.

Người dân cồn bãi chật vật vì phải mua nước sạch giá cao

Thứ Sáu, 24/07/2015, 11:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa khô năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Để có nước sinh hoạt, người dân nơi dây đành phải mua nước với giá cực kỳ đắt đỏ, từ 60 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/1 khối...

Quảng Văn là một xã bãi ngang, được bao bọc giữa bốn bề sông nước, nhưng do địa hình thấp nên hầu hết nguồn nước đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Hầu hết nguồn nước được bơm lên từ các giếng trong vùng đều thấy rõ một màu vàng đục, mùi phèn nồng nặc. Ông Hoàng Minh Huề, Trưởng thôn Văn Phú cho biết, để tận dụng nguồn nước giếng người dân phải lọc qua cát, sỏi nhưng vẫn không khử được mùi phèn và mặn. Vì vậy, nước này chỉ sử dụng để phục vụ tắm giặt chứ không dùng để nấu ăn. Nguồn nước phục vụ ăn uống hàng ngày đều phụ thuộc vào nước mưa.

Quanh năm sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, mỗi nhà dân ở xã Quảng Văn đều có một lu nước khoảng 3 khối, cộng thêm một bể cạn để hứng nước mưa. Bà Hoàng Thị Lan, (53 tuổi, ở thôn Văn Phú) cho biết, từ ngày xưa người dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch. Năm 2008, nhà bà chi 1,7 triệu đồng để đào giếng nhưng nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nên chỉ dùng cho việc giặt giũ. Để có nước phục vụ ăn uống hàng ngày, nhà bà phải xây thêm một bể chứa nước rồi đặt ống dẫn nước mưa về.

Người dân Quảng Văn phải dè sẻn từng giọt nước được mua với giá đắt đỏ để sinh hoạt trong mùa khô hạn.
Người dân Quảng Văn phải dè sẻn từng giọt nước được mua với giá đắt đỏ để sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng khô hạn kéo dài nên các bể chứa nước mưa trong vùng đều đã trơ đáy. Thiếu nước, chuyện ăn uống sinh hoạt thường ngày đều thay đổi. Người dân đành “cắn răng” đi mua nước sạch với giá đắt đỏ để phục vụ những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. “Tình cảnh thiếu nước vào mùa khô không còn lạ lẫm gì với chúng tôi nhưng năm nay, nắng nóng kéo dài, không có mưa, nên bà con trong xã phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chưa bao giờ tôi thấy hạn kéo dài như năm nay”, chị Nguyễn Thị Nga (SN 1983), thôn La Hà Tây cho biết.

Nhà chị Nga có bốn người, bình thường gia đình chị đã sử dụng nước hết sức tiết kiệm, nhưng đợt này càng phải sử dụng tiết kiệm hơn nữa. “Biết tiền mua nước hết sức đắt đỏ, nhưng không mua thì không được. Thành thử, một tháng dùng tiết kiệm lắm cũng hết cả triệu đồng tiền mua nước”, chị Nga tâm sự.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1959), thôn Văn Phú cho biết, các bể chứa nước tại gia đình ông đều đã hết nước. Giờ nhà ông phải mua nước bình để uống, còn nấu cơm, giặt giũ phải đi mua nước từ vùng khác chở đến. Vợ chồng tôi có khoản thu nhập nhất định còn đỡ, nhiều hộ gia đình làm nông, thu nhập ít ỏi, việc bỏ tiền triệu ra mua nước thực sự là một vấn đề nan giải.

Trung bình, giá nước thấp nhất là 60 nghìn đồng/1 khối đến 140 nghìn đồng/1 khối nước tùy theo cự ly vận chuyển được các thuyền chở từ xã Liên Trạch, (Bố Trạch) về bán cho cư dân quanh bãi ngang của sông Gianh; đắt gấp hàng chục lần nước máy ở thành phố. Những hộ gia đình nằm ở ven sông, đường ống dẫn nước từ bến thuyền vào ngắn và đơn giản hơn thì giá nước là 60 nghìn đồng/1 khối. Càng vào sâu thì giá nước càng tăng. Thậm chí có nhiều hộ gia đình phải “cắn răng” mua một khối nước với giá 150 nghìn đồng.

Bà Phạm Thị Tuất, ở thôn La Hà Tây than thở: “Như nhà tôi, hôm trước mới mua một lu nước 3 khối hết 450 nghìn đồng. Cả nhà bốn người, dùng tiết kiệm lắm thì cũng chỉ được nửa tháng. Người nông dân như chúng tôi, vốn đã nghèo, giờ lại lo chạy vạy thêm tiền mua nước”.

Mặc dù phải “cắn răng” mua nước sạch với giá cao ngất ngưởng, nhưng người dân ở Quảng Văn cũng chẳng biết đó là nguồn nước sạch hay không. Từ bao đời nay, mỗi khi thiếu nước ngọt, người dân lại mua nước từ các thuyền chở đến chứ có ai kiểm nghiệm được đâu, một người dân ngậm ngùi cho hay. Được biết, xã Quảng Văn nằm trong chương trình dự án nước sạch do Hungary tài trợ. Đến nay, dự án mới triển khai đưa ống về xã để chuẩn bị lắp đường ống cho dân, tuy nhiên không biết đến bao giờ người dân mới chính thức có nước sạch để sử dụng.

“Mấy ngày gần đây, thời tiết có phần dịu lại tuy nhiên lượng mưa trên địa bàn vẫn chưa đủ. Các bể chứa nước của người dân vẫn khô cạn đáy trong khi đó tình trạng nắng nóng, khô hạn dự báo có thể kéo dài đến tháng 9 mới chấm dứt, không biết rồi tính sao đây nữa”, bà Hoàng Thị Lan ở thôn Văn Phú thở dài cho biết.

P.V