.

Tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và trật tự ATGT đường sắt

Thứ Bảy, 04/07/2015, 06:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 19-6-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 669/UBND-XDCB về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung công việc sau:

1. Sở Giao thông vận tải:

a. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và trực tiếp thực hiện kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vận tải có nhiều xe vi phạm tốc độ và hành trình trong thời gian từ ngày 1-1-2015 đến nay; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

b. Rà soát, lập danh sách các xe ô tô chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm cung cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam, Công an tỉnh Quảng Bình và công bố trên Đại Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; đồng thời để người dân và cơ quan truyền thông cùng tham gia giám sát.

c. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện quy định về tập huấn nghiệp vụ về kinh doanh vận tải bằng xe ôt ô cho người điều hành vận tải, người làm công tác theo dõi ATGT và toàn bộ lái xe trong đơn vị.

d. Nâng cao công tác quản lý nhà nước nhằm siết chặt quản lý kinh doanh và các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường kết nối các phương thức vận tải để nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

đ. Phối hợp với Công an tỉnh, Công ty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Quảng Bình, UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường sắt đi qua thực hiện một số nội dung công việc sau:

- Rà soát, đánh giá các điểm, vị trí đường ngang gây mất an toàn giao thông, đề ra biện pháp khắc phục về kết quả hạ tầng giao thông đường sắt; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, đường ngang không có người gác có nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

- Tiến hành kiểm tra hiện trường, thống nhất đề xuất, báo cáo UBND tỉnh về đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt mà có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020.

e. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành, tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt của Công ty TNHH MTV quản lý Đường sắt Quảng Bình, UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường sắt đi qua, báo cáo UBND tỉnh các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

2. Công an tỉnh:

a. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách, chú trọng tuần lưu, đặc biệt là trên các tuyến đường có lưu lượng xe khách lưu thông cao, các tuyến đường đang thi công nâng cấp, mở rộng; phối hợp với các đơn vị của ngành giao thông vận tải để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện quá niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách.

b. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; Chỉ đạo Công an các địa phương có đường sắt đi qua nắm vững lịch trình chạy tàu qua địa bàn để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm; phối hợp với các  ngành chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình:

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng như các quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt; cảnh báo các nguy cơ, hậu quả tai nạn giao thông đối với xe chở khách và nguy cơ hậu quả tai nạn giao thông tại các đường ngang.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là vốn đầu tư xây dựng đường gom, các đường ngang, các nút giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

5. Công ty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Quảng Bình: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang đường sắt; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường sắt cho người được các địa phương bố trí cảnh giới tại các đường ngang; cung cấp lịch trình chạy tàu cho lực lượng Công an và Thanh tra giao thông để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo: Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó quan tâm tuyên truyền, phổ biến quy tắc an giao thông và cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông tại các đường ngang; tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang giữa đường bộ và đường sắt; bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, phân công cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, thực hiện kế hoạch.

7. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị mình, tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; tích cực, chủ động sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu tại Công văn này.

8. Giao Sở Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nội dung Công văn này, định kỳ hàng tháng tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

T.S