.

Biển Đông diễn biến phức tạp, tàu cá Việt Nam liên tiếp bị uy hiếp

Thứ Tư, 01/07/2015, 20:34 [GMT+7]

Thông tin từ Cục Kiểm ngư (Tổng Cục Th​ủy sản) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, mức độ uy hiếp của cơ quan hải giám Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống (như vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta) ngày càng gia tăng, phức tạp.

>> Vụ Trung Quốc bắt giữ tàu và 17 ngư dân tỉnh ta: Không thể dùng thủ đoạn để thay đổi thực tế lịch sử

Ảnh minh hoạ. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nghiêm trọng hơn là, nhiều tàu cá của ngư dân ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bị một số lượng lớn tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc liên tiếp đâm uy hiếp và đe d​ọa. Trong đó, riêng tại Quảng Ngãi, Trung Quốc đã uy hiếp, tấn công 23 tàu cá của ngư dân.

Ngoài ra, từ ngày 1-6-2015, khi Trung Quốc còn thực thi lệnh cấm biển trái phép, trong đó có cả vùng biển của Việt Nam, số lượng tàu cá Trung Quốc vi phạm trên vùng biển tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014.

Tàu cá Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) diễn ra ngày 30-6, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết trong 6 tháng đầu năm, thời tiết trên các vùng biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, giúp ngư dân bám biển dài ngày.

Tuy nhiên, tình hình trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, với không ít vụ vi phạm liên quan đến hành vi xâm hại của Trung Quốc đối với các tàu cá của Việt Nam.

Cụ thể, tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trong Sáu tháng đầu năm 2015, Cục Kiểm ngư đã chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư vùng I tổ chức 6 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản trên biển bằng 2 tàu kiểm ngư, huy động 12 lượt tàu kiểm ngư và 12 lượt xuồng cao tốc thực hiện nhiệm vụ tuần bám biển.

Qua công tác thanh-kiểm tra, đoàn kiểm tra của Cục Kiểm ngư đã lập biên bản cảnh cáo 11 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp, thu gần 26 triệu đồng nộp Kho bạc nhà nước.

Đối với tàu cá Trung Quốc vi phạm, Cục Kiểm ngư đã lập biên bản, chụp ảnh xác nhận vi phạm, trục xuất về phía Trung Quốc và yêu cầu không được phép khai thác th​ủy sản ở phía Tây đường phân định khi không đủ các thủ tục khai thác trong Vùng đánh cá chung.

Tương tự, tại vùng biển Trung Bộ, Cục Kiểm ngư đã chỉ đạo Chi đội kiểm ngư số 2,3,4 thực hiện 8 chuyến tuần tra, kiểm soát, quản lý trên các vùng biển được phân công. Qua đó, lực lượng kiểm ngư đã xua đuổi 137 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc xâm phạm (Khu vục Đông Bắc Cồn Cỏ 40-50 hải lý có 53 lượt/chiếc; Khu vực Đông Bắc đảo Sơn Trà 40-50 hải lý có 84 lượt/chiếc).

Về việc xử lý các tàu cá vi phạm của Trung Quốc, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, thời gian qua, số lượng các tàu cá của Trung Quốc và các tàu cá giả dạng Trung Quốc xâm lấn và vùng biển của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, khi phát hiện các tàu cá này xâm lấn vào vùng cấm, lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã tiến hành xua đuổi.

“Đối với các tàu cá lấn sâu, chúng tôi đã lập biên bản và xử lý cho ‘phóng thích’ về Trung Quốc. Cũng phải nói, đây là việc làm rất nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với Trung Quốc, chứ không phải chúng tôi không xử lý được,” ông Huy nói.

Từ góc độ quản lý vùng, ông Đinh Văn Tráng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng 1 cũng cho biết, trong ​6 tháng đầu năm 2015, số lượng tàu cá của Trung Quốc vi phạm trên vùng biển Việt Nam diễn biến rất phức tạp. Vì thế, lực lượng kiểm ngư vùng I đã phải làm việc rất vất vả.

Cụ thể, “chỉ trong hai ngày 14 và 15-6, Chi cục kiểm ngư vùng I đã tuần tra, xua đuổi và cho phóng thích khoảng 40 tàu cá bọc sắt của Trung Quốc lấn sâu vào khu vực Bạch Long Vỹ, Cô Tô ra khỏi vùng biển của nước ta,” ông Tráng thông tin.

Lập đường dây nóng xử lý

Trước tình hình vi phạm tàu cá trên biển, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết ngành kiểm ngư đã ban hành Quyết định quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển thông qua đường dây nóng giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm ngư cũng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, xây dựng dự thảo nội dung Biên bản Th​ỏa thuận và Quy định sử dụng đường dây nóng giữa Việt Nam-Philipines.

Thông qua đường dây nóng, Cục Kiểm ngư (cụ thể là Trung tâm Thông tin Kiểm ngư) đã tiếp nhận và xử lý thông tin 8 vụ việc đột xuất trên biển; trong đó có 5 vụ về sự cố tàu cá và ngư dân, 1 vụ việc về tranh chấp nghề cá được tiếp nhận, 1 vụ xử lý tàu cá vi phạm thông qua đường dây nóng Việt Nam-Trung Quốc, 1 trường hợp cung cấp thông tin qua đường dây nóng Việt Nam-Philipines.

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, ông Huy biết Cục Kiểm ngư sẽ tập trung vận hành đường dây nóng, tổ chức 24/24 giờ để tiếp nhận và kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất trên biển đối với các tàu cá và ngư dân các nước Trung Quốc, Philipines và các nước.

Mặt khác, Cục Kiểm ngư cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư vùng 1, Chi đội Kiểm ngư số 2,3,4 bám sát kế hoạch tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động nghề cá trên biển; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở vùng biển xa Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1, vùng Cửa Vịnh và Vịnh Bắc Bộ để hỗ trợ ngư dân khai thác tại ngư trường truyền thống.

Ngoài ra, “chúng tôi cũng xây dựng các định mức, tiêu chuẩn về kỹ thuật như kiến nghị tăng cường thêm tàu kiểm ngư để phục vụ cho công tác tuần tra, giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt th​ủy hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc," ông Huy nói.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)