.

Những người con "cảm tử" cho Tổ quốc "quyết sinh"

Thứ Hai, 27/07/2015, 13:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 6-2015, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình (GTVTQB) mời tôi ra dự cuộc tọa đàm về cuốn sơ thảo “Lịch sử GTVTQB 1945-2015”, với tư cách là một “nhân chứng sống”...

Trước khi bàn chuyện “chữ nghĩa” trên những trang giấy của cuốn lịch sử sắp in, tôi muốn được đi...  “thực địa” - muốn đến thắp hương cho những đồng đội của tôi đã hy sinh trên đường 12A tròn 50 năm trước. Phải! Tròn 50 năm trước - tháng 6, tháng 7-1965 - theo quyết định của Chính phủ, hàng vạn TNXP miền Bắc lần lượt đến các trọng điểm GTVT, trong đó, hơn một ngàn TNXP đầu tiên được điều lên đường 12A. Hồi đó, tôi đang là cán bộ bảo đảm giao thông ở đây, con đường chiến lược vượt Trường Sơn qua Ca Tang, Cha Lo, đèo Mụ Giạ, với những anh hùng từng nổi tiếng như liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, đại đội TNXP 759, anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và đội cảm tử đã hy sinh trong tại “Đồi 37” - nơi có Nhà bia tưởng niệm do ngành GTVT Quảng Bình xây dựng đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia....

Nhưng trên con đường lịch sử này, còn có vô số những chiến sĩ hy sinh thầm lặng hầu như chưa được sách báo nào nói đến. Đó là hàng chục chiến sĩ hy sinh bên kia đèo Mụ Giạ trong trận đánh ác liệt tại Nhom-na-rat hồi cuối năm 1964 - do phải giữ bí mật và sự “tế nhị” trong quan hệ quốc tế lúc đó - đã phải âm thầm đưa về mai táng trên ngọn đồi phía trên Bãi Dinh trong ánh lửa đuốc lập lòe một đêm mưa. Chính tôi đã góp tay cùng với những công nhân Đội Thống nhất do Lê Văn Soa làm đội trưởng giúp an táng các liệt sĩ. Ít lâu sau, thì chính anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân cũng được an táng lặng lẽ ở đây, mặc dù tấm gương chiến đấu của anh tại “miền Tây Quảng Bình” vang dội cả nước. (Về sau, phần mộ của anh đã được đưa về quê hương).

Tại trọng điểm Ca Tang, đầu năm 1965, một đơn vị bộ đội hành quân ra mặt trận, dừng lại nghỉ trong rừng nứa bên đường, đã hứng chùm bom sát thương, mấy chục chiến sĩ hy sinh. Đoàn quân thì vẫn phải tiến lên phía trước, không biết những liệt sĩ ngày đó có được ai lo tìm thi hài và chôn cất không? Đội Quyết Tiến đóng quân gần đó, nhưng cán bộ, công nhân đang phải dồn sức bảo đảm giao thông qua trọng điểm Ca Tang. Và chỉ mấy tháng sau, chính Đội Quyết Tiến cũng bị thương vong nặng nề gần nơi mấy chục “chiến sĩ chưa rõ tên” trước đó.

Một năm trước đây, có dịp đi qua cầu Ca Tang đã được xây lại vĩnh cửu trên đường Hồ Chí Minh, thảm nhựa phẳng lì, người lái đang cho chiếc xe phóng với tốc độ 80 km/giờ, rất ngạc nhiên khi nghe tôi kêu lên: “Dừng lại”! Hai trụ cầu cũ gãy đổ - dấu tích cuộc chiến đấu bi tráng năm xưa còn đó, nhưng cả một vùng rộng lớn bao quanh nay bạt ngàn cây rừng xanh tươi. Thật khó hình dung được nơi nào đã nhuốm đỏ máu 6 công nhân Đội Quyết Tiến, cũng như mấy chục chiến sĩ trên đường ra mặt trận năm xưa...

Nhà bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ngay 3-7-1966 trên đường 12A.
Nhà bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ngày 3-7-1966 trên đường 12A.

Trở về Huế, tôi lần xem lại các sổ nhật ký... Và sau đây là những dòng ghi vội bên trọng điểm Ca Tang gần nửa thế kỷ trước:

Trích nhật ký ngày 18-2-1966:

Mấy ngày ở hai bên bờ Ca Tang. Hôm 15, từ C.752 sang C.753, ngang qua nhà mấy anh chị em “Quyết Tiến” vừa hy sinh mà thấy xót xa, ghê rợn nữa. Mấy quả bom làm trụi cả đám nứa xanh um trước đây và mùi hôi xông lên nồng nặc. Hôm nay, lại đi qua, thấy một chiếc dép còn mới nằm cô độc giữa đường, quai đứt, một mảnh bom chặt gãy đôi. Gần đó, nửa cái đèn pin và một chiếc nón thủng. Dễ dàng nhận ra đó là nón của cô Hoan (Nghi Xuân) vì một chùm len làm dây buộc quai nón.

Một điều đặc biệt là Đội Quyết Tiến không ai ngậm ngùi, buồn nản vì cảnh đó. Tối, gặp anh chị em đi làm ngầm rất vui vẻ!

Trích nhật ký ngày 11-5-1966:

...Sáng 11, sang gặp anh Diệm, Bí thư Đội Quyết Tiến lúc anh đang soạn hồ sơ. Chợt thấy mấy giấy khen không có người nhận: Lê Thị Hoan, Nguyễn Văn Kích, Đặng Văn Út, Trần Đình Thọ, Hồ Phúc Kiệu. Đây là những công nhân đã hy sinh trong trận bom 3 tháng trước! Một nỗi xúc động lẫn áy náy làm mình như chết lặng đi, nhất là khi nghe anh Diệm nói, giọng buồn và cả trách móc: “Công trường cũng chưa xác định có được liệt sĩ hay không; bia mộ cũng không làm được; mộ cũng bị bom nổ chậm vùi đi nhiều!...” Mình nhìn tên các đồng đội nổi bật giữa màu vàng son cờ sao trên mấy tờ giấy khen mỏng manh và “vô chủ”, có tờ đã quăn mép, thoáng nghĩ đến sự “được-mất” của những con người bình thường đã hy sinh một cách thầm lặng trong cuộc chiến giữ đường 12A, cứ muốn thốt kêu lên mà miệng lại mím chặt. Mà biết kêu ai, biết nói gì đây? Và thật may là mình đã không thốt lên điều gì có thể xúc phạm đến vong linh những anh chị mà tiếng nói duy nhất của họ là sự hy sinh không màng đến cờ hoa khen tặng, không cần biết có được công nhận là liệt sĩ hay không! Tuy vậy, người đang sống thì cần! Anh Diệm vẫn tiếp tục giọng kể lể buồn buồn và cam chịu: “...Cậu Thọ có người chị đã lấy chồng, con chị cũng bị chết vì bom Mỹ. Chỉ còn người mẹ mù lòa... Còn Kích có con gái tên Bình 2 tuổi. Ngày tôi về báo tử, chị Bảy - vợ Kích - đi theo đến bến đò, rồi đòi lên thăm mộ chồng. Ngày 14-4, chị vừa viết thư cho tôi, nhờ làm cho cái mộ chí, giữ giấy khen, huy hiệu và đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng chị. Cuối thư chị viết: “... Em ra sức sản xuất, nuôi con Bình khôn lớn để đủ tự lực cánh sinh, đảm đang công việc địa phương cho nam giới ra giết giặc lập công trả thù cho chồng em...”

Tại trọng điểm Ca Tang, các đại đội TNXP 753 (Quảng Trạch), 754 (Quảng Ninh)... cũng đều có chiến sĩ hy sinh, trong đó có Lê Viết Lân (quê Võ Ninh) chiến đấu đặc biệt dũng cảm, đơn vị đã lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu “Anh hùng”, nhưng rất tiếc chưa giải quyết được.

Trên đường 12A, có thể kể thêm không ít người đã chiến đấu như Lê Viết Lân. Cho dù vậy, những con người hy sinh thầm lặng vẫn nhiều hơn. Trong những chiến sĩ hy sinh thầm lặng đó, đặc biệt có 8 thanh niên xung phong (TNXP) đại đội 757, quê huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). 8 chiến sĩ trẻ măng, vừa nhập ngũ được hơn 3 tháng đã hy sinh cùng lúc tại bản La Trọng vào một ngày tháng 7 (âm lịch) tròn 50 năm về trước.

Cho đến hôm nay, nhờ có dịp ra Quảng Bình, kỹ sư Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVTQB nghe chuyện liền cho lái xe Thọ và anh Hòa, Chánh văn phòng, đưa tôi lên xã Thái Thủy, một xã giáp với huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Anh Cảnh (Chi hội trưởng Cựu TNXP Thái Thủy) đã chờ sẵn chúng tôi trước cửa UBND xã. Trước khi ra nghĩa trang, anh đưa chúng tôi sang thăm gia đình người con trai và vợ liệt sĩ Thái Văn Hoàng ở ngay sát trụ sở Ủy ban xã. Ngày anh Hoàng hy sinh, cháu Thái Văn Đôi mới 1 tuổi, nên ít lâu sau, vợ anh đã phải tái giá. Chị tên là Ngô Thị Ché, có 4 con với người chồng sau, nay đã là một cụ bà 75 tuổi...

Thời gian nửa thế kỷ với vô số những đổi thay trong cuộc sống đã khiến cho sự mất mát và khung cảnh bi thương tột cùng đó không còn sắc nét, không còn làm cho người thân của liệt sĩ rơi nước mắt nữa. Ở nhà Thái Văn Đôi cũng vậy. Giữa ngày nắng như đổ lửa, nên cả gia đình - hai vợ chồng, ba đứa con - đang tụ họp bên nhau. Người vợ - Hoàng Thị Lành - chỉ nói đến những lo toan trong cuộc sống hôm nay:

- ... Nhà 5 khẩu, chỉ có 4 sào ruộng, nhưng nhờ có nghề phụ nên cũng đủ sống, cũng lo được cho 3 cháu ăn học. - Chị chỉ cô gái trắng trẻo và xinh xắn với cái tên khá đẹp Thùy Linh, đang e thẹn đứng ở góc buồng và nói tiếp - Cháu lớn vừa học xong kế toán, nhưng không xin được việc làm bác ơi!...

Tôi nhìn lên bàn thờ, không có ảnh liệt sĩ Thái Văn Hoàng, chỉ có bằng Tổ quốc ghi công. Vậy là hình ảnh cả 8 liệt sĩ chỉ còn trong ký ức của người thân - “Những người chết còn trẻ mãi”, như nhan đề một cuốn sách của nữ văn hào Đức Anna Dêgơc. Trước khi ra nghĩa trang, tôi thắp hương lên bàn thờ và tạm biệt gia đình Thái Văn Đôi với lời cầu mong một doanh nghiệp nào đó, biết được thông tin này, sẽ sớm nhận cháu Thùy Linh vào làm việc...

Kể cũng có thể gọi là may mắn, mặc dù di hài 8 liệt sĩ C.757 không gom lại được bao nhiêu, nhưng đồng đội của các anh chị ở Công trường 12A, chẳng quản đường xa đầy bom đạn, đã đem về tận quê hương để hôm nay, nửa thế kỷ sau, còn lại ở Nghĩa trang xã Thái Thủy 8 ngôi mộ xếp liền nhau, ngay bên lối vào, bên gốc sứ thỉnh thoảng lại buông một đóa hoa trắng tinh khiết xuống cạnh những nén hương đang tỏa khói lên bầu trời cao xanh vời vợi...

Trong cuộc chiến đấu của dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, còn có biết bao nhiêu chiến sĩ TNXP, công nhân đã hy sinh một cách thầm lặng, biết bao nhiêu sự tích hầu như chưa được sách báo nào nhắc đến. Đó là “món nợ” có lẽ không chỉ của những người cầm bút chúng tôi..

Nguyễn Khắc Phê