.

Những chiếc cầu phía đầu nguồn sông Son

Thứ Bảy, 04/07/2015, 11:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Phan Tý, cậu cán bộ UBND xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) mời chân tình: “Anh lên thăm lại quê em, chừ thay đổi nhiều lắm rồi... cầu đang xây, không mấy nhịp nữa thì nối trọn đôi bờ”. Tôi lục tung trí nhớ... rồi à ra: Bao lần lên với di sản, thăm thú Phong Nha, Tiên Sơn… đò ngang qua những xóm làng thanh bình phía bờ bắc sông Son. Quê Phan Tý ở đó, xứ Trằm Mé chơi vơi mỗi mùa mưa lũ, cách trở đò giang, bao nhiêu thế hệ người dân tiếp nối nhau mơ ước đến những chiếc cầu ngang sông.

Tháng sáu, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đang cao điểm mùa du lịch. Sông Son tấp nập thuyền chở du khách ngược xuôi. Lâu không trở lại xã Sơn Trạch, biết chúng tôi về Trằm Mé, Phan Tý xung phong đi kiếm đò dọc ngược lên. “Chứ ai để mấy anh qua đò ngang, chờ lâu!”- cậu cán bộ xã phân bua trước khi mất hút dưới bến Phong Nha.

Thật ra lâu nay mọi người cứ quen miệng gọi thôn Trằm Mé, chứ thực tế thôn chia làm hai vùng đất rõ rệt, lấy một nhánh sông Son làm ranh giới thành bên Trằm, bên Mé. Đất rộng, người thưa với 250 hộ, 1.150 khẩu, phần lớn là đồng bào công giáo.

Khi những chiếc cầu phía đầu nguồn sông Son hoàn thành sẽ không còn cảnh bấp bênh đò ngang.
Khi những chiếc cầu phía đầu nguồn sông Son hoàn thành sẽ không còn cảnh bấp bênh đò ngang.

Đò đi ngược lên, xế phía trước lối lên động là bến phà Nguyễn Văn Trỗi, thuộc hệ thống đường 20- Quyết Thắng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và bến đò ngang từ Phong Nha sang Trằm. Cảnh xưa đò ngang chất chứa nỗi niềm, bấp bênh trên sông Son bây giờ vẫn thế. Xe máy, xe đạp, những đôi quang gánh của người chạy chợ, người dân Trằm Mé... sát vào nhau trên con đò mỏng manh tựa chiếc lá. Phan Tý chỉ cho tôi đúng sát bến đò ngang, lời át tiếng máy: “Đây anh ạ! Sẽ có thêm một chiếc cầu. Khảo sát xong cả rồi, chỉ chờ dự án triển khai nữa thôi, do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư”.

Đò ghé Trằm, phía trước mặt nhà trưởng thôn Trằm Mé Nguyễn Văn Thông. Ai từng về Trằm Mé hay quan tâm đến Trằm Mé qua các phương tiện thông tin báo chí sẽ biết đến trưởng thôn Thông. Riêng cánh phóng viên chúng tôi là vốn khách thân tình, cứ mỗi độ gặp nhau đều bắt tay thật chặt trao hết cả tấm chân tình. Trưởng thôn Thông bước sang năm thứ mười hai “đương chức”. Nói đùa với nhau, ở Trằm Mé có đốt đèn tìm cũng chẳng kiếm ra một trưởng thôn như ông Thông, sống “tốt đời đẹp đạo”, được lòng dân, hiểu rành ý Đảng. Dân tín nhiệm cứ giữ ông Thông lại, cho dù nhiều lần ông viết đơn “cáo” chức trưởng thôn để về vui thú điền viên.

Trưởng thôn Thông vui lắm! Mà không vui sao được khi trong tương lai gần Trằm Mé hết bị cô lập. Người dân Trằm Mé vui một, ông vui mười. Qua câu chuyện tràn ngập niềm vui tôi mới biết Trằm Mé có đến ba chiếc cầu bắc qua sông Son. Theo thứ tự ngược dòng sông, chiếc cầu đầu tiên nối Trằm với Phong Nha đang trong quá trình khảo sát, thiết kế. Chiếc thứ hai nối Trằm với Mé đã định hình, chỉ cần lót xong mặt ván cầu là có thể qua về. Chiếc cuối cùng nối Mé với vùng Chày Lập (xã Phúc Trạch) hoàn thành xong các trụ móng sát ngay với chiếc cầu cũ.

Bây giờ, tôi lạm bàn về chiếc cầu từ Trằm sang Mé. Năm 2011 cầu chính thức khởi công, dự định khánh thành đúng vào dịp Quốc khánh 2-9-2014. Cầu treo được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 105.500 USD theo thể thức vốn không hoàn lại. Trong bối cảnh khủng hoảng thị trường, giá cả vật liệu xây dựng leo thang; địa hình thi công phức tạp do ảnh hưởng mưa bão, lũ lụt... Chậm là điều tất yếu. Nhưng chậm đến trọn năm “thi gan” cùng lòng kiên nhẫn của người dân Trằm Mé thì... xin đừng. Tôi đứng trên cầu phía Trằm, nhìn sang Mé, hình hài rõ ràng rồi đấy, nhưng chưa lợp được ván cầu. Chẳng thấy một bóng dáng công nhân thi công lai vãng. Hai phía đầu cầu đơn vị thi công lấy tre rào giăng kín. Nắng đúng ngọ dọi qua cầu, in xuống dòng sông Son chênh chao... Hỏi trưởng thôn Thông bao giờ cầu làm xong, ông lắc lắc đầu, khuôn mặt sạm đen nhíu nhíu, khắc khổ: “Dân bề tui biết mô!”.

Con đò ngược lên phía đầu nguồn sông Son, khi chạm mố cầu cũ bắc từ Mé sang Chày Lập thì dừng lại. Chúng tôi lên bờ tần ngần ngắm hai trụ cầu mới chọc thẳng lên trời, chuẩn bị cho dây cầu quăng qua. Nếu chiếc cầu treo nối liền Mé- Chày Lập hoàn thành, bà con Trằm Mé chỉ đi chưa đầy “nửa quăng rạ” là lên tới đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây. Lối thông thương đã mở rộng, gần lắm với ước mơ người dân Trằm Mé mong chờ. Để có chiếc cầu nối liền đôi bờ sông Son, để có con đường bê tông chạy sâu vào phía xóm Mé, không ít người dân Trằm Mé sẵn sàng cắt đất, hiến vườn. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Viên, hiến đến 1.000 mét đất hoa màu.

Đường bê tông rộng thoáng được xây dựng tại xóm Mé.
Đường bê tông rộng thoáng được xây dựng tại xóm Mé.

Ông Trần Đức Trọng gặp chúng tôi nơi nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Thông. Ông Trọng kể chuyện những cây cầu bắc qua sông Son một cách say sưa, tự hào: “Đằng nào thì dân bề tui cũng hưởng lợi cả thôi, nhưng giá như Nhà nước thương cho trót, hoàn thành xong cầu treo từ Trằm sang Mé đúng thời hạn để con em đến trường thì hạnh phúc càng tăng lên gấp bội. Thế hệ chúng tôi già rồi không nói làm chi, thế hệ măng non lớn lên, tương lai Trằm Mé thay đổi đều nhờ vào chúng cả. Hiện tại Trằm Mé có trên 100 em học sinh tiểu học, 60 học sinh THCS, 25 học sinh THPT, 5 em học đại học và chừng 10 em học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp”.

“Tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt cho người dân thôn Trằm Mé nếu những chiếc cầu hoàn thành. Nhân dân, con em đến trường không phải qua hai lần đò. Toàn thôn sở hữu 70 ha đất nông nghiệp; trong đó 34 ha lúa hai vụ, 30 ha đất ngô chỉ đủ tự cung, tự cấp lương thực cho dân, không thể tính đến chuyện làm giàu”- Trưởng thôn Thông hạch toán về tương lai- “Ba cây cầu qua Trằm Mé sẽ làm thay đổi cảnh quan thôn đẹp hơn, thơ mộng hơn... Dân bề tui đang tính toán làm du lịch với rất nhiều loại hình: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại hộ gia đình... “ích nước, lợi nhà” đó chứ mô nữa”.

Cuộc sống của người dân thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch vẫn còn bộn bề khó khăn, bà con háo hức chờ giây phút những chiếc cầu trên dòng sông Son hoàn thành, nối liền đôi bờ vui. Và chắc chắn mở ra con đường phát triển kinh tế mới cho dân trong thôn, bằng chứng là đã có rất nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên cùng với tiến độ xây cầu Trằm Mé sẵn sàng đón những vị khách du lịch đầu tiên đến lưu trú.

Ngô Thanh Long