.

Công đoàn cơ sở Lâm trường Trường Sơn: Tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng

Thứ Ba, 30/06/2015, 16:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện phương án xây dựng thí điểm quản lý rừng bền vững, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng hiện có, phát triển dịch vụ, du lịch, hỗ trợ kỹ thuật cho đồng bào, tạo việc làm thu hút lao động địa phương tham gia các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, làm giàu cho rừng, trong thời gian qua, Công đoàn cơ sở Lâm trường Trường Sơn đã tích cực phối hợp với Ban Giám đốc tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi thiết thực, được đoàn viên, công nhân lao động tích cực hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Công đoàn cơ sở Lâm trường Trường Sơn trực thuộc Công đoàn Công ty TNHH MTV LCN Long Đại có tổng số đoàn đoàn viên gần 90 người, đảm nhiệm việc bảo vệ và chăm sóc trên 35.000ha rừng thuộc địa phận 3 xã Trường Sơn (Quảng Ninh), Phú Định, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch).

Để công tác chăm sóc và bảo vệ rừng có hiệu quả, Công đoàn cơ sở Lâm trường Trường Sơn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đoàn viên, lao động và nhân dân trên địa bàn tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng một cách có hiệu quả. Vì thế ý thức của người dân được nâng lên đáng kể, họ đã chủ động phát hiện và thông báo kịp thời các hành vi xâm hại rừng tới các cơ quan chức năng, góp phần quan trọng ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn. Cùng với công tác tuyên truyền, các phong trào thi đua như “An toàn vệ sinh lao động“, “Xanh-Sạch-Đẹp“, “Bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước”... đã được Công đoàn phát động thường xuyên đến người lao động. Từ các phong trào này đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, tận tình, có trách nhiệm với công việc được giao.

Hệ thống những biển báo có nội dung như thế này luôn phát huy tác dụng trong cảnh báo cháy rừng của Lâm trường Trường Sơn.
Hệ thống những biển báo có nội dung như thế này luôn phát huy tác dụng trong cảnh báo cháy rừng của Lâm trường Trường Sơn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đoàn viên luôn có ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng và vận động các hộ gia đình được giao đất phải tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc rừng đã được dự án tập huấn, làm tốt công tác bảo vệ, phòng chống và ngăn ngừa cháy rừng. Đồng thời tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý các vụ việc xâm hại rừng, thực hiện đúng quy chế, quy ước thôn bản và quy ước về rừng do cộng đồng quản lý.

Phương án thí điểm quản lý rừng bền vững đã được Lâm trường thực hiện bảo đảm đúng theo các nguyên tắc như: Tuân thủ pháp luật của nhà nước và những thoả thuận quốc tế mà nhà nước đã ký kết; bảo đảm quyền sử dụng lâu dài về đất và tài nguyên rừng; tôn trọng quyền lợi hợp pháp và theo phong tục của người dân địa phương về quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ rừng và đất rừng của họ; thực hiện các hoạt động quản lý kinh doanh rừng, bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài của người lao động và các cộng đồng địa phương; thực hiện những hoạt động quản lý kinh doanh rừng, khuyến khích sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ đa dạng của rừng nhằm bảo đảm tính bền vững kinh tế và tính đa dạng của những lợi ích môi trường và xã hội; chú trọng thực hiện bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, đất đai, hệ sinh thái và sinh cảnh đặc thù dễ bị tổn thương; duy trì các chức năng sinh thái và toàn vẹn của rừng...

Song song với công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, các hoạt động từ thiện nhân đạo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đoàn viên, người lao động cũng đã được Công đoàn hết sức quan tâm như động viên thăm hỏi đoàn viên lúc ốm đau, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, Tết. Các chế độ chính sách đối với người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động... được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật. Chính nhờ việc bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động nên vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn cơ sở Lâm trường Trường Sơn không ngừng được củng cố, thu nhập bình quân của người lao động tại đơn vị đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, việc thực hiện phương án thí điểm quản lý rừng bền vững của Lâm trường Trường Sơn trong thời gian qua đã duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán, hạn chế tối đa nạn chặt phá rừng trái phép. Vì vậy đời sống, việc làm của cán bộ công nhân lao động và các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao, tạo động lực khuyến khích bảo vệ rừng có hiệu quả, bảo đảm độ che phủ rừng đạt 79%.

Nguyễn Hoàng- Xuân Hạnh