.

Những bông hoa của núi

Thứ Năm, 21/05/2015, 07:38 [GMT+7]

(QBĐT) -  Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thi đua là yêu nước” những năm qua, cùng với toàn tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi cuộc sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn đã nỗ lực vươn lên, tạo được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. 

Phong trào thi đua yêu nước đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nổi bật là việc xây dựng điển hình tiên tiến. Đây được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển toàn diện. Không ít làng quê đã có diện mạo mới, đơn cử như khu dân cư Cồn Cùng xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.

Từ chỗ có đời sống kinh tế khó khăn, người Vân Kiều nơi đây đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều nguồn của các cấp, các ngành để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa được bà con tích cực hưởng ứng. Các hạt nhân trong mọi phong trào ở bản, điển hình như ông Hồ A Lai, người đã mạnh dạn đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương đã được bà con học tập, làm theo. Phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo là một trong những nội dung được khu dân cư Cồn Cùng hết sức chú trọng.

Nhờ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, đa dạng hóa ngành nghề  nên đa số người dân đều có cuộc sống ổn định. Không ít hộ đã vươn lên thành hộ khá, giàu nhờ biết khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Cồn Cùng còn là điểm sáng của xã Kim Thủy trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Để có những làng quê khởi sắc như Cồn Cùng (Kim Thủy, Lệ Thủy), Ðá Chát, Bản Sắt (Trường Sơn, Quảng Ninh), Tân Ly, Xà Khía (Lâm Thủy, Lệ Thủy), Cà Xen (Thanh Hóa, Tuyên Hóa), Ông Tú, Y Leng, La Trọng (Minh Hóa)... phải kể đến những tấm gương người dân tộc thiểu số tiêu biểu đi đầu trong mọi phong trào như anh Hồ Viên-một người con của bản Cà Xen (Thanh Hóa), Phạm Thị Lâm (Lâm Hóa), huyện Tuyên Hóa... Như nhiều gia đình khác trong bản, Hồ Viên từng thiếu cái ăn, cái mặc, cuộc sống chỉ biết dựa vào rừng, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng từ ngày này qua ngày khác.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, người Mã Liềng đã có được một cuộc sống mới, không còn nay đây, mai đó mà là sống định canh. Có nơi ở mới, đất đai rộng rãi, Hồ Viên và người Mã Liềng của bản rất phấn khởi. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, được sự hỗ trợ của chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể, Hồ Viên bắt tay vào việc khai khẩn đất hoang để trồng lúa nước. Thành công từ mô hình này đã tiếp thêm sức mạnh cho Hồ Viên tiếp tục chinh phục đồi hoang để trồng rừng, đào ao thả cá và chăn nuôi đàn trâu bò. Từ các mô hình kinh tế đó, mỗi năm gia đình Hồ Viên thu được hàng chục triệu đồng, vươn lên thành một hộ khá giả của bản.

Điều đáng ghi nhận là, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều nguồn lực để giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện xóa đói giảm nghèo. Các chương trình, chính sách lớn về phát triển kinh tế, xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi như 135; quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; chính sách di dân, định canh định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các xã biên giới... được triển khai tạo nên diện mạo mới cho các địa phương. Từ năm 2009 đến 2014, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư trên 230 tỷ đồng từ nguồn vốn của các chương trình chính sách và nguồn vốn lồng ghép khác để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sạch...

Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô về tận trung tâm xã, có trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và được phủ sóng phát thanh, truyền hình... Hệ thống chợ trung tâm cụm xã, chợ xã được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho việc trao đổi, giao thương hàng hóa trong vùng. Nhờ kết cấu hạ tầng được tăng cường nên bà con có điều kiện phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi.

Một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán sản xuất từ sản xuất nương rẫy sang thâm canh lúa nước. Nhiều hộ đã cải tạo vườn đồi, vườn nhà để trồng rừng kinh tế, trồng cây có giá trị hàng hóa kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, hình thành nên các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập khá cao, tiêu biểu như các mô hình của ông Hồ Soa, Hồ Văn Ngọ, Hồ Văn Pan, Hồ Thị Thanh, Đinh Hợp... (Bru-Vân Kiều); Cao Duy Ư, Hồ Viên, Y Đan, Phạm Thị Lâm... (dân tộc Chứt)...

Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những điển hình tiên tiến được tôn vinh từ các phong trào thi đua đã có sức lan tỏa trong các cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển, góp phần tạo nên sự khởi sắc cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh.

P.V