.

Thách thức từ sự biến đổi giá trị gia đình

Thứ Bảy, 27/06/2015, 10:03 [GMT+7]

Sự đa dạng của các loại hình gia đình, tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng biến đổi của gia đình nói chung, tạo ra những thách thức cũng như việc thay đổi những giá trị văn hóa truyền thống. Mặc dù vậy, tình yêu thương và sự chia sẻ vẫn sẽ là những giá trị cốt lõi và bất biến của gia đình Việt Nam.

 Bữa cơm tạo nên sự gắn kết mỗi thành viên trong gia đình Việt Nam.
Bữa cơm tạo nên sự gắn kết mỗi thành viên trong gia đình Việt Nam.

“Khoảng chục năm trước đây, tôi vẫn có thành kiến khá nặng đối với việc vợ chồng ly hôn, vì cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến con cái, rồi lo lắng bị mọi người nhìn bằng con mắt không thiện cảm. Tuy nhiên, bây giờ tôi đã suy nghĩ khác, nếu cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thì việc sống chung cũng không tốt cho mọi thành viên trong gia đình, và có thể chia tay sẽ tốt hơn cho cả hai bên”, chị Nguyễn Minh Huyền (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Quan điểm của chị Huyền cũng là suy nghĩ của nhiều người trong xã hội hiện nay, đặc biệt là ở khu vực thành thị, các thành phố lớn... Quả thực, hiện nay, nhiều người trong xã hội đã có cái nhìn thoải mái hơn đối với việc ly hôn, với những gia đình đơn thân...

Không chỉ có quan điểm “thoáng” hơn đối với vấn đề ly hôn, mà suy nghĩ đối với những gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, gia đình đồng tính, sống chung không kết hôn... cũng thoải mái hơn rất nhiều. Đó là sự thay đổi khá rõ nét về các giá trị cốt lõi của nhiều gia đình đương đại Việt Nam. Điều này đã được chứng minh qua khảo sát Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành trong tháng 5 và tháng 6-2015. Khảo sát trên 1.500 người, kết quả cho thấy, có tới 49% tỷ lệ người được hỏi ủng hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, 19% ủng hộ gia đình đồng tính. Bên cạnh đó, một tỷ lệ khá cao người được hỏi có quan điểm trung lập với loại hình gia đình đơn thân do ly hôn (35,3%), đơn thân do không kết hôn (33,7%), sống chung không kết hôn (26,4%) hoặc gia đình không có con (32,1%)... Những con số này đã cho thấy độ cởi mở nhất định với những loại hình gia đình này. Và xu hướng người dân thành thị ủng hộ các loại hình gia đình phi truyền thống cao hơn so với nông thôn.

Khảo sát của iSEE cũng cho thấy, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa) cho rằng, nhiều người Việt Nam cho đến nay vẫn duy trì quan niệm gia đình toàn vẹn, hạnh phúc là gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái. Chính quan niệm về sự toàn vẹn của gia đình như vậy đã khiến xã hội xuất hiện những định kiến về gia đình thuộc các loại hình khác nhau như gia đình đơn thân, gia đình ly hôn, không có con, cùng giới... Nhiều người vẫn quan niệm những gia đình “phi truyền thống” là bất hạnh hoặc lệch lạc. Và để tránh những định kiến này, nhiều người đã cố gắng duy trì cái “vỏ” của gia đình, trong khi những giá trị cốt lõi như tình yêu thương và sự tôn trọng không được quan tâm đúng mực, thậm chí không còn tồn tại... điều này sẽ dẫn đến những hiện tượng khác như bạo lực gia đình, ngoại tình, con cái bất mãn cuộc sống nên bỏ nhà đi chơi bời, lêu lổng, dễ vướng vào các tệ nạn xã hội.

Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, mô hình gia đình Việt Nam những năm qua có nhiều thay đổi, trong đó mô hình gia đình hạt nhân với bố, mẹ và con đang chiếm tỉ lệ cao nhất với 63,4%. Bên cạnh mô hình gia đình 2 - 3 thế hệ gia đình chung sống, gia đình hạt nhân còn có các loại hình gia đình khác như gia đình đơn thân (do ly hôn, do không kết hôn), gia đình chung sống không kết hôn, gia đình không có con... Và cộng đồng xã hội cũng đã dần chấp nhận những loại hình gia đình này, nhất là người dân ở thành thị. Ông Hoa Hữu Vân lý giải, trong xu hướng biến đổi của gia đình nói chung, sự đa dạng của các loại hình gia đình, tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế thì chức năng nổi trội của gia đình hướng tới thỏa mãn tâm lí tình cảm của các thành viên. Hôn nhân tự nguyện, sự bình đẳng và hòa hợp về tình dục giữa 2 vợ chồng sẽ là những yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của gia đình. Tuy nhiên, ông Vân cũng khẳng định, tình yêu thương và sự chia sẻ vẫn sẽ là những giá trị cốt lõi và bất biến của gia đình Việt Nam, không phân biệt loại hình gia đình. Và sự bền vững của gia đình phụ thuộc vào lực liên kết nội tại của gia đình đó là tình yêu thương, trách nhiệm và sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Có lẽ vì vậy, mà trong 2 năm qua (2014 - 2015), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn lựa chọn chủ đề tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam là "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm, tạo nên sự gắn kết mỗi thành viên trong gia đình Việt Nam.

Theo Phương Hà - Khánh Ngọc  (Baotintuc)