hoạt động ở tuyến bờ và tuyến khơi, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

4. Quy định đối với các tàu cá hoạt động tại tuyến khơi:
a) Tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 90 sức ngựa trở lên và tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 50 sức ngựa trở lên làm các nghề câu, rê, vây, chụp mực được hoạt động tại tuyến khơi;
b) Tàu cá tuyến khơi không được hoạt động ở tuyến bờ và tuyến lộng.

5. Tàu cá hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi phải được đánh dấu để nhận biết. Bộ Thủy sản quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết đối với tàu cá hoạt động tại tuyến lộng và tuyến khơi.

H.H (tóm lược)