.

Tiên phong trên mặt trận giảm nghèo

Thứ Tư, 27/05/2015, 14:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) thị xã Ba Đồn luôn nêu cao tinh thần của những người lính Cụ Hồ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là công tác giảm nghèo, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển đi lên của quê hương.

Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những nội dung mà Hội CCB thị xã Ba Đồn chú trọng trong thời gian qua. Theo đó, để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, hội đã tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi của Hội CCB Việt Nam để cho các hội viên vay phát triển kinh tế gia đình với các ngành nghề như: chăn nuôi, VAC, kinh doanh các ngành nghề dịch vụ... Từ các mô hình kinh tế có hiệu quả của các điển hình CCB, Hội CCB thị xã Ba Đồn đã tiến hành nhân rộng ra các hội viên khác, tạo phòng trào thi đua làm kinh tế giỏi rộng khắp các địa phương.

CCB Nguyễn Hùng Sơn, phường Quảng Thuận là một trong những hội viên đã khởi nghiệp từ nguồn vốn vay của Hội CCB Việt Nam. Với nguồn vốn vay ban đầu chỉ 5 triệu đồng, ông đã nhận cải tạo 1,3 ha ao hồ để nuôi tôm thẻ chân trắng. Vốn là người ham học hỏi, luôn tìm tòi, ông đã thành công trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm và hầu hết các vụ nuôi tôm của gia đình ông đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên lĩnh vực xây dựng, vợ chồng CCB Trần Thị Lý và Trần Văn Nô, phường Quảng Thuận được biết đến bởi sự dám nghĩ dám làm. Thành lập Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Quảng Thuận từ năm 1990 với muôn vàn khó khăn, nhưng trước sức ép phải cố gắng kiếm tiền để nuôi 4 đứa con ăn học, 2 ông bà đã thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài. Lúc đầu, ông bà nhận thầu những công trình xây dựng nhà ở của dân.

Sản xuất sản phẩm rèn truyền thống tại xã Quảng Hoà.
Sản xuất sản phẩm rèn truyền thống tại xã Quảng Hoà.

Sau đó, khi đã tạo được chữ tín, ông bà nhận xây dựng những công trình lớn hơn. Và cho đến thời điểm này, công ty của vợ chồng CCB này đã có sự giúp sức của cậu con trai út tốt nghiệp đại học xây dựng nên được mở mang về quy mô cũng như phương thức hoạt động. Với vốn hoạt động trên 15 tỷ đồng, công ty đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, công ty còn ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội từ 50-80 triệu đồng.

Sau 4 năm trong quân ngũ, năm 1983, CCB Trương Thanh Tâm chuyển ngành sang công tác tại Xí nghiệp gỗ Ba Đồn. Năm 1989, do xí nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ông về chế độ 176. Sau khi về quê sống cùng vợ con, ông kinh doanh buôn bán nhỏ một thời gian nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày.

Đến năm 2001, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, CCB Trương Thanh Tâm quyết định mở lò gạch tại khu đất hoang hóa của phường Quảng Thuận ngày nay. Ban đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên hoạt động sản xuất của ông gặp không ít khó khăn, nhiều mẻ gạch ra lò không thành công.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ thì mọi việc đã khác, mỗi năm cơ sở ông sản xuất khoảng 1,6 triệu viên gạch với doanh thu gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 15 đến 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Trò chuyện với chúng tôi, CCB Trương Thanh Tâm cho biết thêm: Thực hiện lộ trình hạn chế gạch nung từ nay cho đến năm 2020 của Chính phủ, trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm trang thiết bị mới và hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại để phù hợp xu hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng. Điều đáng ghi nhận nữa ở CCB Trương Thanh Tâm là ông không chỉ biết làm giàu cho gia đình mà còn luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, đồng chí đồng đội cách thức làm ăn phát triển kinh tế gia đình cũng như các hoạt động nhân đạo từ thiện khác.

Trên lĩnh vực phát triển ngành nghề dịch vụ, CCB Nguyễn Trọng Duyến, phường Ba Đồn đã phát huy hiệu quả mô hình sửa chữa cơ khí từ mô hình gò hàn của gia đình. Sau 12 năm trong quân ngũ, CCB Nguyễn Trọng Duyến về quê ở xã Quảng Hòa sống cùng gia đình. Nhận thấy nghề cơ khí phát triển hơn ở thị trấn Ba Đồn (trước đây), ông đã thuê mặt bằng, mở xưởng sửa chữa cơ khí ngay tại trung tâm thị trấn.

Bây giờ thì gia đình ông đã an cư lạc nghiệp tại phường Ba Đồn với diện tích nhà ở trên 400m2 và khu nhà xưởng sản xuất 500m2 chủ yếu gia công, sữa chữa các loại thiết bị máy móc. Cơ sở sản xuất của ông tạo đã công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động, trong đó chủ yếu là con em CCB. Theo CCB Nguyễn Trọng Duyến, cái khó nhất của nghề cơ khí đó là việc đào tạo nghề cho người lao động. Phải mất 2-3 năm, một người thợ cơ khí mới có thể tạo ra sản phẩm, tuy nhiên, để người lao động gắn bó lâu dài với cơ sở trong cơ chế thị trường như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng.

Xông xáo đi đầu trong các phong trào thi đua sản xuất giỏi và giúp nhau giảm nghèo, nhanh nhạy trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hội viên CCB thị xã Ba Đồn đã vượt khó vươn lên để làm giàu chính đáng với nhiều mô hình kinh tế đa dạng. Đến nay, toàn  thị xã có 30 doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp sản xuất, cơ sở kinh doanh do CCB làm chủ làm ăn có lãi, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều con em của CCB địa phương.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, những CCB nơi đây còn nặng nghĩa tình đồng chí đồng đội và tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo từ thiện ở địa phương. Riêng trong năm 2014, Hội CCB thị xã Ba Đồn đã giúp đỡ xây dựng 13 ngôi nhà cho hội viên nghèo và ủng hộ người nghèo gần 90 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cao Ngọc Xá, Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Ba Đồn cho biết thêm: Để tổ chức hội ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới của thị xã Ba Đồn trong những năm tiếp theo, Hội CCB thị xã Ba Đồn xác định phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hội, đặc biệt là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế trong hội viên.

P.V