.
Cải cách hành chính:

Phát huy vai trò công dân trong việc phản ánh, kiến nghị và thực hiện quy định hành chính

Thứ Sáu, 24/07/2015, 18:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 14-2-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Mục đích của Nghị định là tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức phát hiện những bất cập của các quy định hành chính để đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án xử lý, đồng thời phát huy vai trò giám sát của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với các cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

 

Việc công khai minh bạch các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc công khai minh bạch các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều hạn chế.

Sau khi Nghị định số 20/2008/NĐ-CP được ban hành, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ về kiểm soát TTHC.

Để thực hiện các nghị định trên tốt hơn, UBND tỉnh đã có Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phán ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Các cấp, ngành đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và hành vi hành chính.

Từ năm 2013 đến nay, các sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận gần 200 trường hợp phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính. Sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kịp thời cho người dân và tổ chức.

Kết quả trên cho thấy bước đầu đã phát huy vai trò của một “kênh” thông tin, tập hợp những quy định hành chính còn vướng mắc và nghiên cứu những sáng kiến cải cách, phương án đơn giản hóa quy định, TTHC để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với thực tế thì số lượng phản ánh, kiến nghị nêu trên đang rất “khiêm tốn”, các cá nhân, tổ chức chưa phát huy hết vai trò trong việc góp ý, hiến kế và giám sát việc thực hiện các quy định hành chính.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định, hành vi hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương đang còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó vấn đề then chốt nhất vẫn là sự thiếu công khai, minh bạch dẫn đến việc tiếp cận của cá nhân, tổ chức về quá trình giải quyết TTHC còn thiếu thông tin.

Cơ chế kiểm soát, theo dõi tập trung các phản ánh, kiến nghị còn chưa cụ thể, rõ ràng; công tác thông tin, báo cáo tổng hợp tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị đang được thực hiện thủ công, khó kiểm soát; việc ứng dụng công nghệ thông tin để giúp người dân kiểm soát trực tuyến quá trình thụ lý hồ sơ và giải quyết TTHC chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc giải quyết TTHC tại một số đơn vị, địa phương chưa được đề cao. Việc phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong việc góp ý, hiến kế và giám sát việc thực hiện các quy định hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; mức độ tham gia các phản ánh, kiến nghị của họ về quy định hành chính, việc thực hiện quy định hành chính theo Nghị định số 20/2008/NĐ-CP và các nghị định, quyết định khác còn ít, chưa đáng kể.

Đặc biệt là do tâm lý ngại va chạm, hoặc chưa nắm bắt được thông tin về quyền được phản ánh, kiến nghị của mình đã được quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP nên khi gặp vướng mắc về TTHC cũng như hành vi nhũng nhiễu từ cán bộ trực tiếp giải quyết, cá nhân, tổ chức đã không phản ánh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, chất lượng trong việc xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân còn chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho xã hội...

Mọi phản ánh kiến nghị, các tổ chức cá nhân về TTHC xin gửi đến: Sở Tư pháp Quảng Bình, số 183, đường Hữu Nghị, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; gọi điện thoại đến số 052.3825.025; email: kstthc@quangbinh.gov.vn; tiếp nhận qua website: chuyên mục tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp...

Để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc phản ánh, kiến nghị về TTHC, các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác kiểm soát TTHC, đặc biệt nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa của các Nghị định số 20/2008/NĐ-CP, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó kêu gọi toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân chung tay cải cách TTHC, khuyến khích các cá nhân, tổ chức chủ động đưa ra những sáng kiến, kiến nghị cải cách TTHC, đồng thời giám sát việc thực hiện cải cách ở mọi cấp, ngành.

Đối với các sở, ban, ngành cần có hình thức tuyên truyền, huy động sự đóng góp ý kiến của tổ chức, công dân để hoàn thiện Bộ Thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Tăng cường công khai minh bạch trong việc thực hiện các TTHC nhằm bảo đảm đấu tranh, loại trừ tiêu cực giữa một bên là người dân, những người lãnh đạo có trách nhiệm lo cho dân và một bên là những người tiêu cực lợi dụng thủ tục để gây phiền hà, nhũng nhiễu.

Sở Tư pháp tăng cường sự phối hợp giữa Phòng Kiểm soát TTHC với Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật trong việc tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm soát TTHC thông qua các hình thức. Quán triệt việc thực hiện niêm yết công khai địa chỉ của Sở Tư pháp-là cơ quan giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị nghiêm túc tại các cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC.

Đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại công khai, cởi mở giữa những người có quyền quyết định về TTHC với những đối tượng chịu tác động của TTHC (các doanh nghiệp, người dân...) để cùng thảo luận và giải quyết dứt điểm những TTHC cần sửa đổi. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những rào cản về TTHC, hoạt động, hành vi không đúng quy định để giúp cho công tác kiểm soát TTHC tại các đơn vị, địa phương triển khai thuận lợi, đi vào ổn định, nền nếp. Xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp phản ánh, kiến nghị sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, đơn vị, địa phương...

P.V