.

"Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội luôn xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm..."

Thứ Hai, 27/07/2015, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Phạm Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình

- PV: Xin đồng chí cho biết việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng ở tỉnh ta?

- Đồng chí Phạm Xuân Bình: Quảng Bình là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Người có công với cách mạng chiếm gần 17% dân số. Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách với người có công . Đến nay toàn tỉnh có khoảng 145.000 người có công, trong đó có gần 24000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công; giải quyết kịp thời các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công theo quy định; ngành đã phối hợp với các địa phương cấp hàng ngàn sổ ưu đãi giáo dục đào tạo cho người có công và con của họ; cấp sổ theo dõi và tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ; thực hiện chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho gần 12.000 lượt đối tượng chính sách (trong đó có khoảng 2 nghìn lượt người về điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công và gần 10.000 người điều dưỡng tại gia đình) mỗi năm theo quy định. Công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ được các địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm sửa chữa, nâng cấp đảm bảo sạch đẹp, tôn nghiêm.

Vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn hàng năm, các cấp các ngành cùng toàn thể nhân dân quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng chính sách, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh nhà đối với người có công; tổ chức chu đáo lễ viếng, dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang trong tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 tỉnh Quảng Trị. Đây là nét đẹp văn hóa luôn được trân trọng, giữ gìn, phát huy.

Những ngọn nến tri ân các liệt sĩ được thắp sáng tại Nghĩa trang Ba Dốc. Ảnh: T.H
Những ngọn nến tri ân các liệt sĩ được thắp sáng tại Nghĩa trang Ba Dốc. Ảnh: T.H

Thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công”, hưởng ứng phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa” do tỉnh phát động, hàng năm tỉnh đã vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 800 triệu đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh (tổng số vận động quỹ tại tỉnh và 8 huyện, thị, thành phố khoảng gần 2 tỷ) để hỗ trợ, sửa chữa nhà ở cho đối tượng người có công, xây dựng tôn tạo các công trình ghi công, mộ liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, bằng sự đóng góp tự nguyện theo trách nhiệm, tình cảm của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

- PV: Kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh những hoạt động gì ?

- Đồng chí Phạm Xuân Bình: Thực tế là không chỉ dịp kỷ niệm mới thực hiện các hoạt động tri ân người có công mà công tác nghĩa tình này thực hiện thường xuyên; ngay từ những ngày đầu năm, ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch về việc tăng cường chăm sóc cho người có công và đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra kết quả tổng rà soát theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014- 2015, chỉ đạo giải quyết kịp thời sau tổng rà soát. Tổ chức các hoạt động thăm tặng quà cho người có công nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tham mưu cho UBND tỉnh trích ngân sách thăm tặng quà dịp Tết Nguyên đán cho 537 đối tượng người có công tiêu biểu với trị giá mỗi suất quà 500.000 đồng. Phối hợp và hướng dẫn các địa phương kịp thời thăm hỏi, chuyển quà của Chủ tịch nước tặng cho người có công nhân dịp tết nguyên đán 2015 cho 29.500 đối tượng với tổng kinh phí từ ngân sách Trung ương trên 6 tỷ đồng. Phối hợp với Tỉnh đội thăm tặng quà cho 24 đối tượng chính sách người có công nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống dân quân tự vệ Việt Nam; Tổ chức tốt việc đưa đoàn Người có công tham dự hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các bà mẹ VNAH còn sống trên địa bàn toàn tỉnh và 26 đối tượng người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngành đã phối hợp với lực lượng vũ trang và chính quyền các cấp tiến hành thực hiện công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ vào các nghĩa trang, tháng 5-2015, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiếp nhận và an táng chu đáo 26 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia hy sinh tại chiến trường Lào về Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc; phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lấy mẫu sinh phẩm các hài cốt liệt sỹ gửi về Cục Người có công xét nghiệm gen và lưu giữ theo quy định; tiếp nhận 2 hài cốt liệt sỹ (tại địa bàn Lệ Thủy) được quy tập về và an táng chu đáo tại Nghĩa trang liệt sỹ Mai Thủy, Lệ Thủy,vv...

Ngoài những hoạt động nói trên, cứ vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ ngành phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức trang trọng lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc và tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trong toàn tỉnh vào tối 26-7. Tổ chức lễ viếng, dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9- Quảng Trị; viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến. Đôn đốc các địa phương giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và thực hiện tốt phong trào chăm sóc gia đình người có công trong các ngày lễ lớn. Kịp thời giải quyết các chế độ chính sách, điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, phối hợp với sở Xây dựng hỗ trợ nhà ở theo QĐ 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tốt cuộc vận động đóng góp xây dựng quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa",vv...  

- PV: Được biết, để chăm sóc tốt người có công, ngành đã chỉ đạo Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao?

- Đồng chí Phạm Xuân Bình: Đúng như vậy. Trong thời gian qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2015, sở đã chỉ đạo Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công làm tốt chức năng nhiệm vụ và đã được lãnh đạo Bộ,các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội tới thăm và đánh giá cao. Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh Quảng Bình được các cơ quan chức năng của Bộ đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động tốt thuộc tốp đầu của cả nước trong việc tổ chức điều dưỡng theo chế độ luân phiên người có công.

Tính đến 8-6-2015, trung tâm đã tổ chức được 10 đợt điều dưỡng với 892 đối tượng. Qua 10 đợt điều dưỡng, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố trong việc đưa, đón, bố trí ăn nghỉ cho đối tượng người có công bảo đảm số lượng theo kế hoạch.Trong thời gian điều dưỡng tại trung tâm, lãnh đạo sở đã gặp mặt, thăm hỏi động viên đối tượng điều dưỡng và thông báo một số chính sách mới; tổ chức cho các đoàn điều dưỡng đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến, thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lệ Thủy, thăm một số địa danh lịch sử và danh lam thắng cảnh du lịch của tỉnh. Những người có công ngoài việc được hưởng các chế độ điều dưỡng của nhà nước quy định còn được tham gia các hoạt động tri ân đồng đội, giao lưu văn hóa, thể thao, đọc  sách, báo, chăm sóc sức khỏe. Đây được xem là địa chỉ quen thuộc của những người có công với cách mạng. Nhiều hoạt động tập thể thực sự đem lại niềm vui cuộc sống cho những người đã có nhiều cống hiến đã từng chịu bao hy sinh gian khổ. Thời gian tới, lãnh đạo sở sẽ  tiếp tục chỉ đạo Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của những người có công với cách mạng.

- PV: Xin ông cho biết tình hình thực hiện chế độ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh ta ?

Đồng chí Phạm Xuân Bình: Thực hiện Nghị định số 56 ngày 22-5-2013 của Chính phủ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh tra cứu, đối chiếu hồ sơ liệt sỹ làm cơ sở để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tham gia hội đồng họp xét của tỉnh thống nhất đề nghị Ban Thi đua- Khen thưởng tỉnh hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương trình Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng 695 Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo nghị định số 56-2013/NĐ-CP, trong đó 49 bà mẹ được phong tặng và 646 mẹ được truy tặng. Hiện sở đang thực hiện các chế độ trợ cấp đối với Bà mẹ VNAH đã được truy tặng và phong tặng theo quy định; tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 45 mẹ VNAH còn sống. Trong dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, Tổng công ty Miền Trung (văn phòng tại Đà Nẵng) sẽ thăm và tặng quà cho 45 bà mẹ VNAH còn sống ở tỉnh ta với số tiền 1.000.000 đồng/mẹ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh công bố quyết định phụng dưỡng suốt đời 15 mẹ VNAH, số mẹ còn lại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục kêu gọi các đơn vị, tập thể, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng.

- PV: Riêng với việc thực hiện chính sách thường xuyên cho các đối tượng người có công ?

Đồng chí Phạm Xuân Bình: 6 tháng đầu năm 2015, ngành đã giải quyết chế độ cho hơn 400 trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng; giải quyết một lần cho gần 5.500 trường hợp, trong đó trợ cấp thờ cúng liệt sỹ chiếm trên 3.100 trường hợp; giải quyết cấp sổ ưu đãi giáo dục đào tạo cho học sinh sinh viên cho gần 60 trường hợp; cấp sổ trang cấp dụng cụ chỉnh hình một số đối tượng thuộc diện được trang cấp; tổ chức 10 đợt điều dưỡng luân phiên người có công tại Trung tâm điều dưỡng người có công; thẩm định hồ sơ chuyển cấp bảo hiểm y tế cho gần 500 đối tượng theo QĐ 290/2005/ QĐ- TTg và một số đối tượng theo quy định; phối hợp với sở Nội vụ thẩm định trên 1500 hồ sơ TNXP theo Quyết định số: 40/2011/ QĐ- TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, công tác chính sách đối với người có công đã được quan tâm thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả. Đạt được kết quả trên, một mặt là do chính sách được điều chỉnh và từng bước hoàn thiện, phù hợp với tình hình xã hội, mặt khác có sự đồng tâm, phối kết hợp từ các cấp các ngành, các địa phương cùng toàn thể người dân đã góp phần rất lớn vào thành tựu này.

Đối với ngành Lao động Thương binh và Xã hội, công tác chính sách người có công luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Vì thế, toàn thể CBCNVC chúng tôi luôn quyết tâm phát huy ưu điểm,vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách cho người có công, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa này.

Phan Hòa (thực hiện)