.

Hiệu quả từ một cuộc vận động

Thứ Hai, 31/08/2015, 14:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Với đặc điểm của một tỉnh có chiều dài bờ biển 116km và nhiều sông suối, số bến đò khách, đò du lịch, nhà hàng nổi, bến neo đậu tàu thuyền, khai thác cát sạn, cảng biển... lớn, an toàn giao thông (ATGT) đường thuỷ là vấn đề rất được quan tâm.

Để bảo đảm ATGT đường thuỷ, năm 2011, Ban chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước tỉnh" được thành lập và đi vào thực hiện. Sau 5 năm triển khai, CVĐ đã gặt hái những thành quả tích cực với nhiều mô hình, điển hình đáng biểu dương và nhân rộng.

Trong số hệ thống sông suối toàn tỉnh có 5 tuyến sông chính gồm sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Các tuyến sông này chảy qua 71 xã, phường, thị trấn và tại các địa phương này có 36 bến đò ngang, 3 bến đò dọc phục vụ du lịch, 16 nhà hàng nổi, 33 bến tập kết vật liệu cát, sạn, 6 bến thuỷ nội địa là nơi neo đậu của các phương tiện đánh bắt hải sản, 2 cảng thuộc hệ thống cảng biển quốc gia cùng nhiều bến cảng chuyên dụng khác.

Với đặc điểm địa hình của tỉnh, hệ thống sông thường ngắn, quanh co và có độ dốc lớn, nhiều bãi cạn, đá ngầm, lưu tốc dòng chảy mạnh... nên bên cạnh những thuận lợi trong sản xuất và sinh hoạt, hệ thống sông suối cũng đã gây ra những thiệt hại lớn cho đời sống nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ.

Ngư dân Đức Trạch với mô hình
Ngư dân Đức Trạch với mô hình "Tổ đoàn kết trên biển" mang lại hiệu quả cao trong thực hiện cuộc vận động "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước".

CVĐ "Văn hoá giao thông bình yên sông nước" đã được phát động vào ngày 13-11-2011 tại bến thuyền Phong Nha thuộc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Để CVĐ thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả, cơ quan chức năng đã cụ thể hoá bằng những tiêu chí như "Văn hoá giao thông đường thuỷ", chương trình hành động "Vì an toàn trẻ em trên sông nước", tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến mỗi một người dân, đặc biệt là người dân sống tại các địa phương có sử dụng các bến đò ngang, đò dọc...

Sau ba năm triển khai, ban chỉ đạo đã tổ chức sơ kết CVĐ nhằm đánh giá những việc đã làm được đồng thời rút ra nhiều bài học trong quá trình triển khai. Đến nay, đã có nhiều mô hình như: "Những chuyến đò văn minh, an toàn", "Cụm dân cư tự quản an toàn giao thông đường thuỷ", "Văn hoá giao thông đường thuỷ nội địa", "Bến đò ngang an toàn", "Em yêu đường sông quê em", "Bến đò thanh niên tự quản", "Tuyến sông du lịch an toàn, văn minh, lịch sự", "Tổ đoàn kết trên biển", "Đội thuyền văn hoá an toàn"... ra đời và hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng mang lại bình yên và an toàn cho giao thông đường thuỷ.

Trong quá trình thực hiện CVĐ "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước" 5 năm qua, công tác xây dựng các mô hình là một trong những nội dung mấu chốt được quan tâm chú trọng. Trong đó việc tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân là biện pháp hàng đầu. Ban chỉ đạo CVĐ cấp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành, đơn vị liên quan và lồng ghép với một số phong trào để triển khai xây dựng các mô hình, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, trường học và người dân tham gia.

Bằng nhiều hình thức, đã có 162 hội nghị, chương trình tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức cùng hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, hàng năm, các đơn vị, địa phương đều tiến hành triển khai đánh giá các mô hình, từ đó có những giải pháp xử lý kịp thời nhằm duy trì, củng cố hoạt động của các mô hình.

Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện "Văn hoá giao thông đường thuỷ", chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn, kỹ thuật và nghiệp vụ như cấp bằng và chứng chỉ chuyên môn, công tác đăng ký, đăng kiểm, bảo đảm trang bị hệ thống phao cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy chữa cháy, văn hoá giao tiếp... theo các tiêu chí cụ thể của mô hình đề ra.

Từ quá trình triển khai đồng bộ nêu trên, hoạt động của các mô hình "Văn hoá giao thông đường thuỷ" đã phát huy hiệu quả, tạo được sự quan tâm và hưởng ứng của toàn xã hội. Đây là quá trình định hướng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa đều có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa, hình thành các hành vi ứng xử có văn hoá.

Mô hình cũng đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thuỷ và thái độ ứng xử với quần chúng nhân dân. Đặc biệt hiệu quả rõ rệt nhất là giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đường thuỷ. Trong 5 năm, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa, làm chết 8 người, bị thương 2 người, thiệt hại tài sản ước tính 350 triệu đồng. So với giai đoạn 5 năm 2006-2010 giảm 7 vụ, 48 người chết.

Sau 5 năm triển khai CVĐ, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cơ quan chức năng, công tác điều hành của các cấp chính quyền cùng sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa đã được nâng lên một bước rõ rệt. CVĐ đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông cũng như làm ăn sinh sống trên tuyến đường thuỷ nội địa.

Phong trào đã được xây dựng sát với thực tiễn hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa, làm chuyển biến nhận thức và hành động không chỉ của người dân mà còn của cả lực lượng chức năng, góp phần xây dựng môi trường giao thông đường thuỷ văn minh. CVĐ còn là cầu nối giữa công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa với phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thời gian tới, cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả CVĐ, nhân rộng các mô hình "Văn hoá giao thông đường thuỷ"; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thuỷ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khen thưởng, biểu dương những gương người tốt, điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện CVĐ, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đưa CVĐ tiếp tục đi sâu vào đời sống nhân dân, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nói riêng và trật tự ATGT nói chung.

Ngọc Mai