.

Ký ức không quên

Thứ Sáu, 28/08/2015, 10:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù đã hơn 90 tuổi nhưng ông Đinh Xuân Niên (tiểu khu 6, thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa) vẫn còn minh mẫn. Và khi nhắc đến chuyện giành chính quyền thì những hồi ức của 70 năm về trước cứ tuôn trào xen lẫn niềm tự hào dân tộc trong ông.

Trước năm 1945, trên địa bàn huyện Minh Hóa có hai đồn Pháp chiếm đóng. Đó là đồn Quy Đạt và đồn La Trọng. Chúng tập trung quân ở đồn Quy Đạt nhằm khống chế toàn bộ các làng thuộc hai tổng Cơ Sa và Kim Linh. 

Đồn La Trọng tập trung đốc thúc xây dựng đường cáp treo từ Dân Hóa sang Lào; đồng thời kiểm soát mọi liên hệ qua lại của nhân dân hai nước láng giềng mà chủ yếu là giữa hai huyện Tuyên Hóa (bao gồm cả Minh Hóa ngày nay) và Bua La Pha của nước bạn Lào.

Do điều kiện địa lý ngăn đồi cách suối nên đường lên Minh Hóa ngày đó duy nhất chỉ có một tuyến Đồng Lê-Cầu Roòng-Quy Đạt lên xã Dân Hóa sang Lào (ngày nay là Quốc lộ 12A). Tuyến đường này thường xuyên bị quân Pháp mai phục, ngăn chặn, người dân muốn giao thương ra vùng ngoài phải trèo băng qua đôộng Chôông Cún gọi là đường xương Cây Mang ra Đồng Lê và đường xương Cây Khế  ra Ngọc Lâm.

Bước sang năm 1945, lúc đó ông Niên 23 tuổi, đang làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc của làng Quy Hợp, gọi là Chi đoàn Phan Bội Châu, đồng thời được giao làm tổ trưởng thông tin tuyên truyền, nhận thông tin trực tiếp từ ông Đinh Chướng, ông Đinh Cận và ông Trần Cảnh (thông qua sự chỉ đạo của ông Trương Văn Địch là đảng viên-cán bộ Việt Minh nằm vùng). Tổ của ông tổ chức hội ý rồi tỏa đi các làng phổ biến các chủ trương, chính sách của Việt Minh đồng thời vận động nhân dân giúp đỡ cách mạng.

Đến đầu tháng 8 năm 1945, ông Đinh Chướng đứng ra thành lập đội tự vệ tập trung gồm 30 người, ông Niên được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ tự vệ làng Quy Hợp, ngày đêm luyện tập quân sự với các loại vũ khí như giáo, mác, cung nỏ. Một vài người có kiếm hoặc gươm. Tuy vẫn hoạt động bí mật nhưng ai nấy đã thấy sự quan trọng của nhiệm vụ mình được giao và đều có chung cảm nhận rằng: Có điều gì đó rất hệ trọng đang đến gần.

Khi vùng Minh Hóa nhận được lệnh khởi nghĩa giành chính quyền,  ngoài đội tự vệ của ông Chướng có vũ trang thì tất cả các làng Quy Đạt, Yên Đức, Tân Hợp, Tân Kiều, Ba Nương... đều tổ chức thêm các nhóm tự vệ kéo về bao vây đồn Quy Đạt. Tuy vũ khí thô sơ nhưng với khí thế tiến công và lòng căm thù giặc đã khiến quân Pháp hoang mang sợ hãi. Chúng chống cự yếu ớt rồi bỏ đồn chạy trốn. Phần lớn chúng chạy lên đồn La Trọng để qua Lào. Riêng có một tên quan ba bị lạc đường chạy lên vùng Cà Pời (Trung Hóa) thì bị quân tự vệ ta bắt được.

Ngày 27-8-1945, đoàn cán bộ Việt Minh và quân tự vệ của huyện kéo vào Quy Đạt. Dưới sự chỉ đạo của ông Trương Văn Địch, quân tự vệ cùng quần chúng nhân dân kéo đến nhà chánh tổng và các lý trưởng nói rõ đường lối chính sách cách mạng của Việt Minh và buộc họ phải nộp tất cả giấy tờ, sổ sách, con triện (dấu) cho Việt Minh quản lý.

Từ hôm đó tất cả các thôn, làng náo nức tập trung về đình làng Sạt để nghe đoàn phổ biến chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh và đặc biệt để đón nghe tuyên bố độc lập. Mặc dù thời đó không có loa đài nhưng nghe cán bộ Việt Minh nói sáng 2-9 Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội khiến ai cũng cảm thấy rạo rực hân hoan vô bờ bến...

Cho đến nay đã 94 tuổi đời, 66 tuổi Đảng ông Niên vẫn không thể quên được không khí hào hùng của những ngày cách mạng Tháng Tám trên quê hương Minh Hóa.

X.V